Sáng 20/5 , Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà chủ trì hội nghị. Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua việc góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; đồng thời, khẳng định vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản của Hiến pháp nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Một số đại biểu góp ý các nội dung liên quan đến việc bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung sửa đổi, tránh chồng chéo giữa các điều khoản, tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đi sâu vào một số vấn đề cụ thể liên quan đến vai trò của MTTQ trong các phiên chất vấn; các quy định liên quan đến phát triển đô thị sau kiện toàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị MTTQ tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu và tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Trần Nhật Tân đánh giá cao những ý kiến của đại biểu. Các góp ý sẽ được tiếp thu đầy đủ, khách quan gửi đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt là việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam.
Chiều 20/5, Hội Luật gia tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tại hội nghị, các đại biểu đi sâu góp ý vào các nội dung cụ thể như: Nâng cao vai trò, vị trí của đại biểu Quốc hội chuyên trách thông qua việc có quyền được trình các dự án luật trước Quốc hội. Tăng cường quyền giám sát của của đại biểu nhân dân thông qua hoạt động chất vấn chủ tịch UBND và người đứng đầu thuộc UBND. Đề nghị đồng thời sửa đổi Luật Công đoàn năm 2024, quy định rõ quyền tự chủ của tổ chức công đoàn trong thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, bảo đảm tính độc lập trong vai trò đại diện quyền lợi người lao động.
Một số đại biểu đề xuất giữ lại quy định của Hiến pháp hiện hành về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án tòa án, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân ở địa phương… Các đại biểu cũng góp ý sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ, cụm từ để các điều, khoản trong dự thảo được rõ ràng, dễ hiểu, bảo đảm khi Quốc hội thông qua Hiến pháp có tính khả thi cao.