Mẻ lưới đầu xuân

(Baohatinh.vn) - Tập tục xưa của những người đi sông, đi biển là thường sau Tết Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng), tàu thuyền mới ra khơi. Trước lễ ra khơi, các chủ tàu sẽ có một cái lễ nhẹ nhàng cúng các vị thần linh của sông nước để mong một năm ra khơi, vào lộng được an toàn, bội thu...

Tuy nhiên, nhu cầu nguồn hải sản lớn trong dịp tết của người tiêu dùng đã khiến cho tập tục này có nhiều thay đổi. Nhiều năm gần đây, những ngày thời tiết tốt, tại các vùng biển ở Hà Tĩnh, ngư dân thường đi biển từ rất sớm, nhất là những nhà có tàu lớn. Những sản vật họ mang về từ những ngày đầu năm mới đã làm cho các bến cá nhộn nhịp cảnh mua bán.

me luoi dau xuan

Đầu năm trúng lộc biển đã tiếp thêm động lực để ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) tiếp tục vươn khơi.

Sáng mùng 4 tết Đinh Dậu, Cửa Sót còn phủ đặc sương mù nhưng đã trông rõ từng đoàn thuyền nối nhau đậu dài trên bến. Hai con tàu vừa bốc dỡ hàng xong đã vội vàng nổ máy băng ra biển khơi, người trên bờ cũng không biết rõ hôm nay họ sẽ đánh bắt cá ở khu vực nào. Chỉ biết rằng, họ vừa chuyển tới cho bộ phận dịch vụ trên bờ những mẻ cá tươi rói đánh bắt được từ đêm hôm qua. Sau ngày mùng 1 tết tới nay, làng biển Thạch Kim (Lộc Hà) đã có hàng chục con thuyền đi lộng đánh cá, câu mực, cất vớt ruốc… Sau khi môi trường biển sạch trở lại, xuân Đinh Dậu này, không khí làng biển sôi động hẳn lên.

Giữa dòng người đang hối hả đưa nguồn hải sản tươi này tới muôn nơi, tôi lách vào đám đông và bắt chuyện với anh Hoàng Bá Tân, người lái xe máy chuyên vận chuyển cá tươi cho 5 quầy bán cá tại chợ Hôm (xã Thạch Kim). Anh Tân năm nay trạc 40 tuổi, do tiếp xúc hàng ngày với các chủ thuyền ra khơi, vào lộng nên anh biết rõ tên tuổi và sức làm ăn của từng ông chủ. Vừa lấy dây cao su chằng lại bốn góc sau chiếc thùng tôn sắt hình chữ nhật đã đầy ắp cá, anh Tân vừa lởi xởi nói với chúng tôi: “Từ hôm 27 đến 30 tết, trời mưa nên ngư dân Thạch Kim cứ nghĩ sẽ còn ở cạn uống rượu chơi dài dài. Ai ngờ, bắt đầu từ mùng 1 tết, trời quang, mây tạnh, biển đẹp nên ngư dân đều khao khát lên thuyền”. Chị Phượng là người “sây tiếng” nhất trong đám đông, nói xen vào: “Các chú thấy lạ chưa, dân làm đồng mạ chưa bén rễ đất nhưng dân làng biển đã có cá ăn rồi. Nhìn cá tươi như rứa, các chú thấy ưng con mắt chưa? Các chú có mua về cho vợ nấu ăn không?”.

- “Thế chị để cho bọn em mỗi người 5 cân cá rọc này nhé”.

- “Xong ngay!”.

Vừa nói, chị Phượng vừa thoăn thoắt lấy từng con cá rọc lưng xanh, mắt tròn như hạt bi còn đẫm nước đưa lên bàn cân và bảo:

- “Chị “cân già” để biếu thêm cho các chú mỗi người một lượng nhé. Thứ cá này nấu với vỏ tắt, mật mía thì ngon tuyệt”.

Tôi và anh bạn đồng nghiệp vui mừng đón lộc biển đầu xuân, lại vui hơn khi chị Phượng giãi bày những điều rất thật lòng.

me luoi dau xuan

Tiểu thương nhanh tay đưa cá ra chợ

Theo chị, 2016 là năm các làng biển Hà Tĩnh nói chung và làng biển Thạch Kim nói riêng lao đao do sự cố môi trường biển. May thay, Chính phủ đã sớm ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân vùng biển Hà Tĩnh, trong đó có Thạch Kim. Lãnh đạo Hà Tĩnh đã chỉ đạo cán bộ cơ sở kiểm tra, rà soát hoàn cảnh từng gia đình để kịp thời hỗ trợ cho từng đối tượng với quyết tâm giúp dân tiếp tục vươn khơi và hoạt động ổn định các dịch vụ trên bờ. Thế là Thạch Kim xua tan được nỗi buồn u ám.

Lần theo địa chỉ nhà một số ngư dân vừa mới đi “hái lộc biển” trong vài ngày qua, chúng tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Hòa (xóm Long Hải). May quá! Ông Hòa và 13 bạn thuyền vừa về nhà sau một ngày một đêm đi biển. Ông Hòa đang trải chiếu giữa nhà cùng với mấy người thân nhâm nhi chén rượu cùng với những con cá đù vừa mới luộc lên thơm nức. Thấy chúng tôi, ông mời vào bàn nhậu. Ông Hòa đặt lên miệng bát một con cá đù vừa béo, vừa thơm và giục tôi cầm đũa. Trong tiệc vui, ông xuýt xoa: “Năm con gà này, chẳng biết ai xông đất cho nhà tôi mà thuyền đi lộng đã trúng đậm tới hơn 4 tấn cá đù. Mặc dầu giá bán vẫn còn thấp nhưng điều vui nhất là khách hàng xa gần đã thích ăn cá biển Thạch Kim chúng tôi. Tết này, trước bàn thờ tiên tổ, tôi cũng thắp hương khấn nguyện làm răng cả năm sóng yên, biển lặng, cá đánh đến đâu tiêu thụ được đến đấy”.

- “Thế 4 tấn cá bác vừa đánh bắt xong tiêu thụ đã thuận lợi chưa?” - tôi hỏi:

- “Ngon” rồi chú ạ. Thuyền vừa cập bến đã có người tới mang lên thành phố Hà Tĩnh rồi lên Hương Sơn, Hương Khê. Sáng hôm qua, thuyền tôi vừa cập bến đã thấy xuất hiện hai chiếc xe con đậu ngay bến cảng Cửa Sót. Hỏi ra mới biết, hai vị khách này công tác tại Hà Nội về quê ăn tết đã tìm tới làng chân sóng này mua cá biển đầu xuân làm quà. Thấy người ta lặn lội tới đây, lại càng động viên tôi và các chủ thuyền khác tin vào nghề biển. Quả thật, năm Đinh Dậu này chúng tôi tin lắm” - ông Hòa cho biết.

Trong câu chuyện ra khơi đầu xuân Đinh Dậu này, ông Hòa còn tiết lộ thêm: “Trong ngày mùng 3, thuyền của ông Nguyễn Văn Long (xóm Long Hải) đánh bắt được hơn 2 tấn cá rọc, thuyền ông Trần Quang Hùng (xóm Long Hải) đánh bắt được 2 tấn cá đù và 4 tạ ruốc. Số người dong thuyền câu mực ở vùng lộng được hàng tạ nhiều lắm, ông không thể nhớ hết”.

Làng biển Thạch Kim trong buổi sáng này đang hồng lên sắc nắng xuân, ngõ ngang, lối dọc náo nức âm thanh, rực rỡ màu cờ, màu áo. Trong sắc biếc mênh mông của biển cả, ngư dân làng cá đã nhìn thấy tương lai tươi sáng. Ngày của những vụ cá nam bội thu đang tới gần, ngày của nhộn nhịp tiếng gọi cá từ trên bến, dưới thuyền. Dẫu phía trước còn nhiều gian nan, vất vả nhưng con thuyền sẽ vượt qua mọi phong ba, đánh bắt hàng trăm tấn cá, tôm, đưa hải sản thiết yếu, ngon bổ tới muôn nhà.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.