Toàn tỉnh có 47 trang trại quy mô lớn thuộc diện phải thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Điều 55 của Luật Chăn nuôi 2028 và Điều 23, 24, Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Chăn nuôi quy định, trang trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 300 vật nuôi trở lên) phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Với quy mô 1.200 con lợn nái, hằng năm, HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Sơn Lộc, Can Lộc) xuất bán hàng chục nghìn con lợn giống, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Vì thế, vào năm 2021, HTX đã tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, các yêu cầu kỹ thuật để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn theo quy định, góp phần củng cố hoạt động chăn nuôi an toàn, bền vững của HTX.
Công ty Chăn nuôi Mitraco đã hoàn thiện các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với các trang trại vệ tinh của công ty.
Ông Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc cho biết: “Theo quy định, tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi nên chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Cái khó của HTX khi tiến hành thủ tục này là vị trí xây dựng trang trại phải điều chỉnh phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương; tổ chức lại các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật… nên việc thực hiện khá tốn thời gian, công sức mới đạt được”.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi là một trong những loại thủ tục quan trọng, bắt buộc nhằm đảm bảo cho sản xuất của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng trang trại quy mô lớn tại Hà Tĩnh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đang rất hạn chế.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, toàn tỉnh có 47 trang trại quy mô lớn thuộc diện phải thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi nhưng chỉ mới có 12 trang trại được cấp.
- Chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện sau đây để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi: + Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển ngành chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 53 của Luật Chăn nuôi. + Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi. + Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. + Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi. + Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi. + Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại. - Sở NN&PTNT tỉnh thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại địa phương. Trường hợp cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, Sở NN&PTNT nơi tổ chức, cá nhân đăng ký thủ tục đầu tư thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn. - Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn gồm: + Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP + Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 02.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP |
Theo ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân), HTX đang chăn nuôi khoảng 3.000 con lợn và 2 vạn con gà thương phẩm. Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi cần thực hiện nhiều thủ tục, hồ sơ, báo cáo đi kèm, nhất là liên quan đến vấn đề tác động môi trường, hồ sơ ghi chép quá trình chăn nuôi; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi. HTX cũng cần sự đồng hành thêm của cơ quan quản lý để được hướng dẫn cụ thể hơn, đảm bảo hồ sơ phù hợp với yêu cầu của luật.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức lớp tập huấn triển khai quy định về quản lý chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh và tập huấn công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm.
Tại buổi tập huấn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh phổ biến các quy định về quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Đặng Thị Ngọc cho biết: “Để hoàn thành được các khâu kiểm tra để thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi cần có sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn và chủ trang trại, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá thì nhiều công ty, doanh nghiệp chăn nuôi chưa tạo điều kiện để làm việc. Trong khi đó, có rất nhiều hạng mục cần xem xét như: ghi chép thông tin hằng ngày về thức ăn, con giống, vắc-xin… Điều này vô hình trung đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi”.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hoàng Thị Ngọc Diệp cho biết: “Điều 26, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động chăn nuôi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít cơ sở chăn nuôi quy mô lớn vẫn thờ ơ, không quan tâm nhiều đến việc hoàn thành thủ tục quan trọng này.
Cùng với đó, chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn cấp cơ sở chưa thực sự sâu sát trong hướng dẫn, đốc thúc nên các doanh nghiệp còn lúng túng, gặp khó khăn khi làm các loại hồ sơ. Đặc biệt, đối với các trang trại cho thuê, nuôi gia công thì chủ trang trại và phía công ty chăn nuôi chưa phối hợp cao để đoàn công tác của cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá các quy trình theo quy định”.
Trang trại bò sữa Vinamilk Hà Tĩnh (xã Sơn Lễ, Hương Sơn) đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Được biết, hiện nay, dưới sự đôn đốc của phía cơ quan quản lý, một số cơ sở chăn nuôi đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Thời gian tới, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi cùng các văn bản liên quan; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trang trại đảm bảo các điều kiện chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Trong đó, yêu cầu 35/47 cơ sở quy mô lớn còn lại thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi; tiến hành xử phạt nếu cơ sở cố tình không thực hiện các yêu cầu theo quy định của pháp luật.