Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh “khát” nước sạch

(Baohatinh.vn) - Hơn 130 hộ dân thuộc khu vực tái định cư ở xã Thọ Điền (Vũ Quang) đang thiếu nước sạch trầm trọng. Bà con phải xoay xở đủ cách để có nguồn nước sạch sử dụng hằng ngày.

Video Nhà máy Nước sạch khu TĐC xã Hương Điền xuống cấp.

Năm 2013, hơn 130 hộ dân tại xã Hương Điền (nay là xã Thọ Điền) di dời lên khu tái định cư (TĐC) Khe Ná - Khe Gỗ (gồm thôn Kiều, Đăng, Thị, Ngân) để nhường đất cho dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh “khát” nước sạch

Cỏ dại mọc um tùm quanh khu vực Nhà máy Nước sạch khu TĐC xã Hương Điền.

Ngay khi di dời lên nơi ở mới, các hộ dân đã được hỗ trợ tiến hành đào giếng khoan để đáp ứng nhu cầu nước sạch. Tuy nhiên, nguồn nước giếng khoan không đảm bảo, có tạp chất; nhiều giếng sau khi đào không có nước hoặc nước không đủ sinh hoạt.

Trước tình hình đó, Ban chuyên trách Dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ TĐC công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đã đầu tư xây dựng Nhà máy Nước sạch khu TĐC xã Hương Điền với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Cuối năm 2017, công trình được đưa vào sử dụng và giao cho UBND xã vận hành, quản lý. Tuy nhiên, nguồn nước từ nhà máy có mùi tanh hôi, nhiễm phèn do nguồn nước đầu vào lấy từ tầng đáy của đập Khe Ná - Khe Gỗ.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh “khát” nước sạch

Các khu vực như bể lắng, bể chứa nước của Nhà máy Nước sạch khu TĐC xã Hương Điền xuống cấp.

“Người dân chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên cấp trên nhưng tình trạng nước máy nhiều tạp chất, bốc mùi vẫn chưa được khắc phục. Gia đình chúng tôi phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu nước hằng ngày. Mùa này để bơm được 1 m3 khối nước, phải chia 3 lần bơm, mỗi lần bơm chỉ được 30 phút là giếng cạn, trung bình mỗi ngày chỉ được khoảng 1-2 m3 nước cho cả gia đình” - bà Phan Thị Liễu (thôn Kiều) phản ánh.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh “khát” nước sạch

Nước máy có mùi hôi tanh, nhiễm phèn.

Theo tìm hiểu, hiện nhà máy nước chỉ có một công nhân hợp đồng làm bảo vệ, vận hành với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Nhiều máy móc, thiết bị như bồn lọc, dây dẫn xuống cấp trầm trọng. Nguyên vật liệu dùng để lọc nước theo nguyên bản của nhà máy nay đã ngưng sản xuất. Hiện, các khu vực như bể lắng, bể chứa nước đã ngưng sử dụng, cỏ dại mọc kín cả nhà máy.

“Nguyên nhân chính là do địa phương không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, do đó, các thiết bị, máy móc của nhà máy ngày càng xuống cấp trầm trọng. Xã Thọ Điền đã làm tờ trình, báo cáo lên UBND huyện để có phương án khắc phục tình trạng trên”, ông Phạm Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết.

Không sử dụng được nước từ nhà máy, người dân 4 thôn: Kiều, Đăng, Thị, Ngân đã xoay xở để có nước sinh hoạt như: dẫn nước từ khe suối về, đào giếng… Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ đáp ứng nhu cầu tạm thời cho người dân trong mùa mưa. Đến mùa nắng nóng (tháng 4 đến tháng 9) nguồn nước ngầm hạ thấp, nước khe suối cạn kiệt.

Hằng ngày, anh Trần Văn Toàn (thôn Ngân) phải dùng xe kéo để chở 5 xô đựng nước (mỗi xô 30 lít) tới thôn Thị cách 1,5 km để xin nước giếng khoan của gia đình người quen về sử dụng.

Một số hộ kéo vòi dẫn vào khe suối để lấy nước nhưng do khoảng cách xa, địa hình phức tạp nên phải bỏ một nguồn kinh phí quá cao (khoảng 15 triệu đồng/hộ) nên số lượng người dùng nguồn nước này rất ít.

Người dân huyện miền núi Hà Tĩnh “khát” nước sạch

Nguồn nước từ nhà máy được các hộ dân dùng để tưới cây, xịt rửa chuồng trại.

Nước từ nhà máy, người dân chỉ để tưới cây hoặc xịt rửa chuồng trại. Đối với một số hộ dân không có giếng khoan hoặc giếng khoan cạn nước thì đành “nhắm mắt” dùng nguồn nước từ nhà máy để sinh hoạt. Mặc dù nhiều hộ đã mua các thiết bị lọc nước nhưng do nguồn nước quá nhiều tạp chất cùng mùi hôi trầm trọng nên chất lượng cũng không đảm bảo.

“Chính quyền địa phương đã vận động những hộ có nguồn nước giếng khoan lớn hoặc có vòi dẫn nước từ khe suối hỗ trợ những gia đình thiếu nước để đủ nước sinh hoạt trước mắt, đặc biệt là vào đợt nắng nóng như hiện nay” - ông Phạm Quang Tùng cho biết thêm.

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.