Ông Phạm Văn Học (SN 1963, trú thôn 2, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn) từ khi sinh ra đã phải sống trong bóng tối do mắc căn bệnh teo dây thần kinh thị giác.
Thuở nhỏ, bố mẹ ông Học đã chạy vạy khắp nơi để đưa ông đi khám và điều trị, song tất cả các y bác sỹ đều kết luận rằng đôi mắt của ông không thể chữa trị được. Lúc bấy giờ, dù bất lực trước hoàn cảnh, song ông vẫn cố gắng tập làm quen với bóng tối và phụ giúp các công việc nhẹ nhàng trong gia đình.
Đến năm 1990, ông Học được cán bộ Hội Người mù huyện Hương Sơn động viên tham gia hội. Từ đây, ông được theo học chữ braille, học cách nuôi ong và được hỗ trợ các nguồn vay vốn lãi suất ưu đãi. Đến nay, mô hình kinh tế vườn tổng hợp của ông đã có 45 tổ ong cùng một ít gia súc, gia cầm, ước tính, mỗi năm cho thu lãi 60 – 70 triệu đồng.
“Quá trình chăn nuôi ban đầu của tôi gặp không ít khó khăn do phải làm mọi thứ trong bóng tối. Tuy nhiên, sau thời gian làm quen, tôi đã nhớ từng vị trí để có thể đi lại thuận tiện, làm tốt việc chăm sóc gia súc, gia cầm cũng như kiểm tra từng đàn ong...”, ông Học chia sẻ.
Thiếu đi đôi mắt nhưng đối với ông Học, việc cảm nhận mọi thứ bằng các giác quan khác cùng trí nhớ tốt đã hỗ trợ ông có thể tự làm mọi việc. Ngoài ra, ông còn nhiệt tình hướng dẫn những người đồng cảnh ngộ hoặc người dân địa phương muốn học hỏi cách nuôi ong đạt sản lượng cao.
Cũng trong hoàn cảnh thiếu đi thị lực (bị hỏng đáy cả 2 mắt, thị lực chỉ còn 2/10), ông Cao Đức Thuận (SN 1966, trú thôn Hồ Trung, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn) đã chọn cho mình nghề tẩm quất và phụ giúp gia đình chăn nuôi để phát triển kinh tế.
“Do thị lực quá yếu nên trước đây, tôi gần như không thể làm được việc gì. Sau khi gia nhập Hội Người mù huyện năm 2000, tôi đã được học chữ braille và học nghề tẩm quất. Từ đó, giúp tôi bớt đi mặc cảm và bắt đầu có thu nhập để tự lo cho bản thân cũng như gia đình”, ông Thuận tâm sự.
Hiện tại, ngày ngày, ông Thuận đến cơ sở tẩm quất của Hội Người mù huyện ở thị trấn Phố Châu để làm việc với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. Thời gian rảnh, ông trở về nhà hỗ trợ gia đình chăn nuôi hươu và gia súc, gia cầm. Với đàn hươu gồm 5 con (2 đực, 2 cái và 1 hươu con), gia đình ông thu nhập được khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm từ việc bán nhung và hươu giống. Bên cạnh đó, đàn gia súc và gia cầm cũng đem lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ông Học, ông Thuận, nhiều hội viên Hội Người mù huyện Hương Sơn đang tích cực học chữ braille, tự tìm những công việc phù hợp như: tẩm quất, làm tăm, làm chổi, chăn nuôi… để có công việc ổn định. Tuy mức lợi nhuận đem lại chưa cao nhưng đối với những người khuyết đi đôi mắt, việc vươn lên trong cuộc sống, tự bản thân kiếm tiền đã là một điều phi thường, đáng nể phục.
Được biết, Hội Người mù huyện Hương Sơn hiện có gần 400 hội viên, trong đó 123 hội viên đang ở độ tuổi lao động (75 người tự chủ được kinh tế). Việc nhiều hội viên mạnh dạn bước ra khỏi “vùng tối”, tự chăm lo được cho bản thân và phát triển kinh tế đang dần lan tỏa nghị lực phi thường, lối sống tích cực cho người mù nói riêng và tất cả mọi người nói chung.
Hằng năm, chúng tôi luôn tìm hiểu các hoàn cảnh khiếm thị trên địa bàn để động viên, quan tâm, hỗ trợ họ gia nhập hội. Khi là hội viên Hội Người mù huyện Hương Sơn sẽ được học chữ braille, học cách tự vệ sinh cá nhân. Sau đó, những người có nhu cầu học nghề sẽ được sắp xếp vào các lớp dạy nghề cho người mù theo đúng năng lực, nguyện vọng.
Thời gian tới, hội sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị nhằm tìm việc làm phù hợp cho những người khiếm thị. Ngoài ra, chúng tôi luôn mong muốn những sản phẩm của người mù sẽ được cộng đồng quan tâm, hỗ trợ thu mua, sử dụng.