Nông nghiệp

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Chỉ khi nhìn hình ảnh chụp cánh đồng dưa, bí trải dài trên 18 ha đất cát của anh Dương Đình Lợi (SN 1980, thôn Bàn Hải, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từ thiết bị flycam, chúng tôi mới hình dung đầy đủ nhất sự bao la của nó, cảm nhận rõ về những nỗ lực, quyết tâm, khát khao tích tụ ruộng đất của người nông dân nhỏ bé…

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Vốc một nắm đất cát pha lên tay, mùi đất ẩm pha lẫn mùi vôi vừa bón khử thốc lên khiến tôi hơi sốc. Thế nhưng, tôi biết mùi vị của đồng đất vào mùa vụ đã thấm vào người “mê dưa” Dương Đình Lợi trong những ngày anh băng băng trên hàng ha đất cát cùng hàng chục nhân công cải tạo đất, gieo hy vọng vào vụ mới. Xa xa, tiếng máy cày ầm ì chạy, tiếng người gọi nhau lao xao. Trên màn hình thiết bị flycam xuất hiện 1 chấm nhỏ di chuyển nhanh về phía chúng tôi, đó chính là nhân vật mà chúng tôi gọi là “Mai An Tiêm” trong bài viết này.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Anh Dương Đình Lợi cùng công nhân thu hoạch vụ dưa hấu.

Bước xuống từ chiếc xe máy cà tàng là gương mặt lấm tấm mồ hôi, trên chiếc áo bảo hộ còn vương nhiều phấn hoa. Mỗi ngày, phần lớn thời gian anh Dương Đình Lợi đều ở ngoài đồng. Năm nay, anh mới tích tụ thêm diện tích đất nên trồng thêm bí đỏ. Bây giờ, ruộng bí đang mùa ra hoa, cần thụ phấn nên lúc nào cũng đông vui. Anh nói đùa: “Phụ nữ vây quanh tôi mỗi ngày”. Những người phụ nữ mà anh nhắc đến chính là các chị em trong thôn, trong xã, làm nhân công cho anh từ khi mới bắt đầu trồng dưa. “Hồi đó, chú Lợi vận động mãi tôi mới đi làm đấy” - một chị nhân công vừa chạy ào xe tới, trên tay còn nắm chặt bó hoa bí mới thụ phấn nói với nụ cười thật tươi.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Ấy là năm 2016, sau 4 năm về sinh sống và gắn bó thật sự với quê hương Kỳ Ninh, anh Lợi quyết định bắt tay vào dự án nông nghiệp mà mình ấp ủ trong nhiều đêm trắng nghĩ cách làm giàu. Trước đó, suốt quãng thời gian 12 năm làm công nhân khoáng sản, anh chưa bao giờ cảm nhận được sự thôi thúc trong sâu thẳm lòng mình khi đứng trước những miền đất cát cả trăm ha bị bỏ hoang bởi người dân đi làm ăn xa hoặc làm nghề phụ, không ai tha thiết với ruộng đồng.

Video: Anh Dương Đình Lợi mong ước cây dưa hấu sẽ trở thành sản phẩm chủ lực trên vùng đất cát Kỳ Ninh.

Quyết định mượn đất để bước vào “công trường ngoài trời” làm nông nghiệp, anh Lợi thuê được 4,5 ha đất thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (nay là KKT tỉnh). Khát vọng làm lớn, anh làm hồ sơ vay 1 tỷ đồng cải tạo đất, đầu tư máy móc và các điều kiện cần thiết để trồng các loại cây màu theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Vụ đầu, anh trồng thử nghiệm nhiều loại rau, củ, từ bí đỏ, dưa hấu, cà rốt… để đánh giá xem loại cây nào phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Anh Lợi chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng mông lung lắm. Cứ nghĩ làm là làm thôi chứ chưa định rõ sẽ làm gì và làm như thế nào. Vì tự mày mò nên chặng đường của tôi vất vả và “trầy trật” nhiều hơn. Ngày ấy, nhiều người ái ngại vì họ biết đất ở đây quá xấu, các loại hoa màu đều không cho năng suất cao nên người dân xung quanh bỏ hoang nhiều. Tôi lại nghĩ, thổ nhưỡng nào thì loại cây đó, chẳng qua người dân chưa thử nên chưa biết. Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu và quyết định trồng các loại rau - củ - quả để thử nghiệm. Cuối cùng tôi thấy dưa hấu là hợp nhất. Tôi muốn đưa cây dưa hấu làm cây chủ lực của vùng này”.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Đồng ruộng của anh luôn gối vụ, khi việc thụ phấn cho bí kết thúc cũng là lúc rắc vôi, làm đất để xuống giống gieo lại vụ dưa mới.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Khát vọng đẹp đẽ là thế, quyết tâm là thế, nhưng khi bắt tay dồn vốn liếng cho cây dưa hấu, liên tiếp những mùa đầu tiên thất bát đều bởi thời tiết quá khắc nghiệt, trong khi anh Lợi lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng, anh không hề nản chí. “Tôi nhìn sang tỉnh bạn, người Nghệ An phải ra Thanh Hóa thuê đất trồng dưa hấu, người Quảng Bình cũng ra đây tìm tôi xin làm chung, cớ sao mình có đất, có nguồn nhân công lại không quyết tâm làm chứ? Những mùa dưa thất bát, người ta nhìn thấy tôi thất bại, còn tôi thấy được những bài học quý giá. Đó là lúc tôi ngấm hết hơi thở của đồng đất, khí hậu quê mình để điều chỉnh thời vụ xuống giống hợp lý, đúc rút kỹ thuật chăm sóc và chuyển hướng trồng thêm cây bí đỏ. Tuy nguồn thu từ bí đỏ không cao như dưa hấu (chỉ 2.000 đồng/kg) nhưng lại giải quyết được việc làm cho nhân công. Bằng cách này, đồng ruộng của tôi luôn gối vụ, khi việc thụ phấn cho bí kết thúc cũng là lúc rắc vôi, làm đất để xuống giống gieo lại vụ dưa mới” - anh Lợi bộc bạch.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Năm 2020, ruộng dưa của anh đã thu được chừng 200 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ảnh tư liệu

Khi đã nắm trong tay bí quyết canh tác trên đất cát Kỳ Ninh được tích lũy từ mồ hôi, nước mắt của những ngày trầy trật trên đồng đất, năm 2019, anh Lợi tiếp tục thuê lại 6,5 ha đất hoa màu bỏ hoang của người dân và trồng thêm 4,5 ha dưa hấu. Đất không phụ công người, năm 2020, ruộng dưa của anh đã thu được chừng 200 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. 14 lao động cùng anh lăn lộn trên cánh đồng dưa đã có việc làm ổn định trong năm với mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thắng lớn mùa dưa giúp anh Lợi có thêm động lực để mạnh dạn tích tụ thêm gần 7 ha đất của người dân thôn Vĩnh Thuận bên cạnh (năm 2021). Tổng diện tích sản xuất của anh Lợi có đến nay đã lên tới 18 ha. Và, đấy cũng là thời điểm đặt ra những trăn trở mới về sự phát triển bền vững của mô hình.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Mùa dưa hấu kéo dài từ tháng 11 năm nay đến tháng 8 năm sau, từ tháng 8 đến hết tháng 10 là thời gian đất nghỉ. Suốt nhiều năm, anh Lợi phải trải qua 3 tháng không có thu nhập, không có việc cho công nhân làm nên trăn trở muốn đầu tư hệ thống nhà lưới để có thể trồng thêm những loại cây vụ đông khác. Tuy nhiên, hiện tại, ngoài 4,5 ha thuê của Ban Quản lý KKT tỉnh có thời hạn 50 năm, còn lại diện tích đất mượn của người dân chỉ có thời hạn 1 - 2 năm. “Không chỉ nhà lưới, tôi còn muốn đầu tư hệ thống tưới tiêu đồng bộ để giảm nhân công chăm sóc, nâng cao năng suất dưa hấu. Tuy nhiên, những vướng mắc trong thời hạn hợp đồng thuê đất đã bó buộc những dự định đó” - anh Lợi thổ lộ.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Để có được cánh đồng rộng lớn như thế này, anh Dương Đình Lợi đã phải thuyết phục nhiều người dân trong vùng cho mình thuê lại đất.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Ở vùng phụ cận KKT Vũng Áng, trên diện tích đất không canh tác, người dân có thể cho mượn rất dễ dàng nhưng thời gian cho thuê lại rất ngắn. Điều này xuất phát từ thực tế đất nông nghiệp của họ rất có khả năng bị thu hồi để thực hiện các dự án lớn và họ luôn có tâm lý chờ đợi cơ hội này. Bởi vậy, 13,5 ha đất mà anh Lợi mượn của người dân đơn giản chỉ bằng hợp đồng miệng, thông qua vai trò trung gian của ban cán sự thôn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông chủ ruộng dưa dẫu nhiều khát vọng nhưng không dám đầu tư cơ sở hạ tầng, không ứng dụng được nhiều tiến bộ của KHKT, khiến anh “tuột” mất nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho sản xuất nông nghiệp.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Rắc vôi cải tạo đất là một trong những khâu quan trọng trước khi gieo trồng vụ mới.

Chị Lê Thị Thanh Hường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh cho biết: “Trong khi tình trạng người dân bỏ đất hoang không canh tác thì việc làm của anh Dương Đình Lợi là rất ý nghĩa. Chúng tôi đã dõi theo và có những sự hỗ trợ nhất định đối với anh. Tuy nhiên, với tâm lý giữ đất của vùng ven đô thị, nằm trong địa bàn KKT Vũng Áng, anh Lợi không có cơ hội thực hiện các hợp đồng thuê quyền sử dụng đất từ 5 năm trở lên để được hưởng các chính sách hỗ trợ khá lớn cho việc cải tạo, sản xuất trên mô hình tích tụ theo Nghị quyết 123 của HĐND tỉnh (về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM, đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020). Chúng tôi đang chờ đợi những hướng mở trong chính sách tích tụ ruộng đất của Nhà nước thời gian tới, đặc biệt là khi tỉnh đã có quyết định triển khai đề án tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”.

Video: Chị Lê Thị Thanh Hường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi TX Kỳ Anh trao đổi về những khó khăn trong tích tụ ruộng đất trên địa bàn.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Trao đổi về sự đồng hành của địa phương với người nông dân “mê đất” hiếm hoi ở xã, ông Phan Công Thoàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Ninh cho biết: “Có một nông dân tâm huyết như thế này trên địa bàn, chính quyền xã đã hỗ trợ hết mức trong điều kiện có thể để giúp anh Lợi ổn định sản xuất. Hiện nay, ngay cạnh diện tích anh Lợi thuê của Ban Quản lý KKT tỉnh, còn có 3,5 ha đất bỏ hoang không sản xuất của HTX Rau sạch Tân Hảo (chủ HTX đã đi nước ngoài). Sau khi xã tuyên truyền để các hộ nông dân đăng ký thuê lại xây dựng mô hình thì ngoài anh Lợi chưa ai có ý định làm. Chúng tôi mong anh Lợi sớm thuê lại được vì diện tích này có thời hạn cho thuê 50 năm, sẽ phù hợp để anh đầu tư phát triển bền vững”.

Video: Anh Lợi chia sẻ những trăn trở về một hình thức tích tụ ruộng đất lâu dài để mô hình phát triển bền vững.

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh

Khi chúng tôi ngồi viết những dòng này, ruộng bí của anh Lợi đã thu hoạch gần xong, còn ruộng dưa hấu đang thu hoạch “cuốn chiếu”. Mỗi ngày, cánh đồng của anh đều xôn xao tiếng nói cười, tiếng người mua bán… Dẫu dịch bệnh phức tạp nhưng dưa, bí của anh nhờ chất lượng tốt nên vẫn được thương lái đến tận nơi thu mua. Tôi mường tượng gương mặt thản nhiên của anh khi đi giữa cánh đồng trên triền cát bạc trong mùa thu hoạch và ước mong về ngọn gió mới để anh căng “cánh buồm” của những khát khao bình dị mà thật mãnh liệt ấy.

thiết kế: huy tùng

Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh
Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh
Người “đánh thức” vùng đất cát bạc màu ở Hà Tĩnh
(Còn nữa)

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.