Nghề hát rong - trước là đam mê, sau nghề kiếm sống!

(Baohatinh.vn) - Một chiếc micro, một loa thùng di động và ít hàng bán kèm (kẹo, bông tai, bút)... đó là tất cả “đồ nghề” mà Nguyễn Văn Hoàng Kỳ sắm sửa để hành nghề hát rong dọc tuyến phố Lê Duẩn (TP Hà Tĩnh) nhằm thỏa niềm yêu ca hát và kiếm thêm thu nhập cho bản thân.

nghe hat rong truoc la dam me sau nghe kiem song

Kỳ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu theo thể loại nhạc mà khách mong muốn.

Sinh năm 1997, quê ở TP Đồng Hới (Quảng Bình), vì lý do gia đình, Nguyễn Văn Hoàng Kỳ chuyển ra Hà Tĩnh sống với cô chú. Trước đó, Kỳ là diễn viên đoàn xiếc Hải Dương. Em kể: “Từ năm 11 tuổi, em bỏ nhà đi theo nghề diễn xiếc. Con trai mà, em ưa mấy trò mạo hiểm lắm. Nhưng cách đây 2 năm, trong một lần diễn xiếc, em bị cá sấu cắn bị thương nên mẹ bắt em về quê. Đến tháng 8/2017 thì em ra Hà Tĩnh. Ở nhà cô chú mãi không có việc để làm cũng chán, mà em lại đam mê ca hát nên khi được cô chú đồng ý, em đã đi hát rong vào buổi tối”.

Cứ như thế, hơn 3 tháng nay, Kỳ trở thành “người quen” của cả tuyến phố Lê Duẩn. Thi thoảng em cũng mở rộng địa bàn ra các tuyến phố khác như Nguyễn Du, Hàm Nghi. Kỳ cho biết: Mỗi đêm vừa bán hàng, vừa hát, có khi em được mấy trăm nghìn, nhưng cũng có đêm trời mưa, khách ít, chỉ đứng hát có một quán hoặc khách thích, em đứng đó hát mãi thì chỉ được mấy chục nghìn.

“Em thường hát mấy bài nhạc trẻ sôi động, nhưng nếu khách ưng thì hát bolero, hay nhạc gì em cũng chiều. Có lúc, em còn dùng karaoke ở điện thoại để khách tự hát. Nói chung, mọi người hài lòng là em mừng” - cậu bé hóm hỉnh.

Vui vẻ, xởi lởi là vậy nhưng cũng không ít lần Kỳ gặp sự cố khi khách say ném micro hoặc chửi bới, nạt nộ. “Gặp tình huống như thế thì em chỉ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, thu dọn đồ rồi đi thôi ạ” - Kỳ nhỏ nhẹ.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh, hát rong không chỉ xuất hiện ở các “cung đường nhậu” mà còn dọc các tuyến phố, quán nước chè đêm như: Nguyễn Du, Trần Phú, Xuân Diệu, Nguyễn Công Trứ… Người hát rong cũng không chỉ hát mỗi buổi tối mà thi thoảng vào buổi ngày cũng xuất hiện.

Anh K. - một người hát rong chia sẻ: “Có thể nhiều người khi nhắc đến hát rong là nghĩ đến hát để xin tiền sống qua ngày. Nhưng với chúng tôi, hát rong là nghề lương thiện, kiếm tiền bằng chính sức lực của mình. Chúng tôi hát bằng chính khả năng, niềm đam mê, còn khách tự quyền quyết định việc nghe hay không, mua hàng hay không chứ chúng tôi không xin. Bởi vậy, nhiều khi đi hát gặp khách hắt hủi, chúng tôi cũng thấy chạnh lòng”.

Cứ như thế, giữa ồn ào, náo nhiệt của phố thị, giọng hát chân chất cất lên với niềm say mê của người hát nhưng lại có sức hấp dẫn rất riêng. Với niềm đam mê hiến dâng cho đời những bản nhạc với các cung bậc cảm xúc, họ đã tự nguyện “Xin làm người hát rong/ Chỉ mong đời không chê trách…”.

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.