Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

(Baohatinh.vn) - Những ngày này, bà con diêm dân ở Làng nghề muối thôn Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang gấp rút sửa sang ô nại để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Gia đình ông Lê Xuân Sáng sửa chữa, gia cố lại bề mặt của ô kết tinh trên ruộng muối.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, 3 ngày nay, gia đình ông Lê Xuân Sáng ở thôn Châu Hạ (xã Thạch Châu) đã tạm gác các công việc khác để ra đồng muối làm việc. Từ sáng đến tối, 4 thành viên trong gia đình ông Sáng tất bật làm các phần việc với quyết tâm chuẩn bị kịp ô nại, sẵn sàng đón đợt nắng nóng đầu tiên trong năm để có những mẻ muối ngon.

Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Ông Sáng thực hiện công đoạn tạo độ phẳng, độ chắc cho các ô kết tinh.

Ông Lê Xuân Sáng chia sẻ: “Gia đình tôi có 2,5 sào đất làm muối. Chúng tôi đang cố gắng chuẩn bị ô nại đạt tiêu chuẩn, bãi phơi tốt, kênh mương nạo vét sạch sẽ... để phục vụ sản xuất. Theo dự tính, sang giữa tháng 3 dương lịch sẽ bắt tay vào làm muối với mục tiêu phấn đấu đạt 13 - 14 tấn muối trong năm nay”.

Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Vớt rong rêu trên các ruộng muối bị ngập nước là công đoạn nặng nhọc, vất vả của diêm dân.

Cách gia đình ông Sáng không xa, bà Nguyễn Bảy ở cùng thôn cũng đang bì bõm lội nước để thu dọn rong rêu trên ruộng muối bị ngập nước. Đây là một trong những phần việc vất vả, nặng nhọc phải thực hiện đầu tiên mỗi khi bước vào vụ mới.

Bà Bảy cho hay: “Sau nhiều tháng không sản xuất, thường xuyên bị thiên tai tác động, các bãi phơi bị hư hỏng, xuống cấp nên gia đình tôi cần khoảng nửa tháng để khắc phục. Quá trình sửa chữa ô nại phải rất tỉ mẩn, qua nhiều công đoạn...”.

Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Vỏ các loài nhuyễn thể được tập kết, chờ nung thành vôi phục vụ cho việc cải tạo mặt ô kết tinh.

Những ngày này, trên đồng muối thôn Châu Hạ, không khí lao động sản xuất khá nhộn nhịp. Bà còn diêm dân tập trung ra đồng muối để nạo vét kênh mương, dọn rong rêu, phát cỏ trên đường sản xuất, nâng cấp đường nội đồng, lau dọn khuôn đựng nước, cào bãi phơi, làm nền cho ô kết tinh, đốt hàu hến làm vôi, làm chòi tránh nắng...

Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Những ô nại sau cải tạo được che đậy cẩn thận để đảm bảo vệ sinh, giữ ẩm trước khi đưa vào sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Phúc chia sẻ: “Sở dĩ bà con hăng hái, gấp rút trên đồng muối vì hiện nay nguồn cung muối sạch khá khan hiếm, có giá 4.000 - 4.500 đồng/kg, cao gấp 1,7 lần so với chính vụ. Lúc này, chúng tôi đều muốn chuẩn bị tốt nhất để nắng lên là có thể sản xuất ngay".

Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Bà con dọn cỏ đường sản xuất và các đường đê bao để chuẩn bị bước vào mùa sản xuất muối đầu năm.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho biết: “Làng nghề muối thôn Châu Hạ hiện có 14 ha đất sản xuất muối với 124 hộ/421 người tham gia sản xuất diêm nghiệp. Đây là nơi có nhiều lợi thế để duy trì và phát triển nghề muối.

Đặc biệt, ở vùng này có độ bốc hơi nước cao, mặt ruộng hấp thụ nhiệt mạnh nên thời gian sản xuất được rút ngắn; đất sản xuất không có đá vôi tạp lẫn nên muối không có vị đắng; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, có đê bao quanh, hệ thống chạt lọc đạt chuẩn, mương dẫn nước đầy đủ nên năng suất cao; người dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất, yêu nghề truyền thống...”

Làng nghề muối truyền thống Hà Tĩnh chuẩn bị cho vụ sản xuất mới

Các kênh mương dẫn nước đã được dọn dẹp, nạo vét sạch sẽ.

“Thời điểm này giá muối khá cao, thời tiết thuận lợi nên bà con diêm dân đang tích cực chuẩn bị bước vào vụ muối mới. Năm nay, Làng nghề muối thôn Châu Hạ phấn đấu đạt 2.600 tấn muối thô. Để khuyến khích phát triển sản xuất, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ bà con ứng dụng các tiến bộ KHKT, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tìm kiếm đầu ra và giúp lan tỏa thương hiệu...”, ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà chia sẻ thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.
Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),
Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.