Tại đầm tôm công nghệ cao trên cát của anh Nguyễn Việt Khánh, ở xã Xuân Đan (Nghi Xuân), những người lao động đang thu gom xác tôm chết cho vào bì đem chôn. Anh Khánh buồn bã cho biết: “Sau gần 2 tháng thả nuôi hơn 5 triệu con tôm giống, nhưng do mưa lớn kéo dài làm độ mặn trong ao giảm, môi trường nước không ổn định, tôm bỏ ăn dẫn đến chết. Mỗi ngày có khi vớt vài tạ tôm chết, nhìn xót hết cả ruột.”
“Mặc dù tôm mới chỉ đạt kích cỡ 180 – 200 con/kg, nhưng cũng phải bán tống, bán tháo, mỗi kg được 30 – 40 nghìn đồng. Bỏ cả tiền tỷ nuôi tôm mà giờ chỉ thu về tiền triệu.” – anh Khánh ngán ngẫm.
Mưa lớn kéo dài gây tôm chết hàng loạt tại xã Xuân Đan, Nghi Xuân
Nhiều hộ nuôi tôm ở Xuân Phổ (Nghi Xuân) cũng đã phải tiến hành thu hoạch “non” so với kế hoạch. Một chủ đầm tôm thuộc HTX Hoàng Thông (xóm 7, xã Xuân Phổ) cho biết: “Nhiều hộ phải cho thu hoạch trước đề phòng những ngày tới tiếp tục mưa lớn. Với tỷ lệ con tôm hiện tại, nếu để đến 10 – 15 ngày sau thu hoạch sản lượng sẽ tăng lên, bán được giá cao hơn nhiều, thu thêm gần trăm triệu đồng.
Không chỉ ở Nghi Xuân mà ngay cả Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà… người nuôi tôm cũng đang hết sức lo lắng trước diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay.
Mưa lớn suốt cả hơn hai tuần qua làm cho nguồn nước trong ao nuôi bị ngọt hóa, ông Nguyễn Văn Mại (xã Hộ Độ, Lộc Hà) phải thường xuyên tăng thêm lượng muối để duy trì môi trường sống cho con tôm. Mỗi ngày ông phải đổ cả tấn muối xuống 5 ao nuôi cho hơn 1,5 triệu con tôm với kích cỡ 200 con/kg. Thế nhưng tôm nuôi của ông hiện rất lười ăn và bắt đầu yếu dần. Nếu tiếp tục xẩy ra mưa lớn thì chắc phải thu hoạch “non” mới hy vọng vớt vát được một ít tiền giống.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều hộ nuôi đã phải thu hoạch tôm "non"
Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, vụ tôm năm nay hầu hết thả muộn, vì vậy trên địa bàn còn nhiều diện tích mới xuống giống từ 1 – 2 tháng. Do đó, sức đề kháng của con tôm còn yếu nên khi gặp mưa lớn kéo dài sẽ gây “sốc” dẫn đến tôm bỏ ăn rồi chết. Ông Hoàng khuyến cáo các hộ nuôi cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, những vùng có điều kiện cần xả bớt nước, tăng độ mặn, kiểm tra các yếu tố môi trường, bón thêm vôi, khoáng để tăng sức đề kháng cho tôm. Với điều kiện thời tiết đang diễn biến phức tạp, khi xuất hiện yếu tố bất thường người dân nên thu hoạch sớm để tránh thiệt hại.