Một vùng non nước Xuân Viên

(Baohatinh.vn) - Xã Xuân Viên (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) là làng cổ, nơi cư trú của người Việt cổ thời tiền sử, cách ngày nay khoảng 5.000 năm trước công nguyên. Di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Đây cũng là địa chỉ hấp dẫn bởi nhiều công trình du lịch độc đáo.

Là địa phương đất rộng, xã Xuân Viên có diện tích 20,74 km2. Đại đa số người dân lấy sản xuất nông nghiệp làm kế sinh nhai. Từ xưa, Xuân Viên là vựa lúa chính của huyện Nghi Xuân. Dân gian có câu phương ngôn: “Lắm ló (lúa) Xuân Viên/ Lắm quan Tiên Điền” để ca ngợi sự giàu có của nghề nông Xuân Viên.

Một vùng non nước Xuân Viên

Lễ hội đánh cá Đồng Hoa - nét đẹp văn hóa truyền thống ở Xuân Viên. Ảnh tư liệu

“Có thực mới vực được đạo”. Không có ăn, không có mặc thì lấy gì mà sắm giấy bút, sách vở, thuê thầy đồ về để con cái học hành theo đòi khoa cử. Đó là lý luận đơn giản của người Xuân Viên. Lý luận đó đã đưa lại hiệu quả rõ rệt. Từ sự phát triển kinh tế nông nghiệp đã thúc đẩy việc học hành khoa cử, đưa Xuân Viên chạm ngưỡng đất học.

Vào thời nhà Nguyễn, đất học Xuân Viên có 2 người đậu tiến sĩ là Ngụy Khắc Tuần và Ngụy Khắc Đản. Trong đó, cụ Ngụy Khắc Đản đậu thám hoa, được vua phê bút son “Hạc lập kê quần” (chim hạc đứng giữa đàn gà).

Theo sách Nghi Xuân địa chí của nhà nho Lê Văn Diễn và các tài liệu lưu trữ ở huyện Nghi Xuân, thời Lê, người Xuân Viên không có ai đậu tiến sĩ. Đầu thời Lê sơ, ở Nghi Xuân, khoa cử mở đầu, nở rộ ở đất Phan Xá (Xuân Mỹ, Xuân Thành ngày nay). Người khai khoa hương cống là Phan Trung, thi đỗ vào khoảng đời Lê Thái Tông (1434-1442). Khai khoa tiến sĩ là Phạm Ngữ, cũng là người Phan Xá, thi đậu vào khoa Quý Mùi, năm 1463, niên hiệu Quang Thuận, đời vua Lê Thánh Tông.

Một vùng non nước Xuân Viên

Hiện vật được trưng bày tại chương trình “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” năm 2020. Ảnh tư liệu

Ở xã Xuân Viên không hiểu vì lý do gì mà khoa cử muộn hơn so với địa phương lân cận. Cũng theo Nghi Xuân địa chí, mãi đến khoa thi Tân Mão vào năm 1711, niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời vua Lê Dụ Tông, ở Xuân Viên có sĩ tử Hồ Thiên Nhượng, 28 tuổi vào trường thi hương, đậu tam trường, được bổ làm Huấn đạo Diễn Châu. Sau đó, con trai và cháu ông cũng tiếp bước cha ông, đỗ đạt ra làm quan.

Có một điều rất kỳ lạ là mặc dầu thành tựu đỗ đạt, khoa cử và con đường hoan lộ ở xã Xuân Viên muộn, nhưng ở đây lại xuất hiện Văn miếu thờ Khổng Tử sớm hơn Văn miếu đất học Tiên Điền. Theo sách Nghi Xuân địa chí thì từ đời Lê Thuần Tông (1732-1734) về trước, huyện Nghi Xuân tế Khổng Tử, tổ sư đạo Nho ở đình Văn miếu xã Xuân Viên. Đến đời Vĩnh Hữu, vua Lê Ý Tông ở thế kỷ XVIII, Xuân quận công Nguyễn Nghiễm cho dời về Tiên Điền.

Công trình Văn miếu ở Xuân Viên tọa lạc tại thôn Xuân Áng vẫn tồn tại mãi đến những năm đánh Mỹ mới bị tháo dỡ. Hồ Thiên Nhượng là người mở đầu khoa cử cho xã Xuân Viên, được ghi tên đầu tiên trong văn chỉ của xã và phối thờ ở Văn miếu với mục đích khuyến học, khuyến tài. Từ đó về sau, xã Xuân Viên vươn lên trở thành đất học với 2 tiến sĩ, 10 hương cống, cử nhân, 1 sinh viên Quốc tử giám là Ngụy Khắc Hài, là thầy dạy học của vua Minh Mạng, triều nhà Nguyễn. So với Tiên Điền, Phan Xá thì số sĩ tử Xuân Viên thấp hơn, nhưng cũng được xem là địa chỉ đất học.

Xuân Viên có nhiều tướng lĩnh cầm quân, đánh trận. Đa số tướng lĩnh đều là người thôn Xuân Áng. Đó là tướng Phạm Hạc quận công, từng làm xã trưởng, có sức lực hơn người, vô địch, bạt (nhổ) được cây gỗ thông lớn cắm giữa dòng sông, được vua Lê ban tước Hạc quận công. Ông là thủy tổ của dòng họ Phạm ở xã Xuân Viên.

Từ Xuân Viên, con cháu họ Phạm sinh sôi, phát triển, di cư sinh sống ở 12 xã, 3 huyện Nghi Lộc (Nghệ An), Nghi Xuân và Can Lộc (Hà Tĩnh). Riêng ở Nghi Xuân, hậu duệ Phạm Hạc quận công lập nghiệp tại 10 xã. Đậu Vĩnh Trường là tráng sĩ võ nghệ cao cường, dũng sĩ vào hang núi đánh chết mãng xà, giết thuồng luồng trừ hại giúp dân tại khúc sông Lam ở bến đò Da Lách. Ông là người giỏi bơi lặn, khi tuổi cao, vua cho về làng nghỉ dưỡng, ông lặn xuống sông Lách giết thuồng luồng, chẳng may nhiễm độc rồi mất tại xã Xuân Viên.

Mộ táng của Đậu Vĩnh Trường ở dưới chân núi, Nhân dân Xuân Viên lập đền thờ. Các di tích: nhà thờ và mộ Đậu Vĩnh Trường (thôn Bắc Sơn), nhà thờ và lăng mộ của Tiến sĩ Ngụy Khắc Tuần (thôn Mỹ Lộc), Đình Hát (thôn Cát Thủy) của xã Xuân Viên được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi ở thôn Bắc Sơn được xếp hạng Di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Phôi Phối - Bãi Cọi rất đặc biệt bởi vừa có yếu tố văn hóa Đông Sơn vừa có yếu tố của văn hóa Sa Huỳnh.

Một vùng non nước Xuân Viên

Toàn cảnh khu vực di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi. Ảnh tư liệu

Nằm trên triền núi Chua trong dãy Hồng Lĩnh, địa phận thôn Nam Viên đã và đang xây dựng công trình Thiền viện trúc lâm Hồng Lĩnh, một công trình kiến trúc Phật giáo, nơi tăng ni, chú tiểu, sư thầy, phật tử tu nghiệp giáo lý Phật giáo. Khu thiền viện sầm uất, thanh tịnh, đêm khuya thanh vắng, tiếng chuông chùa vang vọng lan xa.

Ở Xuân Viên còn có chùa Diên Phúc, được trùng tu khang trang làm nơi tu tập của sư thầy, chú tiểu. Cách Thiền viện không xa là nhà vườn Đức Đường ở thôn Nam Viên - khu du lịch sinh thái, một điểm đến của nhiều người yêu thích thiên nhiên hoang sơ, sinh động.

Một vùng non nước Xuân Viên

Nhà vườn Đức Đường - khu du lịch sinh thái ở Xuân Viên. Ảnh tư liệu

Nhà vườn Đức Đường cách thành phố Hà Tĩnh 40 km, cách thành phố Vinh 15 km. Chủ nhân vườn du lịch sinh thái này là ông Đường Nguyên Thụy, một doanh nhân trong tỉnh tạo lập vào năm 2016 với diện tích 2 ha, gồm các hạng mục: khu vui chơi, hệ thống nhà nghỉ, nhà điều hành, nhà vòm, bể bơi, vườn hoa, cây cảnh... Nhà vườn chính thức được đưa vào hoạt động kinh doanh vào cuối năm 2018. Từ đó đến nay luôn dập dìu du khách mọi miền đến chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Hiện Nghi Xuân đang triển khai kế hoạch làm khu du lịch ngoài trời ở điểm Di tích lịch sử quốc gia Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi để đón du khách.

Cùng với lễ hội đánh cá Vực Rào truyền thống hằng năm, du lịch phượt ở khu vực khe Tràng Vưng, đập Đồng Trày, các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt, di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi, Xuân Viên là điểm đến hấp dẫn với du khách mọi miền đất nước.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.