Cựu Giám đốc FBI Robert Mueller, công tố viên đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra nghi vấn mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga. (Ảnh: PA)
Liên quan đến việc bổ nhiệm ông Muller, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nói: “Tôi cho rằng, việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt là cần thiết để người Mỹ tin tưởng hoàn toàn vào kết quả chung cuộc, chứ không phải nhằm truy tìm tội phạm hay truy tố”.
Ở cương vị công tố viên đặc biệt, tuy vẫn phải báo cáo Tổng thống và Bộ Tư pháp, nhưng ông Muller sẽ có thẩm quyền độc lập hơn trong quá trình điều tra so với một công tố viên thông thường. Ông Muller được phép lựa chọn những gì cần tham vấn hay thông báo với Bộ Tư pháp về quá trình điều tra.
Ông Muller từng là Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) trong chính quyền của cả tổng thống Dân chủ và Cộng hòa từ năm 2001 đến 2013. Ông từng được Tổng thống Barack Obama đề nghị giữ nhiệm kỳ hơn 10 năm cho tới khi bổ nhiệm ông Comey làm người kế nhiệm.
Ông được sự ủng hộ của nghị sĩ ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa. Kathryn Ruemmler, một cựu công tố viên dưới thời Tổng thống Obama nói: “Ông ấy (Muller) là một lựa chọn tuyệt vời. Ông ấy sẽ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện mà không chịu sức ép của công chúng hay bất kỳ sức ép chính trị nào. Tôi nghĩ là không có lựa chọn nào tốt hơn”.
Quyết định bổ nhiệm ông Muller được đưa ra một tuần sau khi Nhà Trắng xáo trộn bởi việc Tổng thống Trump bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey. Một bản ghi nhớ của ông Comey được tiết lộ sau đó nói rằng, ông Trump từng đề nghị Giám đốc FBI ngừng điều tra mối liên hệ giữa đội ngũ trợ lý của ông Trump với Nga. Điều này làm dấy lên hoài nghi về việc ông Trump có thể từng cố can thiệp vào cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.