Tính đến ngày 5/10 tới đây, thành phố Melbourne của Australia sẽ trải qua 246 ngày phong tỏa để chống dịch Covid-19. Như vậy, Melbourne sẽ vượt qua Buenos Aires và trở thành thành phố có thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới, theo Guardian .
Chiến lược phong tỏa gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và tâm lý của người dân, song nó từng liên tiếp mang lại thành công chống dịch khi giảm số ca bệnh xuống mức 0.
Khi Melbourne đã trải qua 6 lần phong tỏa, thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, chính thức từ bỏ hy vọng giảm thiểu số ca bệnh mới. Ông đã thay đổi mục tiêu là ít nhất 80% người dân trên 16 tuổi của bang này được tiêm chủng đầy đủ.
Hỗn loạn
Melbourne sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%, dự kiến vào ngày 26/10.
Cùng lúc này, chính quyền bang Victoria dần mất đi sự ủng hộ vì cách xử lý đại dịch. Trong một cuộc thăm dò hồi tuần trước của Guardian , mức độ tín nhiệm dành cho chính quyền bang đã giảm xuống còn 44%.
Nhiều người đã tham gia biểu tình để phản đối lệnh phong tỏa ở Melbourne. Ảnh: AFP
Người dân cũng không còn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Trong cuối tuần diễn ra trận chung kết giải bóng đá AFL, mọi người không ngại tổ chức tiệc tùng, khiến số ca bệnh mới tăng đột biến hơn 50% vào ngày 30/9.
Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, phần lớn người dân ở Melbourne ủng hộ quyết định phong tỏa. Đến nay, thành phố xuất hiện nhiều phong trào biểu tình để phản đối các biện pháp y tế cộng đồng.
Hồi tuần trước, hơn 5.000 người đã tham gia vào một cuộc biểu tình đầy bạo lực để phản đối lệnh phong tỏa. Họ diễu hành bên ngoài văn phòng công đoàn từ đầu tuần, rồi kết thúc vào giữa tuần ở đài tưởng niệm các binh sĩ.
Nhóm biểu tình phá hoại các nỗ lực tiêm chủng, tổ chức đình công ở nhiều công trường và doanh nghiệp trong thành phố. Cảnh sát đã thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ trong khi giới chức y tế cảnh báo về làn sóng lây nhiễm sắp tới.
Cuộc biểu tình cuối cùng phải chấm dứt vì trận động đất 5,9 độ. Nhà văn Celeste Liddle miêu tả cơn địa chấn là sự “phân tâm vô hại” trong bối cảnh thành phố Melbourne rơi vào hỗn loạn.
Bất ổn trong tương lai
Nghệ thuật là ngành phát triển mạnh mẽ ở Melbourne. Và đây cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất và ít được hỗ trợ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Ông Kyran Wheatley đang chuẩn bị mở một câu lạc bộ hài kịch khi Melbourne lần đầu phong tỏa hồi tháng 3/2020. Câu lạc bộ chỉ kịp hoạt động vào một ngày cuối tuần, rồi phải đóng cửa suốt nhiều tháng.
Chính quyền bang Victoria dự kiến mở cửa các địa điểm vui chơi giải trí vào ngày 8/11, với điều kiện người dân giữ khoảng cách. Song ông Wheatley không có nhiều hy vọng vì mọi người đều giữ tâm lý e ngại, phòng thủ trước dịch bệnh.
Cuộc biểu tình cuối cùng phải chấm dứt vì trận động đất 5,9 độ. Ảnh: Shutterstock
“Đây là sự bất ổn lớn vào lúc này. Chúng tôi không biết thành phố sẽ hành động như thế nào, khi mà Covid-19 luôn tồn tại”, ông nói.
Dù không thể kinh doanh, ông Wheatley vẫn ủng hộ việc phong tỏa: “Chúng tôi chịu giãn cách vì chúng tôi quan tâm đến việc mọi người được sống hay không”. Theo người này, Melbourne phải chịu “tổn thất lớn” để bảo vệ mạng sống.
Từ tháng 7, biến chủng Delta bùng phát dữ dội, khiến tình hình dịch bệnh ở cả Melbourne và Sydney trở nên phức tạp. Diễn biến này cũng làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ của hai tiểu bang Victoria và News South Wales.
Khi thông báo đợt phong tỏa lần thứ năm vào ngày 15/7, thủ hiến bang Victoria, ông Andrews đã nói: “Những ca bệnh mới bắt nguồn ở bang News South Wales, nhưng tôi khá chắc chắn sẽ kết thúc ở đây”.
Khi ấy, ông Andrews tỏ ra lạc quan nhờ kinh nghiệm chống dịch trong quá khứ. Trên thực tế, bang Victoria đã dập tắt hai đợt bùng phát dịch nhờ biện pháp phong tỏa mạnh mẽ. Cụ thể, số ca bệnh mới giảm xuống mức 0 sau khi bang này phong tỏa 112 ngày.
Nhưng lần này, phong tỏa không mang lại hiệu quả, do chính quyền bang hành động không đúng lúc. Việc chuyển các liều vaccine Pfizer sang thành phố Sydney cũng khiến nỗ lực tiêm chủng ở bang Victoria bị chậm lại.
Trong khi đó, bang News South Wales có số ca bệnh giảm mạnh vào giữa tháng 9, nhờ việc tăng tốc tiêm chủng cho người dân.
Hôm 30/9, Thủ hiến bang Victoria, ông Andrews, đã chỉ trích người dân vì vi phạm các quy định phòng chống dịch, giữa lúc lệnh phong tỏa sắp kết thúc. Ông nói với các phóng viên rằng “nhiều ca bệnh mới hoàn toàn có thể phòng tránh được”.
Ông tuyên bố mạnh mẽ: “Đừng khiến (các nhân viên y tế) phải làm việc cực khổ hơn, bằng cách đưa ra những lựa chọn thực sự tồi tệ như đi thăm bạn bè và gia đình rồi lây lan virus corona cho cộng đồng”.
Tính đến ngày 2/10, Australia có tổng cộng 109.516 ca mắc và 1.321 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldome ters.