Nhiều tuyến đường ở TP Hà Tĩnh ngập sâu sau trận mưa lớn đêm 5/10/2014 |
- Từ chiều mùng 5, sáng 6/10, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn. Ông có thể phân tích diễn biến và ảnh hưởng của trận mưa lớn đầu tiên trong năm nay?
Đợt không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, gây mưa lớn. Tính đến 7h sáng 6/10, lượng mưa đo được ở phần lớn các khu vực dao động từ 100-200 mm. Trong đó, khu vực Cẩm Nhượng có lượng mưa lớn nhất (275 mm), TP Hà Tĩnh (157 mm); còn tại Hương Sơn, Đức Thọ, lượng mưa chỉ dao động từ 20-40 mm.
Do cường độ mưa lớn, xảy ra trong thời đoạn ngắn nên đã gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi, đặc biệt là TP Hà Tĩnh, nhiều tuyến đường bị ngập sâu 30 cm. Mưa lớn kết hợp với hồ thủy điện Hố Hô xả điều tiết nên trên sông Ngàn Sâu đã xảy ra một trận lũ với đỉnh lũ trên báo động 1.
Đây là đợt mưa lớn diện rộng đầu tiên xảy ra trong năm 2014. So với trung bình nhiều năm, nó diễn ra khá muộn - khoảng 1 tháng so với năm 2011, 2012 và 3 tháng so với năm 2013 (năm 2013, tính đến hết tháng 9, đã có 5 đợt mưa lớn diện rộng, trong đó, đợt đầu tiên xảy ra vào cuối tháng 6).
- Xu hướng lượng mưa và tình hình bão, lũ trong những tháng tiếp theo sẽ như thế nào, thưa ông?
Năm nay, hầu hết các khu vực trong phạm vi cả nước, mưa, lũ đều xảy ra muộn hơn thường kỳ. Ở Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hết tháng 9, ở hầu hết các khu vực, lượng mưa mới chỉ đạt 55-65% so cùng kỳ và mới chỉ đạt 30-47% so với lượng mưa trung bình nhiều năm cả năm. Vì thế, mặc dù được dự báo lượng mưa, số cơn bão, đợt lũ năm nay đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2013, nhưng thời gian tiếp theo mới là trọng điểm của mùa mưa bão. Đặc biệt, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên siêu bão xảy ra ngày càng nhiều. Năm 2014, dự báo tiềm ẩn những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp, không theo quy luật khí hậu, xuất hiện trong thời gian ngắn và tập trung vào cuối năm.
Để ứng phó linh hoạt và kịp thời trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân phải thường xuyên theo dõi, cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” ứng phó kịp thời các diễn biến của thời tiết. Về lâu dài, hạn chế và giảm phát thải các loại khí nhà kính; giảm thiểu nạn chặt phá rừng đầu nguồn; có ý thức bảo vệ rừng cũng như xây dựng các công trình nhà ở, công trình sản xuất kiên cố thích ứng với từng điều kiện địa hình và khí hậu ở từng địa phương.
- Xin cảm ơn ông!’