Du khách đến viếng thăm các cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh tại Khu di tích thôn Cây Xoài xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Lịch sử ghi lại, thời kỳ trước năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, Mỹ - Diệm ra sức đánh phá ác liệt, trả thù những người kháng chiến, mở nhiều cuộc càn quét, tố cộng, giết hại những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước. Trước tình hình đó, sự chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam nói chung và Nam bộ nói riêng vô cùng cấp bách. Ngày 25/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chính thức thành lập Đoàn B90, làm nhiệm vụ bí mật vào Nam, cùng với đơn vị tại chỗ xây dựng cơ sở xoi mở hai tuyến đường phía Đông và phía Tây từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ.
Cũng thời gian ấy, Xứ ủy Nam bộ thành lập đơn vị C200 làm nhiệm vụ bí mật xoi đường từ Mã Đà chiến khu Đ ra Nam Tây nguyên bắt liên lạc với cánh phía Đông của B90 từ Nam Tây Nguyên mở vào và đơn vị C270 từ Phước Long mở ra vùng 3 biên giới tìm bắt liên lạc với cánh phía Tây của B90 nhằm nối thông hành lang chiến lược từ miền Bắc đến tận chiến trường Nam bộ để Trung ương tổ chức chi viện sức người, sức của kịp thời cho cách mạng miền Nam.
Khu di tích thôn Cây Xoài được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, hiện đang được đầu tư tôn tạo, mở rộng quy mô
Chiến trường Tây Nguyên khắc nghiệt, việc tìm bắt liên lạc khó khăn không hề khiến ý chí cách mạng nao núng. Đặc biệt, sau khi đồng chí Trần Văn Thời hy sinh khi bơi qua sông tìm bắt liên lạc với cánh phía Nam thì chí khí của các cán bộ, chiến sỹ càng mạnh mẽ. Nhiều người đã dũng cảm vượt qua những thiếu thốn, gian khổ, trong số đó có những người đã mãi mãi nằm lại trên miền đất đỏ như các liệt sỹ: Lê Văn Ai, Hoàng Thành Danh, Nguyễn Văn Bình và K’Pah Ngãi.
Đường Trường Sơn gieo neo, hiểm trở nhưng các cán bộ, chiến sỹ từ hậu phương miền Bắc vẫn kiên trì bám trụ, cắt rừng, xoi đường, mở lối tìm cách liên lạc với chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu từ Internet)
Ông Đoàn Huy Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Đắk Nia cho biết: "Những thế hệ người Đắk Nia chúng tôi vô cùng tự hào khi thôn Cây Xoài đã đi vào lịch sử đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đi vào lịch sử đất nước. Ấy là vào hồi 16 giờ ngày 30/10/1960, tại thôn Cây Xoài, giữa lúc tổ trinh sát phía Nam (C200 của miền Đông Nam Bộ) đang chờ đợi đội bạn thì bất ngờ tổ xung kích Đội I (B90) xuất hiện. Sau khi đọc một số ám hiệu và đọc đúng tên trưởng đoàn của nhau, hai bên cùng chạy lại ôm lấy nhau. Nhiều cựu binh đã kể cho chúng tôi nghe về buổi tối hôm đó với biết bao nước mắt và nụ cười, bao câu chuyện miền Bắc xây dựng XHCN và miền Nam đối diện với Mỹ - Diệm cũng đã được chia sẻ. Đó là thời khắc lịch sử ấy đã chính thức nối liền hai vùng chiến lược Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, khai thông đường Hồ Chí Minh huyền thoại".
Sau ngày khai thông, ngày 4/11/1960, tại cây số 4 trên đường Đắk Song đi Gia Nghĩa (Đắk Nông) cánh phía Tây B90 tiếp tục bắt được liên lạc với đơn vị C270 từ Đông Nam bộ lên. Như vậy, đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh đã được khai thông, nối liền từ miền Bắc đến chiến trường Nam bộ. Từ đó, con đường như dòng nước chảy liên tục ngày đêm, với hàng ngàn đoàn cán bộ, chiến sĩ vào Nam đánh Mỹ chiến đấu giải phóng đất nước.
Đường hành lang chiến lược Bắc - Nam chính thức được khai thông đã trở thành một điểm nút quan trọng giúp thông suốt tuyến đường Hồ Chí Minh, nơi các cán bộ, chiến sĩ được kết nối với nhau, đảm bảo sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và góp phần đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Du khách đến tham quan các trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Nia
Thôn Cây Xoài ngày nay không còn 2 cây xoài cổ thụ nữa, dấu vết của những con đường, ngôi làng như trong hồi ức của nhiều cựu chiến binh cũng không còn nữa nhưng đất vẫn đỏ sậm một màu mong nhớ. Tôi cảm nhận được sự ấm nóng của đất trời. Có lẽ đó là sự ấm nóng vọng về từ những cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống trên hành trình mở đường Nam - Bắc. Cũng có thể đó là sự ấm nóng của những bước chân đồng đội năm xưa, trở lại chiến trường mang theo lòng nhớ thương đồng đội khôn nguôi.
Chúng tôi không có may mắn được gặp lại các cựu chiến binh từng cắt rừng, xoi đường, vượt sông suối tìm đồng chí, đồng đội nhưng được đến đứng trước tấm bia tưởng niệm, được hít căng vào lồng ngực mình bầu không khí mát lành của vùng đất cây Xoài lịch sử là cả một niềm vinh dự lớn. Nữ nhà báo Phan Thị Tú Quyên – Báo Kon Tum cho biết: “Đã từng đọc nhiều về lịch sử Tây Nguyên, được gặp nhiều cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đến di tích lịch sử thôn Cây Xoài. Đó là một trải nghiệm đáng quý. Từ đây, tôi thấm thía được sâu sắc hơn những hy sinh của cha ông, trân quý hơn giá trị của hòa bình và cảm nhận thật đậm sâu tình cảm anh em 2 miền Nam – Bắc”.
Thôn Cây Xoài và xã Đắk Nia nay đã mang một sức sống mới với sự phát triển không ngừng về kinh tế - văn hóa – xã hội. Tại đây đã có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn thay đổi, đón đầu hội nhập, tạo ra được những sản phẩm hàng hóa chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Những trang trại, gia trại bơ, sầu riêng, những nương rẫy cà phê xanh mướt đang khẳng định một sức sống mới trên quê hương cách mạng.