“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đó là biệt danh chúng tôi gọi vui về tài xế Nguyễn Tiến Công (ở tổ dân phố 2, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) - người đã dùng xe tải để ứng cứu bà con trong trận lụt lịch sử. Người đàn ông có trái tim nhân hậu, chân chất và thật gần gũi…

“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Anh Nguyễn Tiến Công ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh là người chân chất, gần gũi, luôn nỗ lực hỗ trợ người dân trong khó khăn, hoạn nạn.

Biết Nguyễn Tiến Công (SN 1987) từ những ngày lũ lụt còn đỉnh điểm ở TP Hà Tĩnh (từ 18 - 22/10), thế nhưng, mãi đến khi nước rút hẳn, tôi mới có cơ hội gặp lại anh. Bởi lúc thì Công bận lái xe chở người đi sơ tán, lúc lấy hàng cứu trợ về cho dân, lúc lại làm người dò đường dẫn thuyền cứu trợ…

Ngày nào công việc cũng lặp đi lặp lại như thế, không biết bao nhiêu lượt. Công với chiếc xe tải cỡ lớn của mình, hễ ai ở đâu gọi là lao đến ứng cứu, giúp các gia đình kê kích đồ đạc, lúa gạo; cõng người ra khỏi vùng nước sâu đi sơ tán.

Trong suốt 5 ngày, nước lũ ở TP Hà Tĩnh dâng cao từ 0,7 - 1m, có nơi sâu hơn 2m. Trong tình thế đó, cũng chỉ có xe của Công mới có thể băng nước đi đến vùng tiếp tế nhận cứu trợ, lấy mì tôm, nước uống về cho bà con… Những lần như thế, kết nối giữa chúng tôi lại đứt quãng.

“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Anh Nguyễn Tiến Công trong một lần hỗ trợ lực lượng chức năng tiếp cận ứng cứu người dân bị ngập nặng ở TP Hà Tĩnh.

Mãi đến ngày 25/10, khi những con đường dẫn vào phường Đại Nài đã ráo nước, “vết sẹo” của những ngày lũ dữ kinh hoàng chỉ còn in lại trên vách tường, chúng tôi mới tìm vào được nhà Công.

Đó là một xóm nhỏ nằm ngay dưới chân đê của sông Phủ, những ngôi nhà nằm thấp hơn mặt đê cả mét, chẳng giống nhiều với các tuyến phố trong nội thành. Thế mới hiểu, vì sao mà những ngày nguy nan vì nước lũ, Công chẳng có chút thời gian nào kết nối điện thoại với chúng tôi.

“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Nắng ráo trở lại, Công tiếp tục hành trình của “người vận chuyển” bận rộn, giúp đỡ bà con bốc lúa bị ẩm mốc lên xe để đi sấy (Trong ảnh: Công đứng phía trên thùng xe tải).

Vẫn bộ quần áo bảo hộ nhàu nhĩ, chân xỏ đôi dép lê đã mòn vẹt. Khuôn mặt mấy ngày vất vả có phần mệt mỏi, duy chỉ có nụ cười hiền và có phần ngượng ngập đã giúp tôi nhận ra ngay “Người vận chuyển” mà nhiều ngày nay chúng tôi đã ấp ủ gặp bằng được.

Công tiếp chúng tôi bằng lời bắt chuyện: “Ở đây ngay cạnh sông, nước lên dồn dập, chỉ một lúc thôi, toàn bộ đường sá, nhà cửa đều ngập trong biển nước. Lúc đầu chỉ một vài nhà nhưng rồi nước ào ạt dâng cao, có nhà ngập đến cửa sổ. Nhà em, nhà bố mẹ và các anh đều ngập hết. Thế là mấy anh em tập hợp nhau lại cõng bố mẹ, vợ con sang nhà hàng xóm rồi quay ra cùng giúp đỡ bà con. Lúc đấy, em chẳng nghĩ được nhiều đâu, chỉ biết mình có cái xe tải trọng lớn, có thể chạy được trong nước lũ nên lấy đó làm phương tiện đã”.

“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Một bức ảnh hiếm hoi do Công chụp lưu lại hình ảnh trong ngôi nhà của mình.

Công kể, nhóm của anh còn có các anh Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Văn Vượng… là những người đầu tiên đứng ra tập hợp những thanh niên khỏe mạnh, có phương tiện cùng hỗ trợ chính quyền ứng cứu bà con ngập lũ. Công là lái xe chuyên nghiệp, lại có xe tải lớn nên chịu trách nhiệm vận chuyển người, đồ đạc đi sơ tán.

- Nước lũ dâng cao, đi như vậy Công có sợ không? - tôi hỏi.

- Sợ chứ chị. Vốn dĩ là lái xe chuyên nghiệp, cũng băng đường, chở biết bao chuyến hàng cập bến nhưng chở người đi tránh lũ thì đây là lần đầu tiên. Xe không vào từng nhà được mà dừng trên đê, chúng em phải lấy xuồng chở người ra. Nhưng rồi, chuyến này đến chuyến khác, cứ như thế chẳng còn thời gian để sợ nữa" - Công cười hiền.

“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Nguyễn Tiến Công trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh về những việc mình làm trong đợt mưa lũ vừa qua với sự khiêm tốn và giản dị.

Những ngày tiếp theo, Công nhận luôn trách nhiệm đi tiếp nhận và tiếp tế cứu trợ. Lúc gạo, lúc mì tôm, nước uống, Công chở hàng về đến đê, nhóm đội của anh chờ sẵn để đưa xuống xuồng vào nhà dân.

“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Tranh thủ thời gian, Công phụ giúp mẹ hong phơi lại đồ dùng bị ngấm nước lũ.

Lúc có hàng cứu trợ vào được tận nơi, Công cùng anh em chia nhau đón thuyền rồi tình nguyện cầm sào dò nước, dẫn các đội cứu trợ đến nơi an toàn. Liên tục nhiều ngày như thế, người Công lúc nào cũng ướt sũng nước bạc.

Phường Đại Nài là địa phương xung yếu nhất TP Hà Tĩnh, vì vậy mà các phương tiện ứng cứu từ thành phố có lúc rất khó tiếp cận địa bàn. Phường đã huy động các xe tải lớn trên địa bàn để hỗ trợ ứng cứu, tiếp nhận đồ ăn, nước uống đưa vào các vùng sơ tán cho bà con Nhân dân. Những người như anh Nguyễn Tiến Công, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Vượng... đã giúp chính quyền thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, bảo vệ an toàn người dân.

Ông Phạm Mạnh Hiền - Chủ tịch UBND phường Đại Nài
“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Cuộc nói chuyện của chúng tôi lại bị bỏ dở vì Công bận đi chở lúa cho bà con. Từ hôm đó đến nay, Công tình nguyện mà không nhận bất cứ công cán gì.

Hà Tĩnh những ngày này bắt đầu hửng nắng. Người dân phường Đại Nài tranh thủ phơi lúa tràn cả bờ đê. Còn Công, anh vẫn chưa có thời gian để dọn dẹp cho ngôi nhà mình bởi còn bận giúp bà con bốc lúa lên xe để đưa đi sấy.

- Người dân ở đây thiệt hại nhiều lắm. Nào lúa, lợn, gà, đồ đạc... trôi hết. Em là vì có phương tiện thì giúp bà con chút ít thôi, ở trong hoàn cảnh đó, ai rồi cũng sẽ làm như thế" - Công khiêm tốn.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi tiếp tục bị bỏ dở bởi lời thúc giục của ai đó phía bên kia điện thoại: “Lúa đầy thùng rồi, em ra chở đi cho bà con nhé!”. Nghe thế, Công bật dậy: “Xe em đang đỗ chờ bên một kho lúa gạo bị nước ngâm ướt hết. Mọi người đang phụ giúp gia đình bốc lúa lên xe đi sấy chị à! Em vội lắm, chưa có thời gian để nghỉ mô”.

“Người vận chuyển miễn phí” giữa mùa lũ dữ ở Hà Tĩnh

Hôm chúng tôi đến, chiếc xe máy vẫn nằm nguyên trong nhà, bám đầy vết tích của trận lụt lịch sử

Đó cũng là câu tạm biệt chúng tôi chào nhau. Công vội vã chạy theo phía tiếng gọi, còn tôi chỉ kịp nhìn lại 2 chiếc xe máy vẫn dựng nguyên trong nhà, dính đầy bùn đất của cơn lũ mà chưa kịp chùi rửa… Con phố nghèo này vẫn còn nhiều người cần Công giúp đỡ.

Trong đợt lũ vừa qua, thành phố Hà Tĩnh đã thực hiện các phương án ứng phó với lũ lụt một cách khá chủ động, hiệu quả. Nhất là việc huy động lực lượng ứng cứu tại địa phương. Đặc biệt, rất nhiều cá nhân đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với nhiều nghĩa cử đáng trân trọng, trong đó có công dân Nguyễn Tiến Công ở tổ dân phố 2, phường Đại Nài. Thành phố đang đề xuất khen thưởng những cá nhân xuất sắc, nhằm nêu gương và tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân.

Ông Phạm Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Chung tay khắc phục hậu quả lũ lụt

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.