Nghe học sinh vùng nông thôn Hà Tĩnh thuyết minh về địa chỉ đỏ bằng tiếng Anh

(Baohatinh.vn) - Tích cực áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại vào những tiết học, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Video: Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tự làm video thuyết minh di tích lịch sử - văn hóa bằng Tiếng Anh.

Em Đặng Quỳnh Trâm, học sinh 10A5 (Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) chia sẻ: “Chúng em vừa có những trải nghiệm thú vị thông qua một dự án từ bài học môn Ngữ văn. Thú vị bởi, thông qua chủ đề bài học, chúng em không chỉ được tiếp nhận kiến thức bằng những trải nghiệm thực tế mà còn hiểu biết thêm về một địa danh lịch sử văn hóa, cách mạng trên quê hương mình. Bài học cũng đã giúp em và các bạn rèn luyện hành văn và phát âm tiếng Anh”.

Em Đặng Quỳnh Trâm (đứng giữa, học sinh lớp 10 A5, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) cùng nhóm bạn thảo luận thực hiện dự án bài học Văn thuyết minh.

Bài học môn Ngữ văn mà Quỳnh Trâm nói đến là chủ đề “Văn thuyết minh” trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 theo chương trình mới.

Theo phân phối chương trình, chủ đề có 4 giờ học trên lớp, tuy nhiên thay vì áp dụng phương pháp giáo dục cũ (dạy và học bằng lý thuyết), giáo viên chỉ dùng một giờ học để giảng những kiến thức cơ bản còn lại hướng dẫn học sinh tham gia vào một dự án thuyết minh có tên chủ đề “Tự hào quê hương Hà Tĩnh”.

Dự án được thực hiện bằng cách chia nhóm nhỏ các học sinh nhằm hoàn thành 1 video thuyết minh về địa chỉ đỏ, làng nghề, quê hương... mà các em tự chọn.

Với phương pháp học mới, các em có cơ hội thể nghiệm ở nhiều lĩnh vực, phát huy năng lực bản thân. (Trong ảnh: Nhóm học sinh lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tự đạo diễn và quay video giới thiệu về quê hương Lộc Hà).

Nhóm của Quỳnh Trâm gồm 6 bạn, chọn giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Miếu Biên Sơn ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà) bằng tiếng Anh. Đây là địa chỉ đỏ gắn liền với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Để thực hiện video, ngoài sự tự tìm tòi kiến thức, lên phương án thực hiện thông qua hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Loan dạy môn Ngữ văn, các em còn nhờ đến sự trợ giúp của cô Trần Thị Tiếp (dạy môn tiếng Anh) và cô Nguyễn Thị Duyên (dạy môn Lịch sử). Sau khi tự lên nội dung kịch bản, phân công nhiệm vụ, Quỳnh Trâm và nhóm bạn mất 3 giờ để hoàn thành sản phẩm: quay, đọc thuyết minh và dựng video.

Cô Nguyễn Thị Loan (Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) - chủ trì dự án dạy học “Tự hào quê hương Hà Tĩnh” cho biết: “Dạy học theo dự án được chúng tôi áp dụng 3 năm nay. Trong đó, riêng về môn Ngữ văn, chúng tôi lựa chọn những bài học có tính thực tiễn phối hợp với các giáo viên khác trong tổ hợp khoa học xã hội để thực hiện. Tùy theo điều kiện mỗi năm, dự án được triển khai theo các hình thức khác nhau nhằm tạo hứng thú và phát triển năng lực học sinh”.

Cô Nguyễn Thị Loan (bên phải) và cô Trần Thị Tiếp (giáo viên Tiếng Anh) cùng xem video dự án của học sinh.

Sau 2 tuần, dự án bài học nhận được 23 sản phẩm là những video do các em tự quay, dựng và thuyết minh về các di tích, làng nghề, quê hương... Tất cả các video đều được các em tự đăng tải trên nhóm Facebook và thảo luận đánh giá dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Theo nhận xét của các giáo viên tham gia hướng dẫn, các em đã thể hiện tinh thần tự học, làm việc nhóm rất tốt. Đặc biệt, bên cạnh thể hiện được các kỹ năng, tích hợp kiến thức liên môn, cách hành văn, sự tự tin trong cách thuyết minh, các em còn bày tỏ niềm tự hào tình yêu quê hương sâu sắc.

Không chỉ áp dụng phương pháp dạy học theo dự án ở các môn khoa học xã hội, 3 năm qua, các giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cũng đã đồng thời áp dụng các phương pháp dạy học tích cực khác vào các giờ học ở khối khoa học tự nhiên.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi tham gia chủ đề STEM “Trải nghiệm chế tạo dung dịch nước sát khuẩn”.

Thầy Lê Tiến Võ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết: “Hiện, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ STEM với sự tham gia của giáo viên và học sinh. Thông qua CLB, giáo viên sẽ triển khai đăng ký các chủ đề STEM và hướng dẫn học sinh các kế hoạch trong giờ học chính khóa và ngoại khóa”.

Năm học 2021-2022, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đã lên kế hoạch thực hiện hàng chục chủ đề dạy học STEM, như: Vận dụng kiến thức lượng giác để học sinh thiết kế máy bắn đá (Toán, Vật Lý 10); thiết kế, chế tạo đèn ngủ dùng nguồn điện từ rau, củ, quả (Vật lý, Hóa học, Sinh học 11); hoạt động trải nghiệm chế tạo dung dịch sát khuẩn (Hóa học cho cả 3 khối 10,11,12)...

Trao quà chung kết chủ đề STEM “Trải nghiệm chế tạo dung dịch nước sát khuẩn”.

Việc áp dụng các mô hình, phương pháp dạy học tích cực vào thực tiễn không chỉ giúp học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi thêm hứng thú với những bài học, tiếp nhận, tích lũy kiến thức liên môn mà còn giúp các em rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn, tự tin phát triển bản thân, hòa đồng với bạn bè và xã hội.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói