Nín thở nhìn xe trâu "cõng" lúa vượt sông Ngàn Sâu

(Baohatinh.vn) - Khúc sông Ngàn Sâu đoạn chạy qua xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) có chiều rộng hơn 200 m, chỗ sâu nhất gần 5 m. Nước sông đoạn này lúc nào cũng cuồn cuộn, nhưng gần 200 hộ dân nơi đây vẫn đang hàng ngày “liều mình” qua sông để mưu sinh.

Liều mình trên miệng hà bá

Trong cái nắng gay gắt của một chiều cuối tháng 5, chúng tôi tìm về xã Đức Liên - nơi cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Đức Liên có 2.700 hộ dân chia thành 6 xóm, riêng 2 xóm Liên Châu và Liên Hòa có 216 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu nhưng cuộc sống như một "ốc đảo".

nin tho nhin xe trau cong lua vuot song ngan sau

Mỗi ngày có gần 500 chuyến xe trâu qua sông Ngàn Sâu.

Không khí bến đò qua sông Ngàn Sâu khá nhộn nhịp. Đáng lý chúng tôi phải vui mừng vì người dân nơi đây đang được mùa lúa nhưng liền rùng mình khi chứng kiến những bó lúa trĩu nặng (bọc trong tấm bạt lớn) buộc lên xe kéo với xung quanh là các can nhựa giúp nổi rồi dùng xe trâu kéo qua hơn 200m lòng sông để đưa nông sản về nhà.

Nước khúc sông này rất sâu, có đoạn gần quá đầu người, trâu chỉ còn nhô tí mõm lên trên mặt nước để thở nên rất nhọc nhằn khi kéo cả chiếc xe đầy lúa qua sông. Chỉ cần gặp phải những chỗ không bằng phẳng là cả trâu và người sẽ bị nhấn chìm trong gang tấc.

Chính vì điều này mà người dân nơi đây thường nhắc nhau với những câu chuyện cười trong nước mắt. Như chuyện cả xe lẫn trâu bị cuốn trôi của anh Tuấn, hay có người khi kéo xe trâu ra giữa sông nhưng chẳng thấy trâu đâu, chỉ thấy chiếc xe đang trôi dần theo dòng nước, nông sản đương nhiên ướt nhoẹt.

nin tho nhin xe trau cong lua vuot song ngan sau

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng phải liều mình trên những chiếc xe thô sơ để qua sông.

Ông Trần Văn Chương ở thôn Bình Quang cho biết: “Nhà tôi làm một mẫu ruộng phía bên kia sông. Vào chính vụ, mỗi ngày gia đình gặt 1 sào lúa, công gặt thì ít nhưng công đem về thì nhiều. Mỗi ngày, tôi phải đi qua khúc sông này đến 4 lần, mỗi lần đi mất 40 phút. Đấy là thuận lợi chứ có những lần bị nước cuốn trôi mất cả lúa và xe, trâu thì uống no nước mới ngoi được lên bờ. Thật khổ không biết kêu ai”.

Mong lắm một cây cầu

Người dân nơi đây luôn ước nguyện một cây cầu nối liền 2 bờ sông, không chỉ đỡ vất vả hơn trong việc sản xuất nông nghiệp mà còn để thế hệ trẻ thôi đánh cược mạng sống trên chiếc đò ngang tròng trành qua khúc sông hung dữ này.

nin tho nhin xe trau cong lua vuot song ngan sau

Đã rất lâu, người dân xã Đức Liên mong ước có được cây cầu để thoát cảnh bơi sông

Anh Trần Xuân Đồng (43 tuổi), thôn Bình Quang, xã Đức Liên mong muốn: “Vất vả của người dân nơi đây không biết thế nào kể hết. Nếu có một cây cầu thì tốt biết mấy. Người dân chúng tôi bao đời nay chung ước muốn một cây cầu cho dân khổ, nhất là để trẻ em đi học được an toàn hơn”.

Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết: “Để xây dựng một cây cầu bắc qua 2 thôn Liên Hòa và Liên Châu cần một nguồn kinh phí lớn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và thấy có nhiều đoàn về khảo sát nhưng đến giờ vẫn đang là niềm mơ ước mà thôi. Nếu có được cây cầu thì cuộc sống người dân nơi sẽ thay đổi và phát triển hơn rất nhiều”.

Được biết, nơi đây từng xảy ra nhiều vụ lật đò thương tâm. Năm 1946, đoạn sông này xảy ra vụ lật đò làm 30 người chết. Mới đây nhất, vào cuối năm 2011, một vụ lật thuyền xảy ra khiến 2 chiến sỹ công an huyện và 1 chiến sỹ công an xã tử vong.

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.