Những “đầu kéo” trong bức tranh phát triển kinh tế ở Lộc Hà

(Baohatinh.vn) - Các mô hình kinh tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã giúp hình thành những “đầu kéo” quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn ở Lộc Hà (Hà Tĩnh).

Những tín hiệu vui từ trồng trọt

Những ngày này, gia đình chị Lê Thị Hoa ở thôn Đông Vĩnh (xã Mai Phụ) đang tất bật chăm sóc vườn dưa lưới vào độ thu hoạch.

Đây là lứa dưa chị Hoa đã chủ động xuống giống để có sản phẩm bán trong dịp rằm tháng Bảy. Dự kiến khoảng 3 - 4 ngày nữa, chị sẽ bắt đầu cắt bán với giá hơn 40 nghìn đồng/kg, mang về nguồn thu khoảng 20 triệu đồng.

DSC_8555.JPG
Mô hình cải tạo vườn tạp trồng dưa lưới của chị Lê Thị Hoa ở xã Mai Phụ.

Chị Hoa cho biết: “Cách đây 4 năm, tôi được xã vận động làm nhà màng trồng dưa và các loại rau quả trong khu vườn tạp. Được hỗ trợ tiền (45 triệu đồng), giúp đỡ về kỹ thuật nên tôi đã làm nhà màng rộng 500 m2 với mức chi phí gần 200 triệu đồng. Từ đó đến nay, chúng tôi sản xuất khá hiệu quả với mức thu nhập từ nhà màng khoảng 40 - 45 triệu đồng/năm, được nhiều người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng”.

Ở Lộc Hà hiện đang có nhiều mô hình hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt, trong số này có thể kể đến: các mô hình trồng dưa trong nhà lưới ở Thạch Châu, Hồng Lộc, Mai Phụ; trồng dưa hấu hữu cơ ở Thịnh Lộc; sản xuất lúa hữu cơ ở Hồng Lộc và Ích Hậu; trồng cây ăn quả vùng vườn đồi ở Hồng Lộc; các vùng chuyên canh lạc và rau ở các xã ven biển...

DSC_6331 - Copy.JPG
Mô hình trồng dưa hấu hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm của nông dân thôn Nam Sơn (Thịnh Lộc).

Những mô hình kinh tế, liên kết trong lĩnh vực trồng trọt ở Lộc Hà hiện cũng đang được xem là “điểm nhấn” trong bức tranh canh tác, là nơi học tập và trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng cách làm hay ra đại trà. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, sản lượng canh tác, duy trì diện tích sản xuất hàng năm hơn 8.000 ha, đưa nhiều bộ giống mới vào đồng ruộng, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của Lộc Hà đạt 96 triệu đồng/ha/năm...

Dấu ấn của các mô hình chăn nuôi

Tròn 10 năm ông Nguyễn Đình Hiến – Giám đốc HTX Chăn nuôi Tài Lực (xã Bình An) thuê đất vùng đồi hoang làm trang trại chăn nuôi gà liên kết. Nhờ mạnh dạn đầu tư, nuôi theo hình thức hiện đại, bảo vệ dịch bệnh tốt, được bao tiêu sản phẩm nên 7 khu chuồng trại rộng hơn 3 ha luôn được thả nuôi từ 35 – 40 nghìn con/lứa.

IMG_5785 - Copy.JPG
Trại gà của HTX Chăn nuôi Tài Lực là điểm nhấn nổi bật trong bức tranh chăn nuôi gia cầm ở Lộc Hà.

Ông Hiến chia sẻ: “Tôi đã đầu tư 5 tỷ đồng để liên kết với Công ty Cổ phần Golden City (Nghệ An) nuôi 3 – 4 lứa gà thương phẩm/năm. Mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 200 – 220 tấn, doanh thu 10 – 13 tỷ đồng, lãi 1 – 1,4 tỷ đồng. Ngoài đảm bảo lợi nhuận, trại gà của chúng tôi còn cung cấp nguồn con giống chất lượng và hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm cho người dân trong vùng”.

Ở Lộc Hà còn có mô hình nuôi gà của Công ty CP Xây dựng số 1 (quy mô 49.000 con/lứa, doanh thu trên 15 tỷ/năm ở Hồng Lộc) và 12 mô hình khác nuôi từ 1.000 – 20 nghìn con/lứa.

Địa phương cũng có nhiều trang trại nuôi lợn doanh thu từ 6 - 15 tỷ đồng/năm như của ông Nguyễn Văn Sửu (2.400 con/lứa, tại Tân Lộc), HTX Tân Trường Sinh (2.400 con/lứa, tại xã Thạch Mỹ), HTX Thanh niên Thượng Phú (1.800 con/lứa, ở Hồng Lộc)... và hàng chục mô hình nuôi trâu bò từ 10 – 30 con.

DSC_1392 - Copy.JPG
Mô hình nuôi bò lai nhốt quy mô 10 - 25 con của anh Nguyễn Văn Chiến ở xã Thạch Mỹ.

Các mô hình chăn nuôi ở Lộc Hà đã góp phần tạo ra nhiều chuyển biến trong việc xóa bỏ chăn nuôi manh mún sang chăn nuôi hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Qua đó, giúp người chăn nuôi trên địa bàn Zêbu hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, ổn định và phát triển đàn vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất và duy trì đàn gia cầm gần 300 nghìn con, đàn lợn hơn 10 nghìn con, đàn trâu bò gần 10 nghìn con.

Tạo đột phá trong nuôi trồng mặn lợ

Từ năm 2015 đến nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao (rộng 10 ha) ở ven biển xã Thịnh Lộc của Công ty Sao Đại Dương được xem là hiệu quả nhất huyện Lộc Hà.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc Nguyễn Văn Thành thông tin: “Nhờ áp dụng công nghệ cao, có nhà ương giống, khu nuôi thâm canh, có hệ thống xử lý môi trường nên 31 hồ nuôi của mô hình này mỗi năm cho sản lượng khoảng 400 tấn, doanh thu 35 - 45 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương”.

DJI_0025 - Copy.JPG
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh là điểm nhấn trong bức tranh nông thôn Mai Phụ.

Hai mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao thuộc diện hiện đại nhất tỉnh của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Hồng Anh (10 ha) và Công ty Cổ phần Thủy sản Long Vân (20 ha) ở Mai Phụ cũng cho tín hiệu vui. Với tổng mức đầu tư khoảng 45 tỷ đồng trên vùng nuôi 30 ha, 2 mô hình đã mang đến diện mạo mới trong bức tranh nuôi trồng ở Lộc Hà. Qua đánh giá bước đầu cho thấy, các mô hình này đảm bảo an toàn dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tốt, năng suất cao hơn 46% so với mặt bằng chung.

Hiện ở Lộc Hà cũng có nhiều mô hình nuôi trồng khác cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm như: Mô hình nuôi ngao của HTX Nuôi trồng chế biến thuỷ hải sản Loan Hoan ở xã Thạch Châu (quy mô 43 ha, doanh thu 10 tỷ đồng/năm, thu hút 14 lao động); nuôi ngao của HTX Nuôi trồng thủy sản Hùng Thuận ở xã Mai Phụ (31ha, doanh thu 20 tỷ đồng/năm, thu hút 20 lao động); nuôi tôm của HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Vọoc của xã Hộ Độ (24 ha, doanh thu 16 tỷ đồng/năm, thu hút 42 lao động)...

IMG_6349 - Copy.JPG
Mô hình nuôi tôm thẻ trong nhà của HTX Tân Quý (xã Hộ Độ).

Các mô hình trong lĩnh vực nuôi trồng ở Lộc Hà đã góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi, khai thác tốt tiềm năng của 165 ao hồ vùng nuôi trồng mặn lợ và 165 ha nuôi nhuyễn thể vùng bãi bồi ven biển.

Ông Phan Bá Ninh – cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà thông tin: “Trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn, huyện Lộc Hà luôn chú trọng đến xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế trong lĩnh vực nông – ngư nghiệp. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 601 mô hình các loại, trong đó 134 mô hình lớn, 147 mô hình vừa và 321 mô hình nhỏ. Đây được xem là “đầu kéo” trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm, cải thiện tiêu chí thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Vẻ đẹp yên bình ở làng quê nông thôn mới Vũ Quang

Những tuyến đường bê tông rộng rãi, hai bên hàng rào xanh mướt xen lẫn những hàng bưởi đặc sản trĩu quả… là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tích cực ở thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh.
Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Vụ mùa "kém vui" của vùng dưa non Yên Lạc

Sản lượng thấp, trong khi giá bán chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, nhiều hộ dân trồng dưa non tại thôn Yên Lạc (xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ngán ngẩm vì mất mùa, "rớt" giá.
Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Vượt rào cản để “giữ sao”, nâng hạng sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân ở Hà Tĩnh xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng hạng các sản phẩm vẫn còn những khó khăn, thách thức.