Nơi sông Lam xuôi về với biển

Sông Lam bắt nguồn từ vùng Nậm Căn (Lào), phần chính của sông chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La (Hà Tĩnh) tạo thành biên giới hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và đổ ra biển Đông qua Cửa Hội. Trước khi hòa mình vào biển cả, sông Lam đã kịp lắng đọng trên đất Nghi Xuân một nền văn hóa vô cùng đặc sắc.

Những giá trị văn hóa nơi hạ nguồn Lam Giang

Trong các cuộc di cư, một số dòng họ đã sớm cảm nhận được đây là vùng địa linh và dừng chân sinh cơ lập nghiệp, mặc dù trước đây Nghi Xuân là vùng đất cát bạc màu, khí hậu khắc nghiệt. Họ Nguyễn ở Tiên Điền, họ Phan ở Phan Xá, họ Đặng ở Uy Viễn, họ Võ ở Hội Thống v.v…là những dòng họ đã để lại cho đời những người con ưu tú, hiền đức hơn người, tài cao, chí lớn lưu danh sử sách như: Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du; Đại doanh điền, nhà thơ Nguyễn Công Trứ; nhà địa lý Tả Ao nổi tiếng đời Hậu Lê; danh tướng Nguyễn Xí; Thiên đô ngự sử Phạm Ngữ…. Và những hiền tài trong thời đại mới như: Nghệ sỹ nhân dân Đào Mộng Long; Giáo sư, nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn; GS, TS y khoa Hà Văn Mạo, Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, Đậu Ngọc Xuân, Tiến sỹ Uông Chu Lưu…

Núi Hồng sông Lam - Ảnh: Internet
Núi Hồng sông Lam - Ảnh: Internet

Không chỉ có thế, với hơn 100 di tích còn tồn tại tới ngày nay, Nghi Xuân nổi tiếng là nơi có nhiều di tích, danh thắng phong phú về loại hình, độc đáo về phong cách và nội dung. Nổi bật có: Đền chợ Củi – di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo thế kỷ 17, thờ đức Hoàng Mười và Chúa Liễu Hạnh nằm trên bờ sông Lam; Nhà thờ Nguyễn Công Trứ tại Xuân Giang, khu lưu niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền, đình Hội Thống ở Xuân Hội, Đình Hoa Vân Hải ở Cổ Đạm… và đặc biệt là “bát cảnh” không nơi nào có được.

Buổi trưa ấy tôi đã dừng chân trên bến Giang Đình - một trong Nghi Xuân bát cảnh. Ngoài kia gió vẫn không thổi ràn rạt đi trên ngọn rừng bần, thế mà trên bến thật tĩnh lặng. Lòng lại chợt tưởng tượng cảnh mỗi lần cụ Nguyễn Tiên Điền dừng chân nghỉ ngơi và cho ngựa xuống bến uống nước… Những danh nhân đất Nghi Xuân, hẳn ai cũng từng ghé qua, dừng lại nơi đây để thưởng ngoạn và lắng vào hồn mình hơi thở của sông, khí thiêng của đất trời.

Tôi chợt nghĩ, phải chăng nơi đây đã có những mạch phù lưu ngầm chảy vào trong những con người lỗi lạc, để rồi một ngày cái tinh hoa trong dòng mạch ấy hợp với thiên thời, địa lợi phát tiết thành những giá trị văn hóa còn lưu lại đến muôn sau… Chị Quỳnh Hoa – người đàn bà bán cá làm thơ phía hạ nguồn sông Lam, người đàn bà đau khổ của làng Đáy (Xuân Phổ) cũng đã từng nói với tôi: “Sông Lam đã gột rửa những vết thương lòng trong chị và trao cho chị nguồn sống mới”. Những người dân nơi đây đã sống, đã gắn bó và hàm ơn con sông như thế, theo những cách rất riêng của lòng họ.

Từ trên cầu Bến Thủy nhìn xuống, đê tả và đê hữu sông Lam như hai cánh tay dài vậm vạp ôm ấp và chở che cho xóm làng. Sông Lam mạn Hà Tĩnh có huyện Nghi Xuân với một nền văn hóa đặc sắc, dày dặn, phong phú. Dường như ở nơi nào cũng vậy, con sông là phần rất quan trọng trong việc kiến tạo những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt trên vùng đất nó đi qua.

Buổi trưa thanh vắng ấy, trên bến Giang Đình tôi lại chợt nghe vọng về thanh âm xanh ngát, xa vắng, mênh mông giọng ca trù nổi tiếng của đào nương Phan Thị Mơn. Có cái gì đó réo rắt rồi buông lơi, chơi vơi, liêu trai đi trong trưa hè man mác…

Dường như lần ấy tôi cũng đã đến nhà cố Mơn trong một buổi trưa như thế này. Và hôm nay, tiếng hát ấy bay ra từ đâu đó trong miền ký ức sâu thẳm của tôi, quanh quất trên bến, là là trên mặt nước và ngược gió bay xa qua những rặng bần. Rồi khi tiếng hát ấy đã xa, tôi lại nghe quanh mình có tiếng chèo Kiều mà các nghệ nhân làng Xuân Liên đã hát cho tôi nghe hôm nào.

Tôi chợt biết rằng, chính các giá trị văn hóa phi vật thể ấy là sợi dây bền chắc nhất chằng buộc tâm hồn tôi với mảnh đất này. Tôi đã đến, đã cảm và đã thu nhận vào lòng mình để rồi mỗi lần chạm đến, vùng ký ức ấy lại sống dậy một cách tự nhiên như nó đã nằm sẵn đâu đó từ tiền kiếp vậy…

Và diện mạo mới từ tuyến đê Hữu Lam

Nếu như tuyến đê Tả Lam thuộc Nghệ An đã hoàn thành từ rất lâu và trở thành một tuyến đường chạy dọc bờ sông căng mọng gió và đẹp mê hồn thì tuyến đê Hữu Lam thuộc Hà Tĩnh chỉ mới được thi công gần đây và đang trong giai đoạn hoàn thành. Nghi Xuân - một vùng đất văn hóa, địa linh nhân kiệt của xứ Nghệ nhờ đó đang trỗi dậy với sức sống mới của thời đại.

Đê Hữu Lam nhìn từ cầu Bến Thủy - Ảnh: A.H.
Đê Hữu Lam nhìn từ cầu Bến Thủy - Ảnh: A.H.

Mục tiêu của đê Hữu Lam là ngăn lũ sông Lam, bảo vệ cho 20.000 nhân khẩu và 3915ha đất thổ cư, canh tác, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời bảo vệ các khu di tích lịch sử văn hóa: Khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, di tích Tả Ao, khu công nghiệp và các cơ sở kiến trúc hạ tầng khác.

Đê cũng sẽ là một con đường bao quanh làng mạc, tạo cảnh quan môi trường, sinh thái cho khu đô thị mới Xuân An và khu kinh tế bắc Hà Tĩnh. Là con đường nối liền giao thông từ cầu Bến Thủy đến hai cảng cửa sông là Xuân Hải và Xuân Phổ tạo thuận lợi cho việc giao thương buôn bán ra bên ngoài.

Cùng với các cán bộ ban A huyện Nghi Xuân đi kiểm tra tiến độ thi công tuyến đê tôi mới thấy hết sức mạnh của sự chở che bao bọc từ nó. Một người dân mà tôi không kịp hỏi tên đã nói với tôi khi anh đang tiến hành nốt những việc còn lại của việc di dời đến mảnh đất mới: “Chúng tôi hiểu rất rõ giá trị và ý nghĩa của tuyến đê này nên rất bằng lòng đến nơi ở mới, dù việc rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn bao đời là việc không mấy dễ dàng”. Chính người đàn ông ấy đã cho tôi biết thêm về những cố gắng, nỗ lực để có được sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc khai sinh tuyến đê này.

Tuyến đê hữu sông Lam được xây dựng trong phạm vi từ cầu Bến Thủy đến đê Hội Thống qua địa bàn thị trấn Xuân An, thị trấn Nghi Xuân và các xã Xuân Giang, Tiên Điền, Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Đan. Hẳn ai cũng tin vào những lợi ích và diện mạo mới, sức sống mới mà nó mang lại cho vùng đất này.

Trở lại cầu Bến Thủy, phóng tầm mắt bao quát ra bốn phía, trong lòng lại trào dâng một cảm giác diệu vợi, gần gũi và thương mến vô cùng. Bên kia là thành Vinh sầm uất có núi Dũng Quyết với dấu tích Phượng Hoàng, Trung Đô, bên này là Hà Tĩnh với 99 đỉnh non Hồng lặng lẽ soi bóng xuống dòng La. Và kia là làng Xuân Giang như hòn đảo nhỏ giữa sông với doi cát vươn dài như muốn níu kéo bước chân đi ra biển của dòng Lam…

Dẫu nhiều lưu luyến, nhưng Lam Giang – một dòng xanh ngát đi giữa đất trời trước khi ra biển cũng đã để lại cho cả vùng đất Nghệ An và Hà Tĩnh những giá trị tinh thần và vật chất không dễ nơi nào có được.

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.