Nam sinh đóng vai bộ trưởng có niềm đam mê đặc biệt với sách

(Baohatinh.vn) - Trở về từ Phiên họp "Quốc hội trẻ em", em Biện Nguyễn Khôi Nguyên (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã có những chia sẻ về niềm đam mê đọc sách và mục tiêu trong tương lai của mình.

Đam mê đặc biệt với sách

aaimg-2865-copy-1380.jpg
Em Biện Nguyễn Khôi Nguyên có niềm đam mê đặc biệt với sách.

Có bố là giảng viên đại học, mẹ là giáo viên trường THCS, em Biện Nguyễn Khôi Nguyên (lớp 8A, Trường THCS Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo, trong tình yêu thương của bố mẹ và… sách.

Biết đọc từ rất sớm, Khôi Nguyên thường xuyên đắm chìm vào trong những trang sách. Tới nay, giá sách đồ sộ của gia đình với hàng trăm cuốn đều đã được em đọc hết, nhiều cuốn đọc hai hoặc ba lần. Em cũng thường xuyên được cùng bố tới thư viện để thỏa niềm đam mê của mình.

“Em rất thích đọc các cuốn sách về lịch sử, chính trị. Một số cuốn mà em rất tâm đắc có thể kể tới như: "Thép đã tôi thế đấy", "Những người khốn khổ"; "Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm…”, Khôi Nguyên chia sẻ.

aimg-2860-copy-7238.jpg
Thói quen đọc sách đã giúp Khôi Nguyên tích lũy được nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực.

Suốt nhiều năm, cứ sau giờ học và làm bài tập, em lại dành thời gian để đọc sách. Ngoài chủ đề lịch sử còn có sách về văn học, khoa học, tiếng Anh; các bộ truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng như Conan, Doraemon… Hiện, em đang theo đọc các bộ sách tiếng Anh để vừa rèn luyện khả năng đọc, vừa trau dồi thêm vốn từ vựng của mình.

Duy trì thói quen đọc sách đã giúp em tích lũy được lượng lớn tri thức về nhiều mặt, đồng thời có một cái nhìn sâu sắc, thấu đáo hơn với các vấn đề trong cuộc sống, trong xã hội. Nguyên cũng dành thời gian cho các hoạt động thể thao như: bóng chuyền, cầu lông, học chơi guitar và dành thời gian rèn luyện các kỹ năng mềm. Tất cả những yếu tố này là cơ sở để Khôi Nguyên xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn để “vào vai” Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024, được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội vào ngày 28/9 vừa qua.

Các "đại biểu nhí" và các giải pháp về bạo lực học đường, thuốc lá điện tử

Hành trình 3 ngày tại Phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024 được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) với Khôi Nguyên là một trải nghiệm thú vị.

az5878564487129-9c95c38da9b048137ffad850f9ec1d37-7731.jpg
Phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ II năm 2024 được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội).

Không chỉ vinh dự là 1/306 "đại biểu" là những đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ mọi miền Tổ quốc tham dự chương trình, Khôi Nguyên còn xuất sắc vượt qua các vòng phỏng vấn để “vào vai” Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời chất vấn tại phiên họp.

“Để ứng cử vào vị trí chủ chốt, em phải gửi bài luận, video và đề ra các giải pháp đối với các vấn đề của vị trí ứng cử, đồng thời trực tiếp trả lời phỏng vấn của các chuyên gia, cố vấn. Tại bài luận của mình, em quan tâm tới vấn đề phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Em cũng đưa ra nhiều những giải pháp tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá điện tử, chất kích thích. Trong đó, nổi bật là đề xuất xây dựng mô hình trình diễn thực tế ảo. Từ việc cho học sinh có thể “thấy” được những ảnh hưởng xấu của thuốc lá điện tử, học sinh sẽ thôi không tò mò dẫn tới thử thuốc lá và các chất kích thích”, Khôi Nguyên chia sẻ.

az5878574058501-2057a857a445cadfec50cdd1e512e30a-3845.jpg
"Bộ trưởng" Bộ LĐ-TB&XH giả định Biện Nguyễn Khôi Nguyên trả lời chất vấn tại phiên chính thức “Quốc hội trẻ em”.

“Đăng đàn” trả lời chất vấn tại phiên chính thức “Quốc hội trẻ em”, với tư cách Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH giả định, Biện Nguyễn Khôi Nguyên tiếp tục đưa ra những giải pháp về vấn đề bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bạo lực học đường. Cụ thể như: phát hiện sớm các vấn đề về tâm lý thông qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và các kênh thông tin của Đoàn thanh niên; tích cực tư vấn tâm lý và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của bạo lực; xây dựng cơ sở dữ liệu về tư vấn tâm lý… Những ý kiến đóng góp của em được ban tổ chức đánh giá cao và góp phần làm nên thành công của chương trình.

az5878564540061-4737d06b1fc729178aae0a2b97d793f1-672.jpg
Em Biện Nguyễn Khôi Nguyên và các đại biểu Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm tại Phiên họp Quốc hội trẻ em.

Trở về sau hành trình thú vị tại Phiên họp "Quốc hội trẻ em", Biện Nguyễn Khôi Nguyên lại gắn bó với những trang sách, để thỏa mãn khát khao tri thức. Nói về mục tiêu của bản thân, em cho biết sẽ cố gắng học tập thật tốt để có thể trở thành học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh trong tương lai...

Chủ đề Học sinh giỏi Hà Tĩnh

Chủ đề Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.