Nghề trồng rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh cải thiện thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân

(Baohatinh.vn) - Với lợi thế về phát triển lâm nghiệp, nghề trồng rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh đã giải quyết nhiều việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao cuộc sống cho hàng chục nghìn gia đình.

Năm nay, nhiều gia đình ở thôn Kim Quang của xã Quang Thọ (huyện Vũ Quang) vui hơn vì có nguồn thu nhập khá lớn từ bán các đồi keo tràm. Là vùng tái định cư Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (cách đây 10 năm) nên ở đây có 86/90 gia đình được Nhà nước giao đất trồng rừng (bình quân mỗi hộ từ 2,3 – 2,5 ha).

Nghề trồng rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh cải thiện thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân

Người dân thôn Kim Quang (xã Quang Thọ) thu hoạch keo tràm.

Theo ông Vi Xuân Hường - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kim Quang, sau 6 năm xuống giống và chăm sóc, đến nay, lứa keo đầu tiên của bà con trong thôn đã cho thu hoạch. Với giá bán từ 55 – 60 triệu đồng/ha, bình quân mỗi gia đình có nguồn thu khoảng 120 – 140 triệu đồng. Đây là số tiền lớn nhất mà bà con làm ra kể từ ngày đến nơi ở mới nên ai nấy đều phấn khởi.

Nghề trồng rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh cải thiện thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân

Người dân Quang Thọ cắt, bóc vỏ keo trước khi chất lên xe vận chuyển đi tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thọ Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Xã chúng tôi là một trong những địa phương có nhiều diện tích đất rừng sản xuất nhất huyện Vũ Quang (2.812 ha) với 338 hộ sản xuất lâm nghiệp nên công tác phát triển rừng gắn với đảm bảo sinh kế, thu nhập cho người dân luôn được ưu tiên quan tâm. Bình quân mỗi năm, trên địa bàn khai thác được khoảng 17.000 m3 keo nguyên liệu, mang về giá trị sản xuất khoảng 25 tỷ đồng”.

Vũ Quang có hơn 13.850 ha được quy hoạch làm rừng sản xuất (chủ yếu trồng keo), trong đó có 7.851 ha được giao cho 3.064 hộ gia đình, còn lại là các chủ rừng Nhà nước, công ty lâm nghiệp... Năm 2022, toàn huyện khai thác được 51.998 m3 gỗ, với giá thu mua trên thị trường khoảng 1.450.000 đồng/m3, đã mang về giá trị sản xuất khoảng 75 tỷ đồng và năm nay sẽ phấn đấu để có mức tăng trưởng khoảng 4-5%.

Nghề trồng rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh cải thiện thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân

Xe vào bãi tập kết thu mua keo tràm ở xã Phú Gia (huyện Hương Khê).

Những năm gần đây, các cấp, ngành, chủ rừng và các hộ được giao đất, giao rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã tập trung chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp gắn với cải thiện sinh kế nên sản xuất ngày càng phát triển.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê Nguyễn Quang Hào cho biết: “Trên địa bàn hiện có gần 51.845 ha đất rừng sản xuất đang được trồng keo tràm. Năm ngoái, toàn huyện đã khai thác 89.093 m3 gỗ, mang về giá trị sản xuất gần 130 tỷ đồng và năm nay, dự kiến giá trị sản xuất lâm nghiệp còn cao hơn. Hoạt động khai thác rừng trồng cơ bản được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật, khai thác gắn liền với trồng mới để luôn đảm bảo ổn định độ che phủ rừng đạt khoảng 73%”.

Nghề trồng rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh cải thiện thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân

Người dân xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) thu hoạch, xuất bán gỗ rừng trồng.

Nhờ hiệu quả từ trồng rừng nguyên liệu ngày càng cao nên ở Hà Tĩnh hầu như không còn đất trống, đồi trọc. Người dân trồng rừng cũng đã ý thức hơn trong việc lựa chọn cây giống, thực hiện quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật, có ý thức cao trong bảo vệ và phòng chống cháy rừng, đầu tư hạ tầng sản xuất... mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) chia sẻ: “Nếu trồng và chăm sóc cẩn thận, mỗi chu kỳ keo tràm 5 - 6 năm thì sau khi trừ chi phí, người trồng có thể thu về 55 - 60 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập khá đối với người dân miền núi vì trồng keo tràm không yêu cầu nhiều vốn, không cần đầu tư chăm sóc nhiều nhưng đã giúp giải quyết việc làm lúc nông nhàn, cho nguồn thu khá...”.

Nghề trồng rừng nguyên liệu ở Hà Tĩnh cải thiện thu nhập cho hàng chục nghìn hộ dân

Tàu 5 vạn tấn vào cảng Vũng Áng vận chuyển hàng băm dăm sang Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 119.904 ha rừng trồng. Ngoài những diện tích giao cho các chủ rừng Nhà nước, các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các xã quản lý, còn có gần 25.400 hộ gia đình, cá nhân được giao đất để trồng rừng nguyên liệu, chủ yếu là keo tràm. Năm 2022, các địa phương khai thác được 8.300 ha rừng trồng, cho sản lượng gỗ 550.020 m3, đem về giá trị kinh tế hơn 797 tỷ đồng; riêng những tháng đầu năm, nay giá trị sản xuất từ rừng trồng ước đạt 201 tỷ đồng.

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.