Nỗi buồn ly hương ở xã nhiều người đi Thái nhất Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau những ngày tết đoàn viên, người lao động ở Mỹ Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) - nơi có đông lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là Thái Lan lại ly hương để tiếp tục chặng đường mưu sinh khiến làng quê trở nên vắng lặng...

Một góc thôn Trại Tiểu (Mỹ Lộc , Can Lộc , Hà Tĩnh) với san sát những biệt thự tiền tỉ.... (Ảnh: Quốc Hiệp)

Giúp bố mẹ sửa soạn mâm xôi cúng rằm tháng giêng xong, anh Tuấn (thôn Trại Tiểu) lại gói gém đồ đạc để sang Thái Lan. Gia đình Tuấn có tổng cộng 6 lao động chính thì sau tết đã ly hương gần hết. Ông Đặng Tình (bố Tuấn) chia sẻ: “Ra rằm chỉ còn mỗi đứa con dâu mới sinh con được 3 tháng nên ở nhà thôi. Chúng để 3 đứa cháu nhỏ cho 2 ông bà già chúng tôi chăm sóc”.

Chuyện của ông Đặng Tình cũng là tình cảnh chung của phần đông các gia đình trong thôn Trại Tiểu. Toàn thôn có 380 hộ dân thì khoảng 300 hộ có người đi xuất khẩu lao động, hầu hết là sang Thái. Nhà ít thì có 1-2 người đi, nhiều thì đóng cửa rồi đi cả gia đình. Hầu hết người dân Mỹ Lộc sang Thái Lan làm các công việc như: Phục vụ quán ăn, rửa bát, cửu vạn, gội đầu, massage… Cũng có người tự mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ.

... nhưng ăn Rằm tháng Giêng xong, người làng lại kéo nhai đi hết. (Ảnh: Quốc Hiệp)

Chị Trần Thị Thuận - Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Lộc , Can Lộc , Hà Tĩnh chia sẻ: “Con đường xuất khẩu lao động sang Thái Lan hết sức dễ dàng, chỉ cần làm hộ chiếu và mất khoảng 1 triệu đồng mua vé xe là có thể sang đất Thái mưu sinh. Đi dễ, về dễ nên tết vừa rồi rất đông lao động về quê ăn tết. Tuy nhiên, ăn rằm xong thì mọi người cũng kéo nhau đi hết”. Cũng theo chị Thuận, thực trạng lao động ly hương trên địa bàn khiến cho công tác hội và các phong trào của xã gặp không ít khó khăn như: Thiếu hội viên sinh hoạt và tham gia các phong trào chung.

Theo thống kê của UBND xã Mỹ Lộc, toàn xã hiện có 1.559 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 1.200 lao động làm việc tại Thái Lan. Dịp xuân Mậu Tuất vừa qua, hơn 50% người về quê ăn tết nhưng sau rằm tháng giêng, họ lại rời làng đi làm ăn, trong làng ngoài xóm thường chỉ có người già, trẻ con.

“Tết còn vui được vài ngày, chứ từ khoảng mùng 10 trở đi là buồn hắt buồn hiu vì bọn trẻ đi hết. Giá mà ở quê có việc làm ổn định, không ai phải “tha hương” nữa thì hay biết mấy” - ông Trần Sảng (70 tuổi) ở thôn Bắc Đô chia sẻ.

Trên thực tế, đất Thái và những đồng baht đã mang lại sự đổi thay cuộc sống của hàng nghìn người dân Mỹ Lộc. Tuy nhiên, sự trống vắng từ mỗi căn nhà đến làng quê và nỗi buồn ly hương của người lao động là khó bù đắp. Tình trạng này ở xã Mỹ Lộc nói riêng và nhiều vùng quê khác trên toàn tỉnh nói chung khi nào mới chấm dứt?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói