Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tặng hoa tiễn đoàn cán bộ y tế Hà Tĩnh lên đường chi viện cho tỉnh Bình Dương vào ngày 26/7/2021.
Chưa kịp nghỉ ngơi sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bác sỹ Nguyễn Văn Đường (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) đã phải cùng các đồng nghiệp đi lấy mẫu xét nghiệm.
Kể từ ngày lên đường vào miền Nam chống dịch, bác sĩ Đường gần như không có thời gian cho những mối bận tâm cá nhân như hôm nay là ngày thứ mấy trong viện, thậm chí bữa nay sẽ ăn gì. Trong guồng suy nghĩ của anh, điều thường trực và quan trọng nhất là có bao nhiêu bệnh nhân được xuất viện, thêm bao nhiêu người nhập viện, người trở nặng trong ngày…
Các bác sỹ Hà Tĩnh tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Bình Dương
"Lúc ở nhà, tôi đã xác định tình hình dịch bệnh rất phức tạp, nhưng vào đây mới thấy hết sự nguy hiểm, khốc liệt của nó. Hiện tại, Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế TP Dĩ An mà tôi đang làm nhiệm vụ được xem là nơi áp lực và cam go nhất bởi các giường bệnh hầu như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, 100% bệnh nhân đều phải thở máy, nhiều người bệnh phải can thiệp lọc máu, tình trạng sức khỏe liên tục diễn biến xấu.
Vì bệnh nhân COVID-19 không được phép có người thân ở cạnh chăm sóc nên ngoài khám, chữa bệnh thì các y, bác sỹ ở đây còn giúp đỡ bệnh nhân vệ sinh cá nhân, động viên tinh thần người bệnh nên công việc càng thêm phần vất vả. Chúng tôi luôn động viên nhau nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cập nhật diễn biến sức khỏe của người bệnh để cùng hội chẩn nhằm tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất” - bác sỹ Đường cho biết thêm.
Công việc của các y, bác sỹ Hà Tĩnh tại Bình Dương thường xuyên phải tiếp xúc với các ca nhiễm COVID-19 vừa và nặng
Với điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Thùy Lê (Bệnh viện đa khoa TX Kỳ Anh), những ngày đầu, cô khá hồi hộp, lo lắng vì chưa từng điều trị cho bệnh nhi mắc COVID-19. Song, nhờ sự giúp đỡ tận tình của các anh chị em đồng nghiệp, cô cứng rắn hơn và quen dần với công việc của mình.
Gần 14 ngày trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nặng, nữ điều dưỡng phải làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt, trang phục bảo hộ lúc nào cũng đẫm mồ hôi.
Thùy Lê tâm sự: "Công việc chia 2 ca, 12 tiếng liền trong bộ đồ bảo hộ cấp 3, mồ hôi ướt sũng, khát nước, nhiều lúc cũng khó thở và mệt, nhưng khi nhìn thấy sự sống bệnh nhân phụ thuộc hết vào mình nên em tự nhủ phải cố gắng…”
Khoác đồ bảo hộ kín mít, các bác sỹ phải ghi tên sau lưng để phân biệt
Với các y, bác sỹ đang thực hiện việc khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19, được ăn đủ bữa, ngủ đúng giờ đã là một điều khó khăn. Đôi khi, mệt đến mức không thể nuốt trôi phần cơm đã nguội lạnh nhưng vẫn phải gắng ăn để có sức tiếp tục chiến đấu với đại dịch.
“Nhiều lúc em nhớ nhà, thèm bữa cơm gia đình. Những lời động viên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp giúp em thoải mái hơn, giữ tinh thần lạc quan để thực hiện tốt nhiệm vụ” - Thùy Lê chia sẻ thêm.
Trên những tờ giấy điều động công tác của 31 “chiến sỹ áo trắng” Hà Tĩnh tham gia chống dịch tại Bình Dương đều bỏ trống thông tin ngày về bởi ngày lên đường, họ đã mang theo quyết tâm: “Bao giờ nơi đây hết dịch thì mới trở về...”. Đó không chỉ xuất phát từ tấm lòng, y đức của người thầy thuốc mà còn là nhiệm vụ cao cả cùng chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh sẻ chia với các địa phương trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng đội ngũ cán bộ y tế Hà Tĩnh chi viện Bình Dương vẫn lạc quan, tràn đầy quyết tâm chống dịch.
Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn cán bộ y tế Hà Tĩnh hỗ trợ tỉnh Bình Dương cho biết: "Sau khi vào đến Bình Dương, 27 y, bác sỹ (gồm 10 bác sỹ, 17 điều dưỡng) đã thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bình Dương và Ký túc xá Làng Đại học - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 3 kỹ thuật viên làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các huyện của Bình Dương.
Các y, bác sỹ đã trải qua gần 2 tuần làm việc trong điều kiện môi trường liên quan đến các bệnh nhân COVID-19 thể nặng, thể dương tính không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Làm việc trực tiếp với bệnh nhân dương tính, nguy cơ lây nhiễm rất cao, chúng tôi tự bảo ban nhau dự phòng tốt, tránh để lây nhiễm bệnh và quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Vất vả và gian truân còn nhiều ở chặng đường phía trước nhưng đoàn công tác sẽ quyết tâm hoàn thành trọng trách cán bộ, người dân Hà Tĩnh giao phó".