Ngư dân Hà Tĩnh được mùa mực khơi

(Baohatinh.vn) - Những tháng đầu vụ cá Nam, luồng mực về nhiều chưa từng có. Thuyền về đầy ắp các khoang trong niềm phấn khởi của bà con ngư dân các vùng biển từ Cửa Khẩu (Kỳ Anh) đến Cửa Hội (Nghi Xuân).

Ngư dân Hà Tĩnh được mùa mực khơi ảnh 1

Mực được mùa...

Bến Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) tấp nập tàu thuyền vào ra. Bà con ngư dân trên bến, dưới thuyền chuyền tay nhau từng rổ mực trong niềm vui khôn tả. Ngư dân Nguyễn Tiến Hồng (thôn Tùng Hải), chủ tàu công suất 45 CV vừa cập bến, phấn khởi cho biết: “Gần tháng nay, mực nhiều lắm chú à. Từng luồng mực bơi trắng cả biển, quẳng lưới mỏi cả tay. Thuyền của tôi mỗi chuyến đi 3-4 ngày cũng kiếm được vài tạ. Chuyến đi này, tính sơ sơ cũng có 60-70 triệu đồng. Được mùa mực, anh em thuyền viên phấn khởi lắm. Cứ 3 ngày, mỗi người “đút túi” 3-4 triệu đồng”.

Hầu hết ngư dân khai thác vùng khơi ở Cẩm Nhượng đều có chung niềm vui từ “lộc biển” nhờ luồng mực. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hải Dương cho hay: 20 ngày gần đây, bà con ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi chuyến ra khơi 3-4 ngày, tàu nhiều kiếm được 80 triệu đồng, tàu ít cũng có 40-60 triệu đồng. Sản lượng vụ cá nam năm nay toàn xã đạt khoảng 800 tấn, trong đó, mực chiếm hơn 1/2, còn lại là các loại hải sản khác. Riêng sản lượng mực thì gấp 3 lần so với vụ trước. Mặc dù sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng gần 2 lần bởi sản phẩm mực có giá bán khá cao.

Ngư dân Hà Tĩnh được mùa mực khơi ảnh 2

... giá cũng ổn định

Những ngày này, thời tiết thuận lợi, từ vùng biển Cửa Khẩu cho đến Cửa Hội, bà con ngư dân tăng cường bám biển khai thác hải sản vùng khơi. Sáng sớm hoặc chiều tối, từng cặp tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn ở Cửa Hội lại nối đuôi nhau rẽ sóng ra khơi. Ngư dân Lê Hồng Ngọ (xóm Hội Thủy, Xuân Hội) vui vẻ nói: Đi đánh cá mà được toàn mực, khoái lắm! Từ tháng 5 đến nay cá không nhiều, nhưng mực thì mỗi chuyến phải được dăm tạ, bán được cả trăm triệu đồng. Phát hiện được luồng mực nên cứ cập bến xong, chúng tôi chỉ nghỉ ngơi 1 ngày, sau đó tiếp tục ra vùng biển Hòn Mắt đánh bắt. 5 đội tàu xa bờ của anh em chúng tôi thuyền nào cũng trúng đậm. Vui hơn là chi phí khai thác giảm, hải sản lại được giá, mỗi kg mực bình quân 200.000 đồng.

Theo lịch thời vụ đánh bắt hải sản, bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9 âm lịch là thời điểm khai thác vụ cá Nam. Tuy chỉ kéo dài trong thời gian 5 tháng, song, vụ cá này góp phần quan trọng vào tổng sản lượng thủy, hải sản của toàn tỉnh; có thể khai thác được nhiều luồng cá nổi và mực.

Theo ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vào những tháng đầu của vụ cá Nam, mực xuất hiện nhiều từ vùng biển Kỳ Anh cho đến Thanh Hóa. Không phải năm nào cũng có luồng mực nhiều như thế. Những tháng gần đây, các loại tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên hoạt động liên tục với các nghề câu, lưới kéo, vó, lồng bẫy, chụp mực đã góp phần quan trọng tăng sản lượng và trị giá sản xuất. Tổng sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt hơn 17.000 tấn, trị giá 539 tỷ đồng, đạt 53,36% so kế hoạch năm 2015, tăng 13,47% so cùng kỳ năm 2014.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.