Nền kinh tế Việt Nam đang cần một bộ máy những người làm việc thực sự, vì sự phát triển bền vững của người dân, của doanh nghiệp |
Như vậy, khi kết quả không được thay đổi, điều kiện đầu bài đã thay đổi, thì cách duy nhất để hoàn thành nhiệm vụ là phải có thay đổi rất lớn, thậm chí là toàn diện phương thức, cách thức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Ở đây, phải nhấn mạnh lại lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với gần 1.000 cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị quán triệt các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và Triển khai công tác năm 2016 diễn ra ngày 4/8. Đó là, chỉ có sáng tạo hơn nữa, phải sáng tạo theo cấp số nhân mới có thể tạo nên những thay đổi về cục diện của cả một vấn đề, một lĩnh vực.
Thời điểm này, trong bối cảnh hiện tại, khi thế giới đang phát triển như vũ bão, nền kinh tế Việt Nam đang cần sự thay đổi mang tính đột phá, đang muốn rút ngắn khoảng cách, muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, không thể chấp nhận tư duy kiểu “hôm nay hơn ngày hôm qua, năm nay tăng trưởng nhanh hơn năm trước đã là thành công”.
Điều này càng trở nên cấp bách khi động lực cải cách đã tới hạn, những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế sau 30 năm đổi mới đã bộc lộ rất rõ, cần động lực mới để tạo nên sự đột phá.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chạm thẳng tới vấn đề lâu nay đã được nhắc tới, nhưng chưa thực sự có giải pháp tổng thể, quyết liệt. Đó là thay đổi tư duy thực thi nhiệm vụ trong từng công chức nhà nước. Tình trạng làm việc vì kế hoạch được giao trong một vài tháng sẽ phải chấm dứt, thay vào đó là khát vọng, là tư duy sáng tạo vì phát triển bền vững của nền kinh tế đang chọn người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Khi người đứng đầu một bộ đã bày tỏ quan điểm rõ ràng, đã đòi hỏi thay đổi, chắc chắn sẽ có sự chuyển biến trong từng vị trí công chức. Và chắc chắn, việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như ngành kế hoạch và đầu tư sẽ có những thay đổi tích cực.
Song, một bộ thay đổi, cho dù đó là bộ đang đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đang được giao vị trí tiên phong trong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh... như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì cũng không thể đủ sức tạo nên sự thay đổi toàn diện, nhanh chóng như yêu cầu đặt ra với nền kinh tế đang chuyển động theo hướng cơ chế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là chưa kể thách thức sẽ phải đối mặt không hề nhỏ là sự níu kéo, giằng co thậm chí là trây lỳ từ cơ quan khác sẽ ảnh hưởng đến khát vọng muốn thay đổi, muốn cống hiến của những người tiên phong.
Thực tế triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng 2020; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng như việc thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công trong thời gian qua đã cho thấy rất rõ khó khăn này. Nhiều đầu việc được giao cụ thể cả địa chỉ, thời gian vẫn không được thực thi nghiêm túc. Thậm chí, nhiều nơi đang vin vào nguyên tắc công chức chỉ được làm những gì pháp luật quy định để từ chối trách nhiệm tìm kiếm, để xuất những cách thức làm việc hiệu quả hơn, tốt hơn.
Nền kinh tế Việt Nam đang cần một bộ máy những người làm việc thực sự, vì sự phát triển bền vững của người dân, của doanh nghiệp để tránh được bẫy thu nhập trung bình, vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức trong hội nhập, sẵn sàng bứt phá.