Những người say mê phát huy văn hóa Hà Tĩnh qua từng cuốn sách

(Baohatinh.vn) - Miệt mài với việc biên soạn và xuất bản những cuốn sách giá trị, nhiều tác giả, đơn vị đã góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa, con người quê hương Hà Tĩnh.

Tại Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh tổ chức dịp tháng 3/2024 vừa qua, các đại biểu và du khách có dịp hiểu hơn về lịch sử hình thành Văn Miếu Hà Tĩnh cũng như lịch sử khoa cử thời phong kiến của vùng đất núi Hồng, sông La qua cuốn sách "Văn Miếu, Văn Thánh Hà Tĩnh" của Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh. Cuốn sách gồm 3 phần, dày hơn 200 trang đã thể hiện lịch sử hình thành, phát triển của Văn Miếu Hà Tĩnh và văn miếu, văn thánh các địa phương trong tỉnh cùng một số hình ảnh, tư liệu liên quan…

Ở lời giới thiệu cuốn sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu viết: “Có thể thấy, đây là công trình khảo cứu công phu, nghiêm túc đầy trách nhiệm và rất tâm huyết của Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh. Cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích để tìm hiểu về truyền thống lịch sử, giáo dục khoa cử, danh nhân văn hóa Hà Tĩnh, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa quê hương”.

a6.jpg
Cuốn sách "Văn Miếu, Văn Thánh Hà Tĩnh" của Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh đang công tác tại Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh với vai trò Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa. Dưới sự chủ trì của đơn vị chủ quản và bằng tâm huyết của mình trong nhiều năm nghiên cứu, khảo cứu, sưu tầm, điền dã…, ông đã biên soạn và xuất bản được 5 đầu sách in riêng và một số cuốn in chung cùng các tác giả khác.

Với hàng nghìn trang sách, các tác phẩm do Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh biên soạn tập trung vào chủ đề nghiên cứu lịch sử và văn hóa, con người Hà Tĩnh. Tiêu biểu như các cuốn: Giáo dục và khoa cử Nho học Hà Tĩnh (1075 – 1919), Nhà xuất bản (NXB) Nghệ An, ấn hành năm 2022; Dòng văn Trường Lưu - Văn chương một nhà, NXB Nghệ An, ấn hành năm 2022; Tìm trong di sản, NXB Đại học Vinh, năm 2023...

154d5203905t56750l0.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh).

Đầu năm 2024, ông cho ra đời 2 tác phẩm: Văn miếu, Văn thánh Hà Tĩnh; Bia Quan Thượng… Các cuốn sách đều được các nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín như: Nhà văn Đức Ban, Tiến sỹ Võ Hồng Hải… viết lời tựa, lời giới thiệu.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh cho biết: “Bên cạnh làm tốt vai trò quản lý công tác văn hóa, tôi mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé của mình trong việc nghiên cứu, lưu giữ bảo tồn các giá trị văn hóa quê hương thông qua việc biên soạn sách. Kế tục các thế hệ đi trước, đây là những công trình tâm huyết tôi đã tích lũy được hàng chục năm qua khi bước vào “địa hạt” của một người làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Tĩnh”.

Để lan tỏa những giá trị, đưa sách đến với công chúng, những cuốn sách do Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh biên soạn đã có mặt tại Thư viện quốc gia, Thư viện tỉnh, thư viện trường học và tủ sách của các nhà văn hóa cộng đồng, dòng họ trên toàn tỉnh cũng như được các nhà nghiên cứu tìm đọc.

Đặc biệt, trong chuyến công tác của lãnh đạo tỉnh tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 42 của Đại hội đồng UNESCO (tháng 11/2023), đoàn đại biểu Hà Tĩnh đã trao tặng Thư viện Dinan (Pháp) một số cuốn sách về văn hóa Hà Tĩnh, trong đó có cuốn “Dòng văn Trường Lưu - Văn chương một nhà” của Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh.

a3.jpg
Trong chuyến tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 42 của Đại hội đồng UNESCO tháng 11/2023 tại Pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cùng các thành viên trong đoàn đã trao tặng cho Thư viện Dinan một số cuốn sách về văn hóa Hà Tĩnh.

Từ năm 2016 đến nay, song song với công tác quản lý, các cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân) cũng đã tập trung cho việc biên soạn, xuất bản nhiều đầu sách quý nghiên cứu, dịch thuật, sưu tầm về Đại thi hào Nguyễn Du, Truyện Kiều và các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

Bà Trần Thị Vinh – Phó Trưởng ban phụ trách Khu di tích Nguyễn Du, đồng thời là một trong nhóm tác giả biên soạn sách cho biết: “Di sản văn hóa Đại thi hào Nguyễn Du, Truyện Kiều và các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền để lại vô cùng to lớn đối với dân tộc và nhân loại. Tuy nhiên, đến nay các công trình nghiên cứu liên quan, nhất là về dòng họ Nguyễn Tiên Điền vẫn còn rất ít.

Để góp phần làm sáng rõ thêm những đóng góp của Đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền với dân tộc, từ năm 2016, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, liên hệ mời nhiều nhà nghiên cứu, tác giả uy tín trong cả nước cùng tham gia nghiên cứu, biên soạn sách. Đến nay, Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du đã xuất bản được 10 đầu sách giá trị. Đây là những tư liệu quý giúp các nhà nghiên cứu, bạn đọc hiểu sâu hơn về cuộc đời sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, Truyện Kiều và các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền “.

a8.jpg
Bà Trần Thị Vinh – Phó Trưởng ban phụ trách Khu di tích Nguyễn Du.

Các tác phẩm Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du đã xuất bản gồm: Danh gia xứ Nghệ Đại Tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (NXB Nghệ An, 2016); “Minh quyên thi tập” của nhà thơ Nguyễn Hành (NXB Nghệ An, 2017), “Tiên Điền tế văn” (NXB Nghệ An, 2018); “Hoa Trình tiêu khiển tiền, hậu tập” của Nguyễn Nễ và cuốn “Quan Đông Hải” của Nguyễn Hành (NXB Nghệ An, 2019); Truyện Kiều nghiên cứu và dịch thuật (song ngữ Việt Trung, NXB Nghệ An, 2020); Thuật Hiên Công Nguyễn Khản - cuộc đời và thơ văn, Kim Vân Kiều tân tập” khắc in năm 1906 của Quan Văn Đường (NXB Nghệ An, 2021 ); “Hoa trình thi tập” của Nguyễn Gia Cát soạn, Nguyễn Du và Lê Lương Thận đồng hiệu duyệt (NXB Nghệ An, 2022) và “Di sản thơ văn các danh hiền họ Nguyễn Tiên Điền” (NXB Nghệ An, 2023).

a4.jpg
Bộ sách đồ sộ về Đại thi hào Nguyễn Du, Truyện Kiều và các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền do Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du tổ chức biên soạn, xuất bản trong thời gian qua.

10 cuốn sách với mỗi cuốn dày hàng nghìn trang là công trình nghiên cứu, biên soạn công phu được trình bày mạch lạc, thiết kế in ấn đẹp mắt đã được tặng cho các thư viện quốc gia và nhiều tỉnh, thành phố cả nước cũng như trong tỉnh.

Bên cạnh các đầu sách nghiên cứu còn có nhiều đầu sách văn học nghệ thuật được nhiều tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh hiện sống trên địa bàn tỉnh xuất bản. Trong đó, mỗi truyện ngắn, mỗi bài thơ, mỗi bài bút ký, tuỳ bút… đều chuyển tải những giá trị văn hóa của quê hương núi Hồng sông La. Tiêu biểu là những cuốn sách của các tác giả: Bùi Quang Thanh, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Lê Văn Vỵ, Đinh Quang Lân...

Nhà văn Trần Quỳnh Nga chia sẻ: “Từ năm 2012 đến nay, ngoài nhiều tập truyện in chung, tôi đã xuất bản 4 tập truyện ngắn, 1 tập truyện thiếu nhi song ngữ Việt - Anh... Tôi hy vọng, những truyện ngắn của tôi sẽ mang đến cho bạn đọc cả nước cái nhìn đa chiều, cụ thể hơn về tính cách con người Hà Tĩnh, về các nếp sinh hoạt ở các vùng quê Hà Tĩnh và cả những đổi thay từng ngày trên quê hương mình. Ngoài các tập truyện ngắn, tôi còn viết rất nhiều bài bút ký, tuỳ bút đăng ở các tờ báo lớn, các tạp chí chuyên ngành. Qua đó, mong muốn giới thiệu với bạn bè bốn phương thật nhiều nét văn hoá đặc trưng của Hà Tĩnh”.

a5.jpg
Nhà văn Trần Quỳnh Nga (hiện công tác tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh).

Với niềm say mê nghiên cứu, sáng tác, biên soạn, các tác giả, đơn vị ở Hà Tĩnh đã không ngừng cho ra đời nhiều cuốn sách có giá trị về văn hóa, văn chương nghệ thuật, bổ sung vào kho tàng tri thức cho các thư viện, phục vụ bạn đọc. Qua đó, góp phần nâng cao phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, biên soạn xuất bản sách là một trong những nhiệm vụ được Sở VH-TT&DL quan tâm thường xuyên. Bên cạnh đưa ra những mục tiêu cụ thể, chúng tôi luôn khuyến khích các tác giả là nhà nghiên cứu, nhà văn và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh tăng cường sáng tác, biên soạn xuất bản nhiều đầu sách có giá trị. Đặc biệt, bên cạnh đề tài lịch sử là những tác phẩm gắn với hơi thở đương đại, nhịp sống sôi động và khí thế phát triển hôm nay của Hà Tĩnh; qua đó lan tỏa những giá trị về bản sắc văn hóa, con người miền quê núi Hồng, sông La tới bạn đọc gần xa...

Ông Trần Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL

Chủ đề Hội nghị văn hóa Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống