Huy động 370 kg vàng và 20 triệu đồng từ nhân dân
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sau ngày cách mạng thành công, những giải pháp động viên tài chính đầu tiên được Chính phủ ban hành là mở “chiến dịch cứu đói”; giảm tô, chia lại công điền, công thổ; xóa bỏ các thứ thuế nô dịch, đồng thời ban hành các sắc thuế mới; ban hành sắc lệnh Đảm phụ quốc phòng, phát hành công trái…
Giới công thương hưởng ứng Tuần lễ Vàng ở Hà Nội. Ảnh tư liệu
Đặc biệt, để động viên nhân dân đóng góp vào công quỹ của Nhà nước, Chính phủ đã quyết định tổ chức “Tuần lễ vàng”, “Quỹ Độc lập” và đã được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều người đã không tiếc những đôi hoa tai vàng, những chiếc nhẫn cưới, những đôi vòng, đôi xuyến vốn là kỷ niệm quý giá và thiêng liêng; những bộ tam sự, ngũ sự đã bao đời dùng để thờ cúng tổ tiên góp vào công quỹ của Nhà nước. Sau các đợt huy động này, cả nước đã thu về trên 370 kg vàng và 20 triệu đồng tiền mặt.
Đi đôi với chính sách động viên nhân dân đóng góp, việc tiết kiệm tiêu dùng, tiết kiệm sức dân, tiết kiệm chi tiêu đã trở thành nghĩa vụ cao cả. Xe công không dùng vào việc riêng, một bộ máy chính quyền tỉnh không quá 20 - 30 người, một rẻo đất cũng không bỏ hoang, một bữa ăn của gia đình bớt đi một nắm gạo bỏ vào “hũ gạo cứu quốc, hũ gạo cứu đói”, thậm chí một bì thư phải dùng đi dùng lại 5 hay 7 lần...
Những chính sách động viên tài chính được áp dụng chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện của nhân dân, đã góp phần to lớn giúp ngành tài chính nhà nước có thêm nguồn vốn bảo đảm những yêu cầu thiết yếu để đưa đất nước vượt qua khó khăn và đưa sự nghiệp kháng chiến cứu nước đi đến thắng lợi.
Ngành Tài chính Hà Tĩnh bắt kịp cùng dòng chảy
Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam 1951 là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển hệ thống tiền tệ - ngân hàng Việt Nam. Hòa vào dòng chảy của lịch sử, ngày 12/5/1951, Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tỉnh Hà Tĩnh được thành lập tại huyện Đức Thọ.
Hệ thống Ngân hàng Hà Tĩnh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong cung ứng dòng vốn giúp nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước, ngành ngân hàng Hà Tĩnh cũng có những nhiệm vụ đặc trưng của mỗi giai đoạn. Sau ngày tái lập tỉnh (1991), với bộn bề khó khăn, thiếu thốn, Ngân hàng Nhà nước Hà Tĩnh đã kịp thời xốc lại tinh thần, đáp ứng nhiệm vụ làm “chỗ dựa” tin cậy về nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 45 nghìn tỷ đồng, doanh số cho vay đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 39 nghìn tỷ đồng.
“Sinh sau, đẻ muộn”, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) Nghệ Tĩnh được “ra riêng” sau khi tách khỏi ngân hàng vào năm 1990 theo quyết định của Bộ Tài chính. Đến tháng 10/1991, KBNN tỉnh Hà Tĩnh chính thức có tên trên bản đồ kho bạc toàn quốc với những bước khởi đầu đầy gian nan.
Giám đốc KBNN tỉnh Phan Đình Tý cho hay: “Những ngày đầu thành lập, đơn vị gặp khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Trụ sở giao dịch của văn phòng KBNN tỉnh chỉ có một căn nhà cấp 4 chưa đầy 200 m2, cán bộ chủ yếu chuyển từ ngân hàng sang nên nhiệm vụ chuyên môn còn mới mẻ...”
Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh xứng đáng là "tay hòm chìa khóa" trong thời đại mới.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, toàn hệ thống KBNN Hà Tĩnh có quyền tự hào khi đã không ngừng cải tiến quy trình, hình thức thu nộp ngân sách, đảm bảo tập trung đầy đủ, kịp thời và hạch toán chính xác số thu cho ngân sách các cấp. Đặc biệt, những năm gần đây, KBNN tỉnh đã phối hợp với cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thu nộp, qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Khó khăn ở mỗi thời điểm là mang tính lịch sử, thế nên, ở bất kỳ thời điểm nào cũng cần những nỗ lực nhất định của mỗi cán bộ ngân hàng, kho bạc cho sự phát triển chung. Trong giai đoạn hiện nay, những người giữ “tay hòm chìa khóa”, “chỗ dựa vững chắc về vốn” của người dân và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục phấn đấu, vững vàng bước tiếp một chặng đường với nhiệm vụ và hành trang mới.