Tôi làm thư ký phục vụ ông những ngày Sư đoàn 320B đóng quân từ Nông Cống (Thanh Hóa) chuyển vào Yên Thành (Nghệ An) lập khu hậu cứ để chuyển dịch toàn lực lượng vào chi viện cho chiến trường, giữ Thành cổ Quảng Trị. Ở với ông trong một gian lán, nhận và viết cho ông ký bao nhiêu mật lệnh, chỉ thị các đơn vị cấp dưới ở phía trước, ăn cùng ông bao bữa cơm lính đạm bạc, nhưng tôi có ngờ đâu, chỉ huy của mình là một huyền thoại, một Nghiêm Kinh trí dũng song toàn trong cuốn tiểu thuyết đã đọc, chỉ khác, ở ngoài đời ông là Nghiêm Kình, Trung tá - Phó Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn.
Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Thọ - nơi 2 anh em ruột Nghiêm Chí Điềm và Nghiêm Kình yên nghỉ.
Cũng là duyên tiền định, tròn 30 năm sau tôi rời sư đoàn, trở về làm báo trên quê hương Hà Tĩnh lại được gặp Thiếu tướng Nghiêm Triều Dương, con thứ hai nhưng là con trai cả của thủ trưởng Nghiêm Kình. Nghiêm Triều Dương kể lại: Ba anh (tức Chính ủy Nghiêm Kình), sinh năm 1927 trong một gia đình nông dân nghèo, đông con nhưng hiếu học ở Đức Thọ. Trong 11 người con, ông được đi học trường làng Khóng (tức Trường Nghĩa Yên - Minh Tân) do Chi bộ Nghĩa Yên lãnh đạo, tổ chức và thành lập nên. Mới 14-15 tuổi, Nghiêm Kình đã cùng các bạn cảnh giới cho đảng viên họp bàn, tham gia làm liên lạc, rải truyền đơn kêu gọi chống Pháp. Cả làng Yên Nghĩa, trong đó có cả anh em ông, theo lời kêu gọi của Đảng, nhất tề đứng lên tham gia giành chính quyền. Không chỉ có mỗi Nghiêm Kình mà nhà ông có đến mấy người đều là những thanh niên, cán bộ nòng cốt của tổ chức Việt Minh.
Chân dung liệt sỹ Nghiêm Kình
Đầu tiên phải kể đến bố đẻ của ông là ông Nghiêm Đích. Năm 1930, với các biệt danh là ông Khoan, Nghiêm Chục, ông cùng ông Đái - bạn chí thân, quê ở xã Hương Thọ (Vũ Quang) vừa vượt ngục trở về, tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức cách mạng. Các ông được tổ chức tin tưởng, giao qua Lào buôn bán trâu bò gây quỹ cho Đảng. Ông từng bị lính Pháp bắt giam tại đồn Quánh (xã Hương Thọ - Vũ Quang bây giờ). Do có công với cách mạng, ông Nghiêm Đích được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Độc lập.
Cả nhà ông Nghiêm Đích có đến 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 liệt sỹ chống Pháp, chống Mỹ, 11 đảng viên, 1 tư lệnh binh chủng, 3 sỹ quan cấp tướng và gần chục người cấp tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 5/1951, gia nhập quân đội cách mạng và gắn bó hầu hết cuộc đời với chiến trường máu lửa Bình Trị Thiên. Số phận may mắn đã giúp ông tìm được cái nửa đời mình ở chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị. Cô nữ y tá Tiểu đoàn Quân y 18, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 Hoàng Thị Vịnh, quê ở TP Đồng Hới đã đem lòng yêu mến người Chính ủy trung đoàn trong một lần ông xuống giảng bài. Ông bà yêu nhau, lấy nhau bằng một đám cưới giản dị, đầy chất lính với bữa chè nấu từ đường mía nhờ người xuống vùng địch tạm chiếm mua hộ.
Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nghiêm Kình
Sau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi bên người vợ trẻ, bàn chân “người chiến sỹ ấy” đã ghi dấu hầu hết mặt trận Trị Thiên, Thượng Lào, Hạ Lào. Ông trưởng thành từng ngày, được cấp trên tin tưởng trao nhiều trọng trách khác nhau. Từ Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn, Chính ủy các Trung đoàn 95, 101,… năm 1962, ông được giao nhiệm vụ mang chỉ thị của Trung ương vào cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên rồi ở lại làm Trưởng ban Tuyên huấn Khu 5.
Để chuẩn bị một lực lượng mạnh tăng cường cho chiến trường miền Nam, Bộ Quốc phòng cho thành lập Đoàn 32 tại vùng Chi Nê (Hòa Bình) chuyên huấn luyện quân đi B. Năm 1968, Đoàn 32 được nâng cấp thành Sư đoàn 320B, rải dọc Hòa Bình - Ninh Bình, sư đoàn bộ đặt tại huyện Nho Quan. Trung tá Nghiêm Kình, nguyên Chính ủy Đoàn 32 được điều về làm Phó Chủ nhiệm Chính trị.
Cho đến nay đã hơn 50 năm, ngồi viết những dòng này, trước mặt tôi vẫn như còn đó bóng dáng của ông, người thủ trưởng chính trị miệng nói tay làm, gương mẫu và hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí. 5 năm ở đơn vị huấn luyện quân đi B quả hết sức cam go, quyết liệt. Cứ mỗi ngày trước khi trời tối, nắng cũng như mưa, nóng cũng như rét, lạnh thấu xương, từ cán bộ các cấp đến chiến sĩ vai mang sọt nứa 3 chân đựng các viên đất đóng khuôn, trọng lượng tăng dần từ 15-20 kg cho đến 22,25 kg, tay chống gậy hành quân bộ xuyên đêm trong rừng già. Thủ trưởng Nghiêm Kình tuy là một chỉ huy cấp sư đoàn, song vẫn bền bỉ đi cùng anh em, không bao giờ bỏ cuộc. Ông động viên chiến sĩ: “Rèn để thích nghi với điều kiện của chiến tranh. Thao trường đổ mồ hơi, chiến trường đỡ đổ máu!”.
(Còn nữa)