Nỗ lực xây dựng mật mía truyền thống thành sản phẩm OCOP

(Baohatinh.vn) - Việc ứng dụng kỹ thuật, máy móc hiện đại và liên kết sản xuất đã giúp người nông dân Hương Khê (Hà Tĩnh) lấy lại niềm tin vào cây mía, quyết tâm xây dựng sản phẩm mật mía đạt chuẩn OCOP.

Nỗ lực xây dựng mật mía truyền thống thành sản phẩm OCOP

Nông dân Hương Khê đang lấy lại niềm tin từ cây mía.

Nghề chế biến mật mía được hình thành từ lâu đời ở nhiều thôn, xã của huyện miền núi Hương Khê và mang lại giá trị kinh tế ổn định cho người dân. Thế nhưng, những năm trước, diện tích trồng mía ngày càng giảm do việc sản xuất thủ công đòi hỏi nhiều công sức, lỗ vốn. Để phát huy nghề truyền thống, một số địa phương đang nỗ lực hỗ trợ người dân bằng các chính sách đầu tư khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất.

Ông Hà Văn Lưu, thôn Bình Hải, xã Hương Bình cho hay: "Trước đây, nghề làm mật mía rất vất vả, phải huy động nhiều nhân lực. Trong đó công đoạn ép mía phải dùng sức kéo của trâu, bò nên tiến độ chậm, nhiều gia đình phải bỏ nghề. Qua nghe vận động, chứng kiến những mô hình hiện đại ở các địa phương khác, tôi và một số bà con quyết tâm phát triển lại nghề truyền thống của cha ông. Cuối năm 2023, chúng tôi thành lập tổ hợp tác sản xuất mật mía với 15 thành viên, bà con tín nhiệm bầu tôi làm tổ trưởng".

Theo đó, ông Lưu cùng cộng sự của mình đã đầu tư hệ thống máy ép hiện đại với chi phí hơn 30 triệu đồng. Khu sản xuất chung có 2 lò đốt, vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc chế biến mật, giảm nhân công lao động. Công việc kéo mật trước đây phải làm cả ngày thì nay rút gọn chỉ trong 1 buổi. Bởi vậy, vụ xuân năm 2024, thành viên trong tổ hợp tác đang mở rộng diện tích trồng mía.

Nỗ lực xây dựng mật mía truyền thống thành sản phẩm OCOP

Tổ hợp tác sản xuất mật mía thôn Bình Hải, xã Hương Bình đầu tư hơn 30 triệu đồng mua máy móc, thiết bị, khôi phục nghề truyền thống.

Là thành viên tổ hợp tác, mùa vụ năm 2023, gia đình anh Nguyễn Hữu Tình trồng gần 1 sào mía, ép được gần 20 chảo mật, tương đương 260 lít, giá trị khoảng 13 triệu đồng.

Anh Tình chia sẻ, không như các địa phương khác ở huyện Hương Khê, đất đai ở Hương Bình khá kén cây trồng. Mía là một trong những cây hiếm hoi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Cây mía trưởng thành ít bị sâu hại, có độ ngọt cao. Cùng đó, với kinh nghiệm từ nhiều thế hệ truyền lại nên mật mía truyền thống ở Hương Bình nổi tiếng bởi chất lượng sánh mịn, đặc, thơm. Từ khi tham gia tổ hợp tác, có máy móc hỗ trợ trong khâu chế biến nên hiệu quả sản xuất tăng. Tính ra, mía là cây cho lãi lớn so với các cây trồng khác, gấp 5 lần so với cây lúa. Đây cũng là niềm tin để gia đình tiếp tục mở rộng diện tích.

Nỗ lực xây dựng mật mía truyền thống thành sản phẩm OCOP

1 sào mía được đầu tư, chăm sóc tốt có thể được chế biến thành 250 - 300 lít mật, giá trị gần 15 triệu đồng.

Cũng nhằm liên kết sản xuất, đầu tháng 1/2024, Hội Nông dân xã Phú Gia vận động ra mắt Tổ hợp tác sản xuất mật mía Cường - Thùy tại thôn Trung Hà.

Ông Lê Phan Cường - tổ trưởng chia sẻ: "Để mở rộng quy mô, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn thì bắt buộc chúng tôi phải liên kết sản xuất. Nhờ đó, trước nay, trong thôn chỉ có khoảng 3,5 ha mía thì nay bà con đã mở rộng lên 6 ha. Ngoài thành viên tổ hợp tác, chúng tôi cũng liên kết với các hộ dân khác để mở rộng diện tích, quy mô sản xuất. Trong đó, tổ hợp tác sẵn sàng cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm với giá thành tối thiểu 5 triệu đồng/sào.

Nỗ lực xây dựng mật mía truyền thống thành sản phẩm OCOP

Tổ hợp tác sản xuất mật mía Cường - Thùy được thành lập với kỳ vọng tạo ra sản phẩm OCOP cho địa phương.

Từ thực tế cho thấy, việc ứng dụng kỹ thuật, máy móc hiện đại và liên kết sản xuất đã giúp người nông dân lấy lại niềm tin vào cây mía. Dù vậy, nhìn chung các mô hình liên kết sản xuất đang trong giai đoạn hình thành; việc ứng dụng máy móc, kỹ thuật mới áp dụng ở một số công đoạn.

Đặc biệt, quy trình sản xuất tự phát, theo kinh nghiệm của từng hộ gia đình, vấn đề an toàn thực phẩm chưa được quan tâm, sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn hiệu... Do đó, để phát huy làng nghề truyền thống, để mật mía Hương Khê trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng vẫn cần các chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân.

Ông Đinh Công Tịu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết: "Qua đánh giá, cây mía và sản phẩm mật mía ở huyện Hương Khê rất có tiềm năng phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương. Thời gian tới, Huyện hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và sẵn sàng hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để các tổ hợp tác mở rộng diện tích trồng mía, tăng sản lượng mật hàng năm."

Đồng thời, rà soát diện tích trồng mía ở các địa phương khác, tiếp tục hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất; lồng ghép chính sách khuyến nông, khuyến công để hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất đồng bộ từ khâu lựa chọn giống, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu trồng mía đến sản xuất mật; tạo sản phẩm đồng bộ về chất lượng, có thương hiệu, nhãn mác, đạt chuẩn OCOP.

Video: Sản xuất mật mía ở thôn Bình Hải

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.