Nhiều sai sót khó hiểu trong dự án nâng cấp vùng ngập úng Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Dự án nâng cấp, sửa chữa vùng ngập úng huyện Lộc Hà do Ban Quản lý Các dự án ODA ngành NN&PTNT Hà Tĩnh (Ban ODA) làm chủ đầu tư đang rất chậm tiến độ và dường như không thể triển khai thi công trong thời điểm hiện nay. Điều này, xuất phát từ một số sai sót khó hiểu từ chủ đầu tư.

nhieu sai sot kho hieu trong du an nang cap vung ngap ung loc ha

Tuyến đường qua thôn Tân Thượng (Tân Lộc) nền địa chất yếu nên nhiều đoạn đơn vị thi công phải múc phong hóa 1,5-2m, trong khi hồ sơ thiết kế chỉ yêu cầu 20-50 cm.

Tiến độ “rùa bò”...

Dự án nâng cấp, sửa chữa vùng ngập úng huyện Lộc Hà có tổng kinh phí xây lắp trên 50 tỷ đồng, được triển khai chủ yếu trên địa bàn xã Tân Lộc và một đoạn đường ngắn trên xã Bình Lộc (Lộc Hà).

Dự án gồm các hạng mục chính: Nâng cấp đập chính và đập phụ Khe Hao với tổng chiều dài 1.245m, 2 tuyến đường cấp IV có tổng chiều dài 7,4 km, 7 km kênh tưới và 3,3 km kênh tiêu.

Công trình do Ban Quản lý Các dự án ODA ngành NN&PTNT làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Á Châu (TP Hà Tĩnh) tư vấn thiết kế, liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm và Công ty TNHH Mạnh Linh (Ninh Bình) trúng thầu thi công.

Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 16 tháng kể từ tháng 11/2016. Ngay sau khi trúng thầu, đơn vị thi công đã huy động máy móc, nhân lực vào chân công trình, sẵn sàng thực hiện hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên cách đây 2 tháng, công trình mới bắt đầu triển khai xây dựng. Hơn 2/3 thời gian thi công theo quy định của hợp đồng đã trôi qua nhưng công trình vẫn ngổn ngang. Theo ước lượng, đập chính hồ Khe Hao là hạng mục có tiến độ tốt nhất với khối lượng đào đắp đạt hơn 50%; các tuyến đường có khối lượng đắp đất nền đạt khoảng 20%; hệ thống kênh mương thì gần như chưa “đụng” tới...

Dù biết chậm nhưng việc đẩy nhanh tiến độ được xem là bất khả thi, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Cả 5 lần có mặt tại chân các công trình, thì chỉ một lần chúng tôi được chứng kiến 1 máy lu làm việc tại thân đập chính, còn lại là không khí yên ắng bao trùm.

Tìm đến “đại bản doanh”, nhiều máy xúc, máy đào “đắp chiếu” trong khuôn viên một trường học cũ và có những dấu hiệu cho thấy đã nhiều ngày không hoạt động. Điều này được đơn vị thi công lý giải: Do ảnh hưởng của các đợt mưa nên mặt nền công trình bị ẩm ướt, không thể lu lèn hay đào đắp. Và tiến độ triển khai xây dựng các công trình này trong thời gian tới cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết!?

Lựa chọn mỏ đất đã... đóng cửa!

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng - người được liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm và Công ty TNHH Mạnh Linh giao trực tiếp quản lý công trình này khẳng định, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ không phải do đơn vị thi công mà do không có đất đắp.

“Ngay khi trúng thầu, chúng tôi đến mỏ đất được chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát và yêu cầu lấy ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà). Đến đây mới biết là mỏ đã đóng cửa hết thời hạn. Điều này buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh dự toán và làm các thủ tục khác để lấy đất trong vùng hồ Khe Hao ngay tại xã Tân Lộc. Do công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan chậm nên đến nay mới được một phần khối lượng ít ỏi”, ông Dũng lý giải.

nhieu sai sot kho hieu trong du an nang cap vung ngap ung loc ha

Xác định sai mỏ đất khiến công trình phải thi công hạng mục chính trong mùa mưa nên trên thân đập đang thi công dang dở không một bóng người, không máy móc hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đăng Cương - Phó trưởng phòng Kỹ thuật Ban quản lý các dự án ODA ngành NN&PTNT (Ban ODA) - người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý công trình này đã thừa nhận một phần trách nhiệm trong việc để xẩy ra sai sót, khi trúng thầu rồi mới biết mỏ vật liệu đã hết hạn.

Tuy nhiên, theo ông Cương thì trách nhiệm chính của vấn đề này thuộc về đơn vị tư vấn thiết kế vì họ đã không làm tròn trách nhiệm của mình khi được chủ đầu tư thuê; không cập nhật tình hình, chú ý thời gian cấp phép của mỏ vật liệu dẫn đến những sai sót không đáng có như trên. Và chính vì phải điều chỉnh mỏ vật liệu nên tiến độ công trình mới bị gián đoạn nhiều tháng trời...

Ngoài tư vấn mỏ đất đã đóng cửa, khi làm việc với đơn vị thi công, chúng tôi cũng đã phát hiện ra sự bất cẩn, thiếu chính xác trong thiết kế với thực tế thi công. Theo đó, trong thiết kế, đơn vị tư vấn đã khảo sát và yêu cầu chỉ bóc phong hóa từ 20-50 cm khi xây dựng 2 tuyến đường trong dự án. Thế nhưng, thực tế thi công, hàng chục đoạn có chiều dài từ 2 đến hàng chục mét, nhà thầu phải bóc phong hóa từ 1,5-2m.

Ông Dũng thông tin thêm: “Đây là vùng trũng, lớp bùn đất tích tụ nhiều, nền địa chất yếu nên khi bóc phong hóa để làm nền đường phải thực hiện với khối lượng lớn hơn trong thiết kế rất nhiều. Dù bị thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhưng chúng tôi vẫn phải làm vì người dân giám sát thường xuyên và có làm như vậy thì công trình mới đảm bảo chất lượng...”.

Trưởng ban Quản lý Các dự án ODA ngành NN&PTNT Nguyễn Văn Dương thoái thác: “Không ai có lỗi trong việc này cả vì nếu muốn chính xác thì phải khoan thăm dò địa chất với khoảng cách 300m một hố nhưng do như thế sẽ gây tốn nhiều tiền nên phải thuê khoan 500-1.000m một hố. Vì vậy, nếu xẩy ra sai sót ít thì nhà thầu phải chịu, nhiều thì các bên có liên quan đến hiện trường lập biên bản để bổ sung khối lượng phát sinh”. (Hiện, đơn vị thị công đang chịu hoàn toàn thiệt hại do phát sinh này - PV).

Qua một số sai sót khó hiểu của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã làm chậm tiến độ công trình, thậm chí làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình trị giá nhiều tỷ đồng. Việc làm này liệu có cần thiết, tiết kiệm như thế liệu có đáng?

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.