Nỗi niềm cô nuôi dạy trẻ

(Baohatinh.vn) - Cũng là giáo viên (GV), cũng làm việc theo giờ hành chính, thế nhưng, trên thực tế, không cô giáo mầm non nào làm việc đúng 8 tiếng/ngày, ấy là chưa kể đến những áp lực vô cùng lớn khi chăm sóc, dạy dỗ lứa tuổi chập chững tập chơi, tập ăn...

Một ngày của cô

Bắt đầu từ 6h30’ sáng với việc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ vào lớp, cho trẻ ăn sáng, tham gia hoạt động buổi sáng, rồi chuẩn bị cho bữa cơm trưa, lo cho các cháu ngủ, bữa ăn nhẹ, các trò chơi hoạt động buổi chiều và bắt đầu trả trẻ từ 5h chiều cho đến khi hết trẻ. Trong thời gian trẻ ngủ, các cô tranh thủ ăn trưa, dọn dẹp vệ sinh, làm một số đồ chơi để phục vụ cho giờ dạy…

Ngày cuối tuần, những tưởng được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình thì các cô lại tranh thủ họp chuyên môn, soạn giáo án. Vòng tuần hoàn đó cứ lặp đi, lặp lại, tưởng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng có chứng kiến một buổi học của cô - trò ở trường mầm non mới thấu hiểu những vất vả, áp lực của các cô khi một lúc chăm sóc, dạy bảo hàng chục cháu mà mỗi trẻ lại mang một tính cách khác nhau.

Trong giờ học ở Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Hoài

Trong giờ học ở Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Thanh Hoài

“Các cháu chơi đùa rồi trêu chọc, giành đồ chơi của nhau… cô luôn phải là người giảng hòa. Quãng thời gian đầu năm học thường vất vả nhất vì các cháu mới đến lớp, chưa quen cô, quen bạn, bố mẹ ra về là khóc, thậm chí, cô bế, cháu còn đánh, mắng chửi cô. Đó là chưa kể có những trẻ bị ốm nhưng ở nhà không có người trông, vẫn phải đến lớp, trẻ quấy khóc, cô chăm rất vất vả” - cô Lê Thị Phượng, GV chủ nhiệm lớp 3 tuổi A – Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) tâm sự.

Hơn 19 năm trong nghề, khi được hỏi về nỗi niềm người nuôi dạy trẻ, cô Hồ Thị Thanh - GV Trường Mầm non Thạch Kim (Lộc Hà) chỉ lắc đầu, cười: “Một mẹ chăm 2 đứa con đã mệt, trong khi mỗi cô giáo mầm non nuôi dạy 20-25 cháu thì chắc các mẹ cũng hiểu được phần nào nỗi vất vả của chúng tôi. Cô giáo phải vừa là mẹ, là bạn, lại là nhạc sỹ, họa sỹ, nhà tâm lý học, bác sỹ… của trẻ. Thế nên, nếu không yêu trẻ, chúng tôi sẽ không chọn và gắn bó được với nghề”.

Vất vả không chỉ dừng lại ở đó, bởi với các cô giáo mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang… ngoài khó khăn chung trong công tác giảng dạy thì vấn đề huy động trẻ tới lớp không phải là điều dễ dàng. Trước khi bước vào năm học mới 1 tháng, các cô giáo Trường Mầm non Hương Liên (Hương Khê) lại đến gõ cửa từng nhà, vận động phụ huynh cho con đến lớp. Thế nhưng, việc làm của các cô không phải lúc nào cũng được phụ huynh hiểu và đón nhận. Thậm chí, không ít lần, các cô phải lầm lũi ra về, chịu đựng thái độ bất hợp tác từ phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, con đường đi phổ cập giáo dục đã gian nan, lại thêm một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cho trẻ đến trường khiến mọi việc càng khó khăn hơn. Nhưng các cô vẫn không nản chí, tất cả phải vì tương lai con trẻ, không thuyết phục được lần 1 thì kiên nhẫn đến nhà lần 2, lần 3. Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đạt 100%, lớp nhà trẻ đạt 35%; riêng với trẻ dân tộc thì mỗi ngày, các cô giáo thay phiên nhau đến tận nhà đưa đón trẻ”.

Nỗi niềm ai tỏ

Mầm non là một bậc học vô cùng quan trọng, tạo nền tảng để hình thành thể chất, trí tuệ của con người. Tuy nhiên, so với các bậc học khác, bậc học mầm non vẫn chưa được xã hội đánh giá, nhìn nhận đúng với vai trò, ý nghĩa của nó. Cũng vì thế mà những cống hiến, đóng góp của đội ngũ GV mầm non chưa được ghi nhận xứng đáng. Thậm chí, có người còn coi họ như những “ôsin có bằng cấp”.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các cô Trường Mầm non 1 - TP Hà Tĩnh trang trí vườn cổ tích cho trẻ.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các cô Trường Mầm non 1 - TP Hà Tĩnh trang trí vườn cổ tích cho trẻ.

Có những phụ huynh đặt ra yêu cầu, đòi hỏi quá cao cho GV trong việc nuôi dạy con cả về thể chất và trí tuệ. Cũng có những phụ huynh cưng chiều con quá mức khiến việc nuôi dạy trẻ của cô giáo càng trở nên khó khăn hơn. Nhiều GV chia sẻ, khi chẳng may các cháu bị trầy xước, cô lo lắng suốt buổi. Phụ huynh hiểu và thông cảm còn đỡ, nhưng có những người trách móc, thậm chí, mắng cô. Đó là chưa kể những khó khăn khi quỹ thời gian eo hẹp, nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía gia đình, đặc biệt là người chồng, các cô sẽ rất khó hoàn thành tốt các vai trò.

Công việc vất vả, áp lực là vậy, nhưng chế độ, chính sách cho GV mầm non vẫn chưa tương xứng. Với mức thu nhập khoảng 3.000.000 đồng/tháng ở các trường thành phố; 2.000.000 đồng/tháng ở trường nông thôn (bao gồm lương, tiền làm thêm giờ, các khoản phụ cấp), GV mầm non rất chật vật để trang trải cuộc sống.

Cô Lê Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non I (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Là cô giáo nhưng cũng là mẹ, các cô giáo mầm non luôn dành hết tình yêu thương cho trẻ. Nhìn các con vui đùa, mạnh khỏe là động lực để các cô tiếp tục sự nghiệp vinh quang nhưng cũng đầy nhọc nhằn, vất vả. Mọi khó khăn sẽ vơi bớt khi chúng tôi nhận được sự thấu hiểu, sẻ chia của xã hội, đặc biệt là từ các phụ huynh. Phụ huynh yêu thương con mình như thế nào thì hãy tin rằng, GV mầm non cũng yêu thương như thế”...

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.