Hãy học cách bảo vệ đôi tai cho trẻ. Ảnh minh họa
Véo tai trẻ khi giận dữ rất nguy hiểm
Theo bác sĩ Duy Anh (Bệnh viện E Hà Nội), đã có những người lớn mắc sai lầm khi dạy trẻ mắc lỗi bằng cách xách tai, véo tai, tát trúng vùng mang tai… để lại thương tổn cả thể chất và tinh thần, thậm chí gây hậu quả thương tâm. Đó là bởi vùng tai nối liền giữa não và tủy sống, có rất nhiều dây thần kinh đi qua (như thần kinh tai lớn, thần kinh chẩm nhỏ, thần kinh phế vị…) nên một cái véo tai, bạt tai, hay một tác động nhỏ vào tai cũng khiến trẻ đau đớn và chịu khuất phục ngay. Nhưng cách dạy trẻ như thế rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp, thở dốc, bị ngất. Da và thịt ở phần tai rất mỏng, nếu bị va đập mạnh có thể gây rách màng nhĩ, chảy máu trong tai, đau tai, ù tai, điếc tai… Đôi khi còn dẫn đến chóng mặt, buồn nôn, thậm chí là gãy xương thái dương, chảy dịch não tủy, gây hôn mê, co giật, chấn động não, nghiêm trọng là dẫn đến tử vong…
Dùng tăm bông ngoáy tai cũng điếc
Theo các chuyên gia y tế, tai có cơ chế tự làm sạch nên không cần phải ngoáy tai, lấy ráy tai hàng ngày cho trẻ. Việc lấy ráy tai bên ngoài không đau, nhưng nếu ráy tai nằm sâu bên trong lấy ra sẽ rất đau. Nhiều bà mẹ mỗi lần tắm lại dùng tăm bông ngoáy tai trẻ, hoặc lấy ráy tai hàng ngày cho sạch. Nếu người lớn tự ngoáy tai, lấy ráy tai thấy đau là dừng. Nhưng ngoáy tai, lấy ráy tai cho trẻ khó biết điểm dừng nên dễ gây xước, chấn thương ống tai, màng nhĩ, còn đưa thêm vi khuẩn vào tai trẻ. Lấy ráy tai thường xuyên còn đẩy mỗi lần một ít ráy tai vào sâu hơn trong tai, gây đau, sưng tấy, ảnh hưởng đến thính lực của trẻ. Chưa kể việc làm rụng lông tai sẽ ảnh hưởng chức năng tống chất bẩn ra ngoài cửa ống tai, dẫn tới trẻ bị viêm ống tai ngoài và hay có ráy tai hơn.
Những thói quen khác khiến trẻ sơ sinh dễ bị điếc
Các bác sĩ cho hay, thói quen chăm sóc, cử chỉ yêu thương trẻ nhỏ không đúng cách cũng ảnh hưởng đến thính lực của trẻ. Ví như cử chỉ cắn yêu, véo đôi má trắng hồng bụ bẫm cũng có thể gây tổn thương tai, thủng màng nhĩ rất non nớt của trẻ.
Việc cho trẻ nằm ngửa bú bình sữa cũng có thể làm trẻ bị sặc, hoặc sữa chảy vào tai, gây nhiễm trùng tai. Vì vậy, các mẹ cho con bú bình nên bế trẻ trên tay để trẻ tiêu hóa dễ và giảm nguy ảnh hưởng đến tai.
Việc để trẻ xì mũi sai cách cũng làm trẻ dễ bị ù tai, viêm tai giữa, điếc tai. Do vậy cần dạy trẻ khi xì mũi cần bịt từng bên lỗ mũi một, để lỗ còn lại thông thoáng cho dịch nhầy chảy ra, tuyệt đối không được bịt cả hai bên lỗ mũi vì dễ bị ảnh hưởng đến tai.
Nhiều trẻ sau khi xỏ lỗ tai đã dùng tăm, chỉ khâu, cuống chiếu xiên lỗ tai; Hoặc dùng cồn, ôxy già, kem đánh răng, dầu gió, chất tẩy mạnh để vệ sinh tai… khiến lỗ xỏ bị khô, nứt nẻ rất đau đớn. Các bác sĩ khuyên, sau khi xỏ lỗ tai hàng ngày nên rửa bằng nước muối sinh lý, dùng bông sạch lau và để vết thương tự lành, tránh biến chứng. Khi lỗ tai lành hẳn mới đeo khuyên tai, không đeo sớm vì dễ nhiễm trùng. Nếu lỗ tai sưng tấy vùng xỏ, mưng mủ, đau nhức, chảy máu kéo dài, dịch tiết có mùi hôi, sốt… là đã bị nhiễm trùng, cần đến các cơ sở y tế để điều trị sớm.
Nhiều người điếc vì headphone, Smartphone
Khi dùng Smartphone (điện thoại thông minh), headphone (tai nghe) nhiều dễ bị suy giảm thính lực, đặc biệt trẻ ở độ tuổi đi học không ý thức được âm lượng nên dễ dẫn tới nguy cơ cao bị điếc.
Theo BS Nguyễn Tuấn Như (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Ðồng 1, TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhi suy giảm thính lực độ tuổi từ 5-15 do “nghiện” nghe nhạc bằng headphone. Hầu hết do giáo viên phát hiện (vì trẻ học hành sa sút, viết chậm, sai lỗi chính tả khi giáo viên đọc bài cho chép, hay hỏi lại và phải lớn tiếng mới nghe được...) và báo cho phụ huynh đưa con đi khám. Hầu hết trẻ có chung thói quen mê chơi game, nghe nhạc qua headphone… May mắn là phát hiện sớm nên thính lực của trẻ mới tổn thương mức nhẹ, dùng thuốc hỗ trợ phục hồi và bảo tồn tế bào thần kinh trong tai nên bệnh không tiến triển nặng.
Theo bác sĩ Duy Anh, các chuyên gia thính học đã cảnh báo về tiện ích nhiều mặt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, khiến nhiều nguy cơ về sức khỏe đôi tai. Trẻ nhỏ đeo headphone không ý thức được âm lượng phù hợp, hay để âm thanh lớn hơn tiếng động bên ngoài-là mối đe dọa tiềm ẩn cho thính lực. Việc đeo headphone (nghe nhạc, chơi game...) để tránh làm phiền người khác, nhưng rất có hại về sau, bởi trong tai có khoảng 16.000 tế bào lông để nhận - truyền tín hiệu âm thanh vào não. Khi tế bào lông bị tác động âm thanh kéo dài, với cường độ quá lớn, dồn dập sẽ trực tiếp làm đôi tai bị tổn thương và điếc sớm ở cả trẻ em và người lớn. Lâu dài có thể bị rối loạn thần kinh như suy nhược, trầm cảm, mất ngủ... do não bị tác động mạnh.
Bệnh điếc thường diễn biến âm thầm rất lâu, ban đầu thường không phát hiện ra vì vẫn giao tiếp được do tai chưa bị ảnh hưởng tác hại nhiều. Nhưng khi phát hiện thì đã rất khó hồi phục, do thời gian dài liên tục làm thính lực bị tổn thương. Để tránh nguy cơ điếc sớm, người dân nên kiểm soát thói quen nghe headphone, điều chỉnh âm lượng nhỏ hơn 2/3 mức cho phép (khoảng 60-70 dB), không nên nghe âm thanh lớn hơn (90-100 dB) vì sẽ tổn thương ốc tai.
Một số bà mẹ trẻ còn cho thai nhi nghe nhạc từ trong bụng, để kích thích não bộ và trí thông minh mà không biết việc đó sẽ ảnh hưởng đến thích lực của thai nhi. Nếu muốn nghe, thì bà bầu không nên gắn trực tiếp tai nghe vào bụng bầu, mà nên nghe nhạc bằng loa, điều chỉnh âm lượng phù hợp với bản nhạc nhẹ.
Những người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo headphone lâu vì bệnh dễ tái phát. Hãy nghe nhạc, học tập bằng loa ngoài. Nếu dùng tai nghe thì không nên vặn volume quá lớn và không nghe nơi quá ồn ào vì sẽ phải điều chỉnh âm lượng lớn. Cũng chỉ nên đeo headphone dưới 2 giờ/ngày và không nên đeo khi ngủ vì đã có một số người gặp nạn.
Để đôi tai trẻ khỏe mạnh: - Không dùng dụng cụ sắc nhọn, bẩn đưa vào tai. Hạn chế lấy ráy tai cho trẻ. Nếu nước vào tai chỉ dùng tăm bông lau nhẹ ở vành tai và ống tai ngoài, tuyệt đối không đưa sâu vào trong. Hãy dạy trẻ nghiêng đầu, kéo nhẹ vành tai (khi bị nước vào tai) để nước chảy ra ngoài. - Khi dạy dỗ trẻ cố gắng giữ bình tĩnh, không xách, kéo, véo, đập mạnh vào tai trẻ. Tuyệt đối tránh đánh, tát vào đầu trẻ để tránh gây tổn thương màng nhĩ, gây điếc cho trẻ. - Khi thấy trẻ có biểu hiện ù tai, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, nói chuyện hay nhắc lại, hỏi lại, mở tiếng tivi lớn hơn bình thường... bố mẹ cần đưa trẻ đi khám thính lực ở chuyên khoa Tai Mũi Họng để được hướng dẫn điều trị bảo vệ đôi tai hiệu quả. - Không cho trẻ đeo headphone nghe trong thời gian dài, âm lượng lớn. Bác sĩ Duy Anh - (Bệnh viện E Hà Nội) |