Nga muốn chuyển khí đốt cho châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ

Ông Putin nói Thổ Nhĩ Kỳ là "con đường đáng tin cậy nhất" để chuyển khí đốt cho EU và đề xuất lập trung tâm cung cấp tại nước này.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành con đường giao hàng đáng tin cậy nhất hiện nay, ngay cả đến châu Âu. Chúng tôi có thể xem xét khả năng lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho các nước khác”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Astana, Kazakhstan hôm nay.

Theo đó, Nga có thể lập trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách chuyển hướng nguồn cung cho các đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic, vốn bị hư hại do các vụ nổ tháng trước.

“Hoạt động của trung tâm sẽ là nền tảng không chỉ cho nguồn cung cấp mà còn nhằm định rõ giá cả, bởi định giá là vấn đề rất quan trọng”, ông Putin nói. “Hiện có những mức giá cao ngất trời. Chúng tôi có thể dễ dàng điều chỉnh ở mức thị trường bình thường mà không có bất kỳ hàm ý chính trị nào”.

Tổng thống Nga Putin (phải) gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Astana, Kazakhstan ngày 13/10. Ảnh: Reuters.

Giá khí đốt tăng vọt từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine. Châu Âu phải vật lộn tìm nguồn cung năng lượng thay thế sau khi Nga siết chặt việc giao hàng để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Erdogan nói Ankara có thể hợp tác với Moskva để xác định các quốc gia thu nhập thấp nhằm xuất khẩu ngũ cốc và phân bón Nga.

“Chúng tôi quyết tâm tăng cường và tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc theo thỏa thuận Istanbul, cũng như chuyển ngũ cốc, phân bón Nga sang các nước kém phát triển thông qua Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nói. “Điều quan trọng là chúng tôi tập trung hơn vào nước nghèo thay vì quốc gia phát triển. Các bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ làm xáo trộn một số nhóm nhất định, nhưng sẽ khiến các nước kém phát triển hài lòng”.

Ông Erdogan cũng đề cập việc Nga xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, mà Ankara kỳ vọng sẽ khánh thành năm tới, đồng thời nêu ý tưởng Nga xây nhà máy điện hạt nhân thứ hai ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hai lãnh đạo không thảo luận về vấn đề Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO, giữ thái độ trung lập trong suốt cuộc xung đột Ukraine, duy trì quan hệ tốt với Nga và Ukraine, đồng thời hạn chế tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.

Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần tổ chức đàm phán giữa Nga và Ukraine, bao gồm cuộc gặp trực tiếp hồi tháng 3 giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Đây là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Hồi tháng 7, Ankara và LHQ làm trung gian cho thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Moskva và Kiev. Theo thỏa thuận, ba cảng của Ukraine mà Nga đang kiểm soát được phép cho tàu chở ngũ cốc xuất cảng. Tuy nhiên, Moskva chỉ trích thỏa thuận, cho rằng các chuyến hàng này đa phần chở tới châu Âu chứ không phải tới những nước nghèo, nơi đang cần ngũ cốc nhất.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và Ukraine, với hơn 200 người được trao trả.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.

Theo Huyền Lê (VNE)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói