Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh những ngày này thường xuyên đón tiếp các ca bệnh COVID-19 chuyển nặng. Hơn 60 bệnh nhân đang điều trị tại đây chủ yếu là người già, người có bệnh lý nền và chưa được tiêm vắc-xin.
Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 trở nặng (Ảnh chụp màn hình camera giám sát).
“Trực chiến” hơn 1 tháng nay, chị Hồ Thị Hải (Khoa Truyền nhiễm) đã quen với cường độ công việc tại khoa. Những ngày gần đây, công việc càng thêm áp lực khi khoa có 12/15 y, bác sỹ, điều dưỡng nhiễm COVID-19. Để đảm bảo việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân, các khoa khác phải tăng cường nhân lực cho Khoa Truyền nhiễm.
Chị Hải cho biết: “Khoa Truyền nhiễm giờ được coi như khu vực hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19. Bệnh nhân nặng đông, nhân lực ít, phần lớn là nữ, công việc của chúng tôi rất vất vả, căng thẳng nên không ai cho phép mình được lơ là một giây phút nào”.
Chị Hồ Thị Hải (áo xanh) đã “trực chiến” 1 tháng nay.
Được tăng cường vào vòng trong một tuần nay, chị Trần Thị Yến - điều dưỡng Khoa Răng - Hàm - Mặt đang cùng các đồng nghiệp căng mình chăm sóc cho những bệnh nhân không may trở nặng. “Chẳng ai còn tâm trí đâu mà nghĩ đến ngày lễ của riêng mình nữa, bởi với chúng tôi giờ đây ngày cũng như đêm, đều phải chạy đua với thời gian để giành sự sống cho bệnh nhân” - chị Yến chia sẻ.
Không hoa, không quà, niềm vui các chị nhận được trong ngày Quốc tế Phụ nữ là những lời chúc, sự chia sẻ, động viên của gia đình, đồng nghiệp ở bên ngoài thông qua màn hình điện thoại. Đó là hậu phương vững chắc để các chị yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chị Trần Thị Yến được tăng cường hỗ trợ cho Khoa Truyền nhiễm điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Đang chăm sóc, điều trị hơn 70 bệnh nhân COVID-19, các nữ nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cũng đón ngày lễ ở một nơi đặc biệt. Không có những cuộc gặp mặt kỷ niệm, những bữa cơm sum họp gia đình, ngày lễ của các chị là dành cho bệnh nhân.
Đây là lần thứ 4, chị Phạm Thị Thảo - hộ lý Khoa Nội I vào vòng trong cùng hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Vì chồng công tác xa nhà nên mỗi lần bước vào kíp trực, chị Thảo đều phải gửi hai con nhỏ cho ông bà và hàng xóm chăm sóc. Kíp trực của chị Thảo có 10 nhân viên y tế nữ, 6 bác sỹ và nhân viên y tế nam luân phiên nhau “trực chiến”. Hầu hết các chị em đều có con nhỏ, chồng đi làm xa; nhiều chị còn có người thân không may nhiễm COVID-19.
Kíp trực của Bệnh viện Phổi phần lớn là chị em phụ nữ.
Chị Thảo cho biết: “Mỗi kíp trực gần 1 tháng, cũng từng ấy thời gian, chúng tôi không có được một bữa ăn, giấc ngủ đúng nghĩa. Nỗi vất vả nào cũng qua nhưng với chị em phụ nữ thì nỗi nhớ con là luôn thường trực”.
Vất vả, hy sinh là vậy nhưng những ngày tháng kề vai sát cánh cùng đồng nghiệp, bệnh nhân trong khu điều trị F0 cũng cho họ những trải nghiệm quý báu. Trong khó khăn, họ càng yêu thương, đùm bọc nhau; càng phát huy được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm với người bệnh.
Bệnh nhân nặng đông, áp lực công việc lớn nên các chị chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ đến ngày lễ của riêng mình.
Ngày lễ, thay vì duyên dáng trong những tà áo dài thướt tha, các nữ nhân viên y tế phải bó mình trong những bộ đồ bảo hộ 7 món kín mít, nóng bức đến ngột ngạt. Thế nhưng, dường như đã quen, các chị vẫn nỗ lực hết mình để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Chứng kiến bệnh nhân tiến triển từng ngày, những người may mắn khỏi bệnh, được cấp giấy ra viện, đó có lẽ là món quà lớn nhất với chúng tôi lúc này rồi” - chị Trương Thị Bích Ngọc - Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Phổi) chia sẻ.
Điều mong ước duy nhất của những nữ nhân viên y tế trong ngày lễ 8/3 là dịch bệnh qua nhanh để cuộc sống trở lại bình yên.
8/3 - ngày để cả xã hội tôn vinh phái nữ và trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, những người phụ nữ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng càng đáng được tôn vinh hơn bao giờ hết.
Khi được hỏi điều ước mong trong ngày lễ 8/3 là gì, các nữ nhân viên y tế đều có chung một nỗi niềm: “Chỉ mong dịch bệnh qua nhanh, cuộc sống trở lại bình thường để mọi người được bình an, chúng tôi được trở về bên gia đình thân yêu của mình”.