Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt chủ trì buổi giám sát chuyên đề “việc thực hiện các chế độ, chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2018”.
Thực hiện các chế độ, chính sách trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2018, quy mô trường lớp ở Hà Tĩnh ngày càng được củng cố theo hướng tinh gọn, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Việc tuyên truyền các chính sách, các nghị quyết ở trường học chưa nhiều; hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị cho giáo viên chưa được quan tâm đúng mức.
Với tổng kinh phí gần 1.900 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2018, các chế độ chính sách của trung ương, địa phương về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; học sinh mầm non, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số .... được thực hiện tốt.
Đại biểu Đoàn Đình Anh: Báo cáo còn hạn chế khi chưa đánh giá được chính sách cho giáo dục ngoài công lập, đặc biệt chế độ lương cho cán bộ giáo viên
Các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng theo quy định được triển khai kịp thời. Giai đoạn 2016- 2018, toàn tỉnh có 11.858 học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề trình độ trung cấp được hỗ trợ 100% học phí theo quy định.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế trong công tác thực hiện các chế độ, chính sách trên lĩnh vực GD&ĐT.
Đó là nhiều chế độ chính sách còn chậm thực hiện, thậm chí chưa triển khai như: Việc hỗ trợ chế độ cho giáo viên đào tạo nghề độc hại; dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; chính sách nội trú ở các trường nghề, khởi nghiệp cho sinh viên....
Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga: Nhiều chế độ chính sách còn chậm thực hiện, thậm chí chưa triển khai
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên và không thực hiện trên diện rộng; việc xác định đối tượng học sinh xa nhà được hưởng chính sách chưa chính xác; triển khai chuyển xếp lương cho giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP chậm.
Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa được triển khai đồng bộ và triệt để; việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người học nghề, thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nghề nghiệp còn hạn chế...
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền đánh giá cao việc tham mưu thực hiện các chế độ chính sách của ngành GD&ĐT và LĐ- TB&XH.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để thực hiện chính sách một cách đầy đủ, toàn diện hơn, ngoài việc phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan, 2 ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu kỹ các chính sách để có những kiến nghị, bổ sung, sửa đổi hợp lý.