Ngư dân Phan Xuân Việt đang sửa lại phần mũi thuyền bị hư hỏng khi cứu hộ người dân trong trận lũ lụt lịch sử.
Một tuần sau trận đại hồng thuỷ lịch sử ở Hà Tĩnh, ngư dân Phan Xuân Việt (SN 1977, thôn Rạng Đông, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên) đang sửa chữa con thuyền của gia đình trước khi ra khơi đánh bắt hải sản.
Anh Việt kể: Tối 18/10, anh cùng vợ con ngồi xem tivi thì biết được nhiều xã của huyện như: Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan, Cẩm Quang… đang bị cô lập do mưa lớn kéo dài kết hợp xả lũ hồ Kẻ Gỗ.
Thuyền đi biển của ngư dân đã lên vùng đồng bằng cứu nạn.
Tới khuya, anh nhận được điện thoại từ xã và trưởng thôn về việc cần điều động thuyền máy lên vùng lũ sơ tán người dân khẩn cấp bởi nước lên quá nhanh. Không cần suy nghĩ, anh Việt đồng ý ngay.
Chính quyền địa phương đã gọi thêm các ngư dân khác có thuyền đưa các xã bị ngập lụt nặng, nhất là vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ cứu người. Thuyền của ngư dân được xe cẩu đưa lên ô tô chở tới vùng lũ.
Thuyền của ngư dân ven biển Cẩm Xuyên như Cẩm Dương, Cẩm Hòa đã sơ tán được rất nhiều người trong nước lũ mênh mông.
“Chừng 1 giờ sáng, thuyền của chúng tôi được đưa tới trụ sở UBND huyện Cẩm Xuyên. Từ đây, theo sự hướng dẫn, đội thuyền tỏa ra các nơi. Thuyền của tôi có 4 người hướng thẳng vào xã Cẩm Thành” - ngư dân Phan Xuân Việt kể.
Thuyền cứu hộ do anh Việt cầm lái, 2 người hỗ trợ là anh Nguyễn Tiến Liên (SN 1976) và Phan Ngọc Nam (SN 1979) cùng 1 người chỉ dẫn đường đi.
Trong trí nhớ của ngư dân này, lúc đêm tối chỉ có màu đen và bốn bề là nước. “Tất cả các làng xóm đều chìm trong nước mênh mông, có những căn nhà chỉ còn mỗi mái ngói, trên đó là người dân ngồi co ro. Khi nhìn thấy ánh đèn phát ra từ thuyền, họ gọi khàn cả giọng” - anh Việt chia sẻ.
Theo ngư dân Phan Xuân Việt, đi trên biển thì sóng to gió lớn nhưng cũng dễ hơn lái thuyền ở vùng đồng bằng, nhất là trong khu dân cư bởi nước ngập khắp nơi, khó quan sát đường đi, trong khi phía dưới có đủ loại chướng ngại vật như: hàng rào, cổng nhà, cột mốc, cây cối…
Ngư dân Nguyễn Tiến Liên.
“Dù có người hướng dẫn đường nhưng họ cũng không thể nắm rõ nơi nào có chương ngại vật. Chỉ tới khi nghe thấy tiếng va chạm thì chúng tôi mới biết được. Có nhiều lúc chân vịt cuốn cả vào hàng rào thép gai và để gỡ, anh em phải nhảy xuống nước rồi dùng tay gỡ” - ngư dân Nguyễn Tiến Liên tiếp lời.
Vào được nhà dân, các anh phải tìm kiếm thật kỹ, gọi thật lớn để không bỏ sót ai và cố gắng chở tối đa số người. Thấy bà con ướt lạnh trong mưa gió, không ai có thể cầm lòng được.
Video: Ngư dân Nguyễn Xuân Song kể chuyện đưa thuyền cứu dân trong mưa lũ.
Cùng thời điểm này, các xã Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Thắng, Tượng Sơn, Đỉnh Bàn, Nam Điền… của huyện Thạch Hà cũng ngập chìm trong biển nước. Trước tình huống này, chính quyền địa phương đã thông tin tới ngư dân xã Thạch Long nhờ mang thuyền máy tới ứng cứu việc sơ tán người dân.
“Thời điểm đó, nước cũng bắt đầu vào sân nhà tôi nhưng khi nhận được thông báo, biết tình hình đã rất nguy cấp nên tôi cùng con trai 26 tuổi đi luôn. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ cứu người là trên hết. Địa điểm của thuyền tôi là xã Tân Lâm Hương. Trong thôn cũng có 7 thuyền khác đi vào vùng lũ cứu người” - ngư dân Nguyễn Xuân Song (SN 1971, thôn Đông 1, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà) nhớ lại.
Ngư dân Nguyễn Xuân Song: Chúng tôi cố gắng cứu được càng nhiều người càng tốt. Dù mệt, đói, lạnh nhưng khi thấy người dân an toàn là mọi khó khăn đều tan biến hết.
Theo ngư dân Song, các thuyền máy đi vào vùng lũ Thạch Hà có kích thước khá nhỏ, tuy nhiên, với đường đi lối lại trong các thôn xóm nhỏ hẹp, nhiều chướng ngại vật nên đây lại là thế mạnh giúp họ di chuyển, dễ dàng tiếp cận các ngôi nhà có người dân chờ để sơ tán.
Qua trò chuyện, các ngư dân vùng ven biển Cẩm Xuyên, Thạch Hà không nhớ cụ thể đã đưa được bao nhiêu người thoát khỏi “lằn ranh sinh tử” tới nơi cao ráo, có chỗ trú ẩn an toàn, mà chỉ biết là rất nhiều, con số có thể lên tới cả nghìn người. Từ người già, trẻ con, tới sản phụ mới sinh đều có hết.
Sau khi cứu hộ người dân lúc nguy cấp, các ngư dân tiếp tục ở lại vùng lũ thêm nhiều người nữa để hỗ trợ chính quyền việc đưa thức ăn, nước uống cho hàng nghìn người dân ở nơi tránh trú.
Trên các thuyền cứu hộ của ngư dân, có phụ nữ, trẻ em, tới người già được đưa tới nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho hay: Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, địa phương thông báo tới người dân chủ động sơ tán từ nhà thấp sang nhà cao, hoặc di chuyển bằng thuyền nhỏ tự có trong dân để giúp đỡ nhau.
Tuy nhiên, do mưa xối xả và hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng lớn khiến nước lũ lên nhanh. Với tình huống khẩn cấp, huyện đã điều động các thuyền từ các xã ven biển như Cẩm Dương, Cẩm Hòa vào vùng lũ di dời dân từ nơi thấp trũng và nguy hiểm tới nơi an toàn.
Ngày sau đó, khi có sự hỗ trợ tàu thuyền, ca-nô từ các ngành chức năng, việc cứu hộ, cứu trợ người dân lại được tiếp tục.
“Là vùng trọng điểm của đợt lũ lịch sử vừa qua ở Hà Tĩnh nhưng huyện Cẩm Xuyên đã hạn chế tối đa tổn thất về người. Có được kết quả đó là nhờ sự chủ động của người dân, chính quyền địa phương cùng hỗ trợ của ngành chức năng, đặc biệt là các ngư dân. Nếu không có sự giúp đỡ của ngư dân, thương vong về người có thể còn lớn hơn. Huyện rất trân trọng sự giúp đỡ của họ. Sau khi mưa lũ qua đi, chúng tôi sẽ có khen thưởng, động viên các ngư dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói thêm.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu