Doanh nghiệp “dễ thở” hơn nhờ được cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi suất để có tiền duy trì hoạt động. Ảnh: TTXVN.
Ngân hàng HDBank thông báo giảm thu nhập 10 - 25% để đối phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, áp dụng cho những nhân viên có tổng lương từ 10 triệu trở lên. Mức giảm lớn nhất 25% được áp dụng cho người có tổng thu nhập cao hơn 80 triệu đồng. Việc điều chỉnh thực hiện từ tháng 4/2020 cho đến khi có thông báo thay thế.
Còn tại SHB, ngân hàng sẽ giảm chi phí hoạt động tối thiểu 10% đồng nghĩa lãnh đạo Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao tự nguyện giảm thu nhập 50% cho đến khi công bố hết dịch; các cấp quản lý từ phó phòng trở lên giảm từ 10 - 30% tùy theo mức thu nhập. Để tiết giảm chi phí, đối với dịch bệnh có nguy cơ kéo dài, một số ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch giảm tương tự như trên.
Động thái này nhằm thực hiện những Chỉ thị trước đó của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng kế hoạch đối phó và khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Một trong những biện pháp được người đứng đầu ngành ngân hàng đưa ra là giảm chi thưởng cũng như điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp thực tế trước khi đại hội cổ đông. Đặc biệt, trước mắt ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để giữ lại tối đa nguồn lực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đại diện VietinBank cho biết: Ngân hàng tiếp tục giảm 2% lãi suất cho vay, đưa ra chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng kể từ tháng 4/2020. Cụ thể: VietinBank đặc biệt ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
“VietinBank đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2% dư nợ của VietinBank. Bên cạnh cơ cấu nợ, miễn giảm hỗ trợ lãi suất thì việc giảm phí cho các doanh nghiệp cũng được VietinBank thực hiện với khách hàng. Mức phí giảm khoảng 20 - 50%. Cá biệt có một số loại phí, đặc biệt là các phí về tài trợ thương mại có thể giảm tới 100% so với trước đây để hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietiinBank nói.
Phía BIDV cũng giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay VND đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đối với dư nợ hiện hữu, BIDV tiếp tục cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc, lãi và giảm đến 2%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
BIDV cũng giảm 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất; đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
“Đối với nhu cầu vay mới, BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019. Thời gian triển khai giảm lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) áp dụng đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19”, đại diện BIDV nói.
Theo BIDV, với quy mô dư nợ lớn, ở đợt giảm lãi suất cho vay này, BIDV dự kiến giảm từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.
Theo ước tính của Vietcombank, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn. Số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước khoảng 300 - 450 tỷ đồng, nếu tính cả tiền lãi khách hàng cá nhân đang vay được giảm thì con số hỗ trợ còn lớn hơn. Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2020 tăng trưởng 15% so với năm 2019. Tuy nhiên, kịch bản lợi nhuận này chưa đo lường đến những thiệt hại do COVID-19.
Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, MSB đã triển khai gói tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất hấp dẫn, áp dụng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng, kinh doanh từ nay đến ngày 31/12/2020. Gói tín dụng 7.000 tỷ được thiết kế cho khách hàng cá nhân vay tín chấp và vay thế chấp. Đối với vay tín chấp, MSB áp dụng lãi suất chỉ 12.99% trong 12 tháng đầu. Đối với vay thế chấp, MSB mang tới những lựa chọn đa dạng về lãi suất. Theo đó, khách hàng được lựa chọn lãi suất ưu đãi 6.99%/năm trong 06 tháng, 7.99%/năm trong 12 tháng, hoặc 8.75%/năm trong 18 tháng đầu.
Phía ngân hàng Kienlongbank đang hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn bằng việc giảm lãi suất vay 3% đối với khách hàng. Thời gian áp dụng giảm lãi vay từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6, đối với những khách hàng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ưu tiên 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp là: Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An) để hỗ trợ kịp thời và cấp bách đến những khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Không chỉ vậy, Ban Lãnh đạo Kienlongbank còn giảm đến 25%/tổng số tiền lãi phải thanh toán cho hơn 85.000 khách hàng đang vay vốn trả góp theo ngày tại Kienlongbank, kể từ ngày 3/4 cho đến 30/6.
Theo Tổng Giám đốc của Kienlongbank, Trần Tuấn Anh, đa số khách hàng vay vốn trả góp ngày của Kienlongbank là những người có thu nhập thấp, vừa đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày như: Bán vé số, chạy xe ôm, bán quán nước, bán quán ăn và buôn bán nhỏ, lẻ… Trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, họ thực sự gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Sau gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn được triển khai ngay từ đầu mùa dịch COVID-19, VPBank đã công bố chương trình đồng hành thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2% cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình được áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới có nhu cầu vay vốn tại VPBank.
Cụ thể: Đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.
Những doanh nghiệp được hưởng những ưu đãi này cần đáp ứng một số yêu cầu như: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận tải; có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu chiếm tối thiểu 50% doanh thu của doanh nghiệp năm 2019; có nguồn nguyên liệu chiếm tối thiểu 50% từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu; cũng như gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo đánh giá của đơn vị kinh doanh.
"Trong hoàn cảnh này doanh nghiệp càng đánh giá cao sự hỗ trợ của phía ngân hàng. Vấn đề đặt ra là cần sự phối hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp để làm sao các chính sách, giải pháp đúng và trúng đối tượng, tránh việc trục lợi chính sách. Việc giãn nợ, có nghĩa là doanh nghiệp đến thời kỳ trả nợ mà chưa trả được nhưng ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ thành nợ xấu, giúp doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh. Với giảm lãi suất giúp cho doanh nghiệp giảm được chi phí trong sản xuất, vượt qua khó khăn. Khi doanh nghiệp đưa ra những khó khăn của mình phải đúng và minh bạch thông tin, để các ngân hàng trực tiếp cho vay nhìn thấy. Còn doanh nghiệp nào ỷ lại, trục lợi, thụ động thì không nên
Theo báo cáo của NHNN về kết quả thực hiện hỗ trợ tín dụng tính từ 23/1 - 28/3 cho thấy, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng; đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng.
Các TCTD cũng tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 3% (khoảng 285.000 tỷ đồng, chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa...). Kết quả, đến nay các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng.