Ảnh minh họa. (Nguồn: themoscowtimes.com)
Theo hãng tin Sputniknews, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật Liên bang Nga (FSMTC) Dmitry Shugaev cho biết Nga có thể cung cấp các hệ thống tên lửa chống máy bay S-500 tối tân của nước này cho Ấn Độ và Trung Quốc trong tương lai.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 1/11 đã tuyên bố quân đội Nga sớm nhận được lô đầu tiên của hệ thống tên lửa S-500.
Theo ông Shugaev, một khi đủ số lượng, những hệ thống này sẽ được cung cấp cho lực lượng vũ trang quốc gia, Nga có thể xuất khẩu chúng cho các nước khác.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RBC, ông Shugaev nêu rõ: “Chúng tôi đang xem xét Ấn Độ, Trung Quốc cũng như tất cả quốc gia chúng tôi đã có quan hệ đối tác cũ và có thể dự đoán như những chủ nhân tương lai của hệ thống tối tân này.”
S-500 Prometey là hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ mới với tầm bắn khoảng 600km, được thiết kế để ngăn chặn và phá hủy các tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như các tên lửa siêu thanh và máy bay.
Một nguồn tin công nghiệp quốc phòng tiết lộ Nga đang phát triển một thệ thống dựa trên thiết bị không người lái cảm tử để bảo vệ các lãnh hải nước này, với một số yếu tố đã vượt qua các cuộc thử nghiệm.
Nguồn tin nêu rõ: “Một công nghệ bảo vệ lãnh hải của Nga khỏi các tàu thuyền xâm nhập, bao gồm cả tàu quân sự. Hệ thống sẽ bao gồm máy bay không người lái trinh sát cũng như một số loại đạn tuần kích.”
Theo nguồn tin, các phần tử riêng biệt của hệ thống, bao gồm cả bệ phóng máy bay không người lái cảm tử cho các tàu cỡ nhỏ, đã vượt qua các cuộc thử nghiệm. Nguồn tin lưu ý rằng hệ thống này có chi phí thấp vì đạn tuần kích rẻ hơn nhiều lần so với tên lửa chống hạm.
Đồng thời, việc triển khai hàng loạt máy bay không người lái cảm tử có thể khiến các tàu khu trục nhỏ hoặc tàu khu trục không hoạt động bằng cách làm hỏng hệ thống giám sát, điều khiển và vũ khí của chúng.
Vào tháng 10, Moscow nói rằng tàu khu trục Chafee của Mỹ đã tiếp cận lãnh hải của Nga và “cố gắng đi qua biên giới quốc gia” ở Biển Nhật Bản. Trong khi đó, tàu khu trục Defender của Anh được cho là đã đi vào vùng biển của Nga ở Biển Đen hồi tháng 6.