“Những buổi ngày xưa vọng nói về”

(Baohatinh.vn) - Tháng Bảy, suốt 75 năm qua đã trở thành tháng tri ân của cả dân tộc Việt Nam. Vào những ngày tháng Bảy, trong tâm khảm bao người lại thầm thì: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” (*), để rồi trong lòng người lại thôi thúc những nghĩa cử ấm áp và chan chứa nghĩa tình, thôi thúc những khát vọng dựng xây đất nước…

Thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) nhằm tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022), 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (1947-2022). Ảnh VnExpress

Khi tôi chưa sinh ra, nước nhà đã trải qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Khi tôi chưa sinh ra, ở nước ta đã có ngày truyền thống Thương binh - Liệt sỹ. Khi tôi sinh ra, các bậc cha chú của mình đã may mắn trở về an toàn từ các chiến trường ác liệt… nhưng, với không ít người, họ không có được may mắn đó.

Và, cứ thế, mỗi tháng Bảy trở về, sợi dây vô hình của nghĩa đồng bào cứ nối buộc cảm xúc, suy nghĩ của tôi với những trang sử hào hùng của dân tộc, nối buộc tôi với những nghĩa cử tri ân anh hùng, liệt sỹ, tri ân người có công của cả dân tộc...

Có lẽ, rất nhiều người thuộc thế hệ 7X, 8X và các thế hệ sau nữa cũng sẽ nghe “những buổi ngày xưa vọng nói về” giống như tôi vào những ngày tháng Bảy…

Trên muôn nẻo đường tác nghiệp, tôi đã có nhiều cơ hội được đi trên những con đường, qua nhiều vùng đất mà sứ mệnh lịch sử của nó mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt. Đó là đường 15 qua Ngã ba Đồng Lộc quê tôi - nơi mà mỗi tấc đất, phiến đá đã từng ám mùi bom đạn, nơi các lực lượng TNXP, bộ đội, công nhân giao thông, lái xe... đã cùng viết nên huyền thoại anh hùng. Trong đó, câu chuyện về 10 nữ anh hùng TNXP Đồng Lộc, về cô gái mở đường La Thị Tám, về những anh hùng Uông Xuân Lý, Võ Triều Chung… mãi mãi là khúc tráng ca bất tử.

Ngã ba Đồng Lộc - nơi ghi dấu những huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh Đình Nhất

Đó là đường 20 Quyết Thắng và di tích lịch sử Hang Tám cô (Quảng Bình) với những người con anh dũng bất khuất. Đó là đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến tàu không số huyền thoại và những người anh hùng đã hòa mình vào biển cả trong quá trình vận chuyển tiếp tế nhân lực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam...

Đường 20 Quyết Thắng - một trong những tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí từ hậu phương ra tiền tuyến, là con đường thắm máu và hoa trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh Internet

Tôi cũng từng đến thăm những khu di tích còn lưu đậm tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, lưu dấu sự ác liệt của chiến tranh như: Ngục Kon Tum (Kon Tum), Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), các nghĩa trang liệt sỹ ở khắp các tỉnh, thành Việt Nam...; từng chứng kiến những hoạt động đón hài cốt liệt sỹ được quy tập từ những miền rừng xanh thẳm ở nước bạn Lào…

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ quê Hà Tĩnh ở Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị) năm 2021. Ảnh Giang Nam

Mỗi lần đến những nơi đó, tôi vẫn luôn tự hỏi: có ở nơi đâu trên thế giới như ở đất nước mình, khi tỉnh nào cũng có nghĩa trang để tưởng niệm, tri ân liệt sỹ? Đi qua 2 cuộc chiến tranh, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trong đó, gần 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính; 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày…; cả nước có hơn 4 triệu dân thường bị chết, bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại…

Sự hy sinh ấy đã viết nên những bài ca không quên, những bài ca bất tử về lòng yêu nước, thương nòi, trở thành bài học lịch sử sâu sắc trong quá trình kiến thiết đất nước…

Lãnh đạo huyện Hương Sơn thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thanh (SN 1928), ở thôn Đức Thịnh, xã An Hoà Thịnh nhân kỷ nệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Ảnh Hoài Nam

Tôi cũng đã có nhiều dịp đến thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thăm những trại điều dưỡng thương bệnh binh, trò chuyện cùng những cựu chiến binh trở về từ nhà tù Phú Quốc, trở về từ những chiến trường ác liệt ở Việt Nam cũng như ở nước bạn Lào, Campuchia; thăm những nạn nhân chất độc dioxin… Hòa bình, tất cả họ đều đã hòa nhập vào đời sống mới, chấp nhận những mất mát, thiệt thòi sau chiến tranh… Thế nhưng, mỗi độ tháng Bảy trở về, những vết thương lòng vẫn không thôi nhưng nhức…

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức toàn dân tích cực tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Tri ân công lao của những anh hùng, liệt sỹ, các thương bệnh binh và bao người đã dâng hiến tuổi xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức, triển khai. Trên dặm dài đất nước, đã có gần 10.000 công trình tri ân, ghi công liệt sỹ được dựng lên. Mỗi ngày, trên những triền rừng nào đó của đất nước và nước bạn Lào, những cán bộ, chiến sỹ vẫn lặng lẽ kiếm tìm, quy tập hài cốt các liệt sỹ để đưa các anh về yên nghỉ trong lòng đất mẹ…

Hà Tĩnh tổ chức trọng thể lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Ngày 27/7 đã trở thành ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, tri ân công lao giữ nước của cha anh, tri ân và cảm tạ tấm lòng của các thân nhân, chia sẻ nỗi đau với những nạn nhân của cuộc chiến tranh...

Bởi thế nên mỗi tháng Bảy về, có ngàn vạn ngọn nến tri ân được thắp sáng, hòa cùng khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang; có hàng nghìn hoa đăng thả xuống những dòng sông để tưởng nhớ những linh hồn bất diệt; có hàng trăm, hàng triệu chuyến đi về các địa chỉ đỏ và bao nhiêu hoạt động tặng quà chia sẻ với thân nhân, nạn nhân chiến tranh.

Mỗi tháng Bảy trở về, những nốt nhạc, vần thơ lại cùng nhau tấu lên khúc tráng ca hào sảng về những hy sinh lẫm liệt trong chiến tranh, về những nỗi niềm lặng lẽ giữa thời bình… Chẳng ai đếm được có bao nhiêu bữa cơm đầm ấm mà tuổi trẻ tổ chức để động viên, an ủi tinh thần những người sống cô đơn sau chiến tranh; chẳng ai đếm được bao nhiêu giọt nước mắt đã lặng lẽ rơi xuống, bao nhiêu nụ cười đã nở trên môi những người ở lại… Chỉ biết rằng, đạo lý của dân tộc đã được gìn giữ và tiếp nối trong mạch nguồn phát triển của đất nước.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ là hoạt động thường niên của tuổi trẻ Hà Tĩnh mỗi độ tháng Bảy về. Ảnh Đình Nhất, tháng 7/2021.

Đó chính là sự lan tỏa ý nghĩa của những cuộc chiến tranh vệ quốc để nhắc nhở các thế hệ cháu con biết trân trọng và giữ gìn mỗi tấc đất, tấc biển, vùng trời mà cha ông đã dựng xây và bảo vệ.

Thế hệ hôm nay không chỉ tri ân cha ông bằng những công trình tưởng nhớ hay những ngôi nhà tình nghĩa, những gói quà, những lời nói động viên... mà lớn lao hơn ở ý chí, khát vọng dựng xây đất nước mạnh giàu, ở những nỗ lực học tập, lao động để kiến thiết nước nhà, đưa đất nước tự tin sánh vai cùng các cường quốc năm châu…

Tháng Bảy, trong sự đồng vọng của những nghĩa cử tri ân, bao mất mát của thế hệ cha anh đang được lấp đầy, bao khát vọng của thế hệ cha ông đang được thôi thúc viết tiếp bằng những sự hy sinh, cống hiến mới…

(*) Thơ Nguyễn Đình Thi

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói