Mỹ “thiệt đơn thiệt kép” nếu rút 9.500 binh sỹ tại Đức

Quyết định rút 9.500 binh sỹ tại Đức phù hợp với sự “ác cảm” lâu nay của Tổng thống Trump đối với các đồng minh của Mỹ, nhưng nó cũng gây ra thiệt hại cho nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút 9.500 trong số 34.500 lính Mỹ đang đồn trú ở Đức. Theo kế hoạch này, số lượng binh sỹ Mỹ triển khai ở Đức sẽ chỉ còn 25.000.

Lính Mỹ tại Bremerhaven, Đức. Ảnh: Getty

Đức, một thành viên lâu năm của khối liên minh NATO và là nước tiếp nhận hơn một nửa số binh sỹ Mỹ triển khai ở châu Âu. Kế hoạch rút quân của Mỹ diễn ra trong bối cảnh có những tranh cãi liên tiếp giữa Mỹ và Đức về chi tiêu quốc phòng và Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây quyết định không tới Mỹ để dự cuộc họp G7.

Quyết định này cũng phù hợp với sự “ác cảm” lâu nay của Tổng thống Trump đối với các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến kế hoạch này trở thành vấn đề rắc rối đối với nước Mỹ.

Lính Mỹ ở Đức không chỉ đơn giản để hỗ trợ Đức

Mỹ đã thiết lập các hiệp ước phòng thủ và triển khai binh sỹ rộng rãi ở nhiều nước sau Thế chiến 2 với mục đích tự vệ. Bằng việc hợp tác, Mỹ và các đồng minh có thể ngăn Liên Xô cùng các đồng minh của Moscow tấn công và chuẩn bị tốt hơn để bảo vệ châu Âu nếu đối phương lên kế hoạch tấn công.

Chiến lược của Mỹ khi đó là chiến lược mới. Các nước từ lâu đã sử dụng các khối liên minh để chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, nhưng mục tiêu của Washington khi đó là để ngăn chặn các cuộc chiến tranh từ trước khi nó bắt đầu. Xét trên nhiều yếu tố, hệ thống liên minh này là một thành công lẫy lừng. Không có đồng minh nào của Mỹ từng trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công khiêu khích tiềm tàng từ Liên Xô và Mỹ cũng không bị kéo vào các cuộc chiến thay mặt các đồng minh của mình. NATO viện dẫn Chương 5 về quy tắc phòng thủ tập thể, chỉ 1 lần sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một nước Đức bị chia cắt đóng vai trò như tiền tuyến. Hiện tại, khi cần, Mỹ có thể triển khai tới 50.000 binh sỹ tới các căn cứ ở Đức như một phần trong sự phòng thủ của NATO tại lục địa châu Âu, trước hết là chống lại Nga. Đức cũng là nơi có trụ sở Bộ tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ, cá bệnh viện quân đội lớn và các cơ sở huấn luyện mà từ đó Mỹ có thể triển khai các hoạt động quân sự khác trên khắp thế giới.

Động thái của Mỹ khó khiến Đức tăng chi tiêu quốc phòng

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Đức vì mức chi tiêu quốc phòng thấp. Những lời chỉ trích đó thực ra đã bắt đầu từ trước khi ông Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên việc cắt giảm binh sỹ Mỹ chưa chắc giúp ích cho việc cân bằng lại việc chia sẻ gánh nặng giữa Mỹ và Đức.

Giống như các thành viên khác của NATO, Đức cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP năm 2014, nhưng nước này vẫn chưa thể đáp ứng mục tiêu đó cho đến năm 2024. Chi tiêu quốc phòng của Đức trên thực tế đã gia tăng về giá trị, nhưng nền kinh tế của nước này cũng vậy. Ngoài ra, Berlin cũng chi tiêu theo nhiều cách không hiệu quả cho liên minh quân sự, khi dành một tỷ lệ lớn trong ngân sách quốc phòng cho để trả lương cho quân nhân trong khi dành tỷ lệ thấp hơn cho trang thiết bị hay nghiên cứu và phát triển.

Cũng không có lý do gì để nghĩ rằng việc rút quân mang tính “dọa dẫm” sẽ ép buộc được bà Merkel tăng thêm chi tiêu. Bà Merkel nhận được sự ủng hộ khá lớn ở trong nước, đặc biệt kể từ khi Đức trở thành một trong những nước đối phó hiệu quả nhất thế giới với dịch Covid-19. Thay vào đó, việc giảm số lính Mỹ có thể tạo động lực cho đảng đối lập của Đức vốn ủng hộ xu hướng giảm hội nhập với NATO.

Việc giảm số binh sỹ khiến Mỹ thiệt hại theo nhiều cách

Việc rút binh sỹ khỏi Đức đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ vẫn phải thanh toán các chi phí cho việc hồi hương hay tái bố trí số binh sỹ này sang các nước khác, cũng như đóng cửa các cơ sở ở Đức. Việc tái bố trí binh sỹ Mỹ sang Ba Lan, một nước châu Âu khác, cũng sẽ tốn một khoản chi phí mới đáng kể để xây dựng các cơ sở ở nước này.

Ngoài ra, một cái giá khác mà Mỹ phải trả thêm là sự sẵn sàng của quân đội. Nhiệm vụ quân sự cấp bách nhất của NATO là bảo vệ sườn phía Đông – đặc biệt là các nước Baltic. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và bùng phát giao tranh ở miền Đông Ukraine, NATO đã tập trung cải thiện tính sẵn sàng chiến đấu để đề phòng khả năng Nga cố nắm lấy khu vực Baltic và tìm cách chiếm giữ một vệt lãnh thổ trước khi liên minh quân sự có thể tới để bảo vệ.

Tùy thuộc vào việc binh sỹ sẽ được gửi tới đâu, việc rút các binh sỹ đồn trú ở Đức có thể làm giảm tính sẵn sàng của NATO, tạo điều kiện tốt đẹp cho Nga lấn sang sườn phía Đông châu Âu. Nếu Nga thực sự có ý định này và Mỹ bị kéo vào cuộc xung đột hay khủng hoảng sau đó, thì cái giá mà Mỹ phải trả - cả về con người lẫn tài sản – sẽ cao hơn nhiều so với chi phí để đảm bảo NATO có thể ngăn chặn được một cuộc xung đột như vậy từ trước khi nó bắt đầu.

Việc giảm số lượng binh sỹ sẽ khiến các liên minh khác lo ngại

Chính quyền Trump cũng đã đe dọa giảm số binh sỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản vì cho rằng, Mỹ đã phải gánh vác phần nhiều hơn trong “hóa đơn” phòng vệ.

Với việc sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nơi “rẻ” nhất trên thế giới mà Mỹ có thể triển khai binh sỹ. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Trump và Hàn Quốc vẫn đang bế tắc trong vấn đề chia sẻ chi phí quân sự do Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tăng gấp 5 lần chi phí tài chính so với mức hiện nay.

Các nhà đàm phán Hàn Quốc đã có sự nhượng bộ trước các yêu cầu của Mỹ, tuy nhiên đàm phán vẫn bế tắc, và điều này khiến Mỹ cho nghỉ phép 4.000 nhân viên Hàn Quốc tại các căn cứ Mỹ trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19.

Bất chấp sự gia tăng mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên, ông Trump vẫn nhiều lần đe dọa rút binh sỹ khỏi Hàn Quốc và liên kết các cuộc đàm phán về chi phí với mức độ đồn trú binh sỹ. Mỹ và Nhật Bản cũng dự kiến đàm phán lại về thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự trong năm 2021.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói