Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình sẽ ăn ngon, ngủ kỹ để phát triển khỏe mạnh, thông minh. Tuy nhiên trong quá trình nuôi con, cha mẹ sẽ nhận ra rằng có những thời điểm bé rất biếng ăn, từ chối những món ăn mà người lớn nấu hoặc ăn rất ít so với trước đó. Khi con gặp tình huống như vậy, nhiều cha mẹ phát hoảng tìm mọi cách để con ăn nhiều, ăn ngon trở lại mà không biết rằng chính những hành động đó lại khiến bé càng biếng ăn hơn.
Cùng điểm qua một vài nguyên nhân từ phía cha mẹ khiến con biếng ăn hơn.
1. Ép con ăn
Việc cha mẹ thấy con ăn ít hơn nên ra sức thúc ép trẻ ăn dễ khiến trẻ sợ ăn, nảy sinh tâm lý chán ăn. Mẹ nên nhớ rằng người lớn cũng có bữa ăn nhiều ăn ít và trẻ em cũng vậy. Do đó nếu con đã không muốn ăn thì mẹ cũng đừng nên quá gượng ép con ăn thêm. Hãy tôn trọng trẻ khi con muốn dừng bữa ăn để không khiến trẻ có tâm lý sợ hãi, ăn trong ép buộc hay nước mắt.
2. Cho con ăn vặt vô tội vạ
Vì thương con biếng ăn, còi cọc nên bất cứ lúc nào con muốn ăn gì là mẹ lại lập tức chiều ý, thôi thì con cứ ăn là được, ăn gì cũng được. Những bữa phụ xuất hiện từ đây, mọi lúc mọi nơi với những món khoái khẩu của bé, nào bim bim, bánh kẹo, thức ăn nhanh… Chính những “thủ phạm” này khiến bé ngang dạ, đến bữa chính lại ngồi trước bàn ăn với vẻ mặt đầy chán nản, cơm mẹ nấu biết ăn thế nào khi bụng vẫn còn no?
3. Dụ trẻ ăn bằng tivi, điện thoại
Một vài gia đình cho phép con cái bật ti vi hoặc chơi đồ chơi khi ăn để các con được vui. Hơn thế, có những người mẹ bế con đi rông khắp xóm với bát cháo trên tay. Điều này không tốt cho trẻ vì khiến trẻ không tập trung vào việc ăn hay quên cảm giác thèm ăn. Lâu dần việc này có thể gây ra sự biếng ăn ở trẻ.
4. Ăn trong không khí căng thẳng
Một vài cha mẹ không kiên nhẫn khi cho trẻ ăn nên đôi khi sẽ quát tháo mỗi lúc trẻ không muốn ăn hay ăn chậm. Điều này có thể khiến trẻ sợ hãi, sinh ra biếng ăn.
Không như người lớn, cảm giác đói ở trẻ nhỏ thường không rõ ràng. Do đó, bạn không nên thúc ép trẻ ăn khi trẻ chưa thực sự đói. Ngoài ra, bạn không nên cho trẻ ăn riêng một mình hãy cho trẻ ăn cùng bữa ăn của gia đình. Điều này giúp trẻ ăn ngon miệng, không cảm thấy đơn độc khi ăn.