Nghề làm chổi đót đang được người dân Hà Ân lưu giữ và phát huy.
Thời điểm nông nhàn này là lúc 12 gia đình ở Chi hội Nghề nghiệp chổi đót Hà Ân (thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ) hối hả vào việc. Ông Lê Tiến Dũng – Chi hội trưởng cho biết: “Với nguồn nguyên liệu đủ để sản xuất, bà con chăm chỉ lao động, sản phẩm được thu mua hết... nên các hộ khá phấn khởi. Bình quân mỗi năm, chúng tôi xuất bán khoảng 200 nghìn chiếc chổi đót, doanh thu hơn 2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng”.
Phát huy nghề truyền thống của cha ông, hầu như người dân ở Hà Ân đều làm nghề hàng ngày, kể cả trẻ em, người già. Hiện nay, toàn thôn có 124 hộ làm chổi với khoảng 450 lao động, mỗi năm sử dụng khoảng hơn 300 tấn nguyên liệu, cho ra trên 2 triệu sản phẩm. Với phương châm “lấy công làm lãi”, bình quân mỗi người có thể làm được 50 chiếc chổi/ngày, cho thu nhập khoảng 180 - 200 nghìn đồng/ngày.
Ông Lê Tiến Nươm là một trong những hộ tiêu biểu nhất ở làng nghề truyền thống chổi đót Hà Ân (Thạch Mỹ).
Cách làng chổi Hà Ân chừng 1,5 km, người dân thôn Báo Ân cũng đang tranh thủ làm hương, tích trữ sản phẩm, chuẩn bị cho thị trường cao điểm dịp tết.
Làm hương trước đây được xem là nghề phụ nhưng nay đã trở thành lĩnh vực sản xuất cho thu nhập chính, giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động (còn 52 hộ giữ nghề). Với hơn 800 tấn sản phẩm xuất bán mỗi năm, người làm hương ở thôn Báo Ân có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá, no đủ.
Người dân thôn Báo Ân hối hả sản xuất, tích trữ sản phẩm bán vào dịp cuối năm.
Cũng là làng nghề truyền thống, người làm bún thôn Đại Lự (xã Hồng Lộc) hàng trăm năm nay đã đổ mồ hôi, công sức vừa giữ nghề của cha ông, vừa có thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống.
Ông Đặng Đình Bát - Trưởng thôn Đại Lự cho biết: Hiện nay, toàn thôn hơn 80 hộ với hơn 100 lao động đang “giữ lửa” nghề truyền thống. Bình quân mỗi ngày bà con làm khoảng 7 - 8 tạ gạo (1,7 – 1,8 tấn bún), cho thu nhập khoảng 250 – 300 nghìn đồng/người. Thu nhập từ nghề bún chiếm khoảng 36% tổng nguồn thu của cả thôn. Để có sản phẩm chất lượng, an toàn, chi phí ít, đa số bà con tự chủ động nguồn nguyên liệu bằng cách tự canh tác các loại lúa làm bún ngon (Khang Dân 18 và Xuân Mai 12) nên vừa giữ được nghề, vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng đàn vật nuôi, tạo việc làm và sản phẩm liên hoàn”.
Người làm bún ở thôn Đại Lự (xã Hồng Lộc) chuẩn bị mang sản phẩm ra chợ.
Hiện nay ở Lộc Hà có 4 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, gồm: làng muối Châu Hạ (xã Thạch Châu), làng hương Báo Ân và làng chổi đót Hà Ân (xã Thạch Mỹ), làng bún Đại Lự (Hồng Lộc). Cả 4 làng nghề này đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.100 lao động (bao gồm cả trẻ em và người già), thu nhập bình quân đạt khoảng 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đó, ở Lộc Hà hiện còn có nhiều làng nghề khác đã được lưu truyền hàng trăm năm nay, đang giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho khoảng 1.000 hộ với khoảng 3.000 lao động như: làng nghề nướng cá ở Thạch Kim, làng nghề muối nước mắm và làm ruốc biển (ở Thạch Kim, Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà, Mai Phụ, Hộ Độ)...
Ông Lê Hồng Cơ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện được gắn liền với phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, duy trì sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân và bảo vệ môi trường nông thôn.