Nông dân Hà Tĩnh chống rét cho mạ, chuẩn bị xuống giống trà chính vụ lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, Hà Tĩnh đã gieo cấy được 53 ha mạ. Trước tình hình nhiệt độ xuống thấp, bà con nông dân chủ động chống rét cho số diện tích mạ vừa gieo. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện như làm đất, giống, vật tư phân bón… để sẵn sàng xuống giống trà lúa chính vụ xuân 2023.

Chủ động chống rét cho mạ

Thời điểm này, chị Trần Thị Huân (thôn Phú Mỹ, Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) đã xuống giống bắc mạ được gần 4 ngày. Đây cũng là lúc có nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt là ban đêm và sáng sớm. Vì thế, chị Huân đã mua thêm ni lông để che phủ cho mạ, vừa chống rét vừa chống chuột, bọ phá hại.

Nông dân Hà Tĩnh chống rét cho mạ, chuẩn bị xuống giống trà chính vụ lúa xuân

Chị Trần Thị Huân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) và nhiều nông dân khác ở Lộc Hà đã chủ động che phủ ni lông cho số diện tích mạ vừa gieo.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Thi (thôn Phú Mỹ) cũng đang kiểm tra sự phát triển của số mạ vừa gieo. Bà Thi chia sẻ: “Đây là số mạ sử dụng giống Xi23. Mùa này, nông dân đã quá quen với thời tiết giá lạnh nên phải để sẵn ni lông, xuống giống xong là phủ ngay để cây mạ khỏe, đồng đều thì lúa mới phát triển tốt, cho năng suất thu hoạch cao”.

Theo ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, vụ xuân 2023, Lộc Hà dự kiến gieo cấy 3.296 ha, chủ yếu cơ cấu sản xuất các giống lúa trà xuân muộn ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao (trên 90% diện tích). Hiện nay, một số diện tích có điện kiện đặc thù sử dụng các giống lúa Xi23, NX30, XT28... ở các xã như Thạch Mỹ, Phù Lưu, Thạch Châu, thị trấn Lộc Hà… đã được người dân bắc mạ trên 6 ha (tương đương 60 - 70 ha lúa cấy).

Huyện Lộc Hà đã chủ động công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện chống rét cho diện tích mạ đã gieo. Vì thế, qua theo dõi, số diện tích mạ này đang phát triển tương đối tốt.

Nông dân Hà Tĩnh chống rét cho mạ, chuẩn bị xuống giống trà chính vụ lúa xuân

Đến nay, toàn tỉnh đã gieo được hơn 53 ha mạ, tập trung chủ yếu ở các giống chiêm nếp, NX30, Xi23, XT28 ở các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, TX Kỳ Anh.

Được biết, đến nay, toàn tỉnh đã gieo được hơn 53 ha mạ, tương đương diện tích gieo cấy hơn 520 ha; tập trung chủ yếu ở các giống chiêm nếp, NX30, Xi23, XT28 ở các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, TX Kỳ Anh. Thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nông dân các địa phương đã chủ động biện pháp nhằm chống rét cho cây mạ như che phủ ni lông, duy trì độ ẩm, bổ sung tro bếp…

Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đón nhiều đợt không khí lạnh tăng cường với nhiệt độ thấp nhất khả năng xuống mức 13-16 độ C. Vì vậy, bà con cần tuyệt đối tuân thủ đúng kỹ thuật ngâm ủ giống, 100% diện tích bắc mạ phải che phủ ni lông.

Trong thời gian che ni lông cho mạ, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng dần > 15 độ C và có nắng vào buổi trưa, cần phải mở hai đầu ni lông vào ban ngày để thoát hơi nước, giúp cây quang hợp tốt hơn; ban đêm tiếp tục đậy lại. Ngoài ra, cần bổ sung cho mạ một lượng phân chuồng mục, tro bếp hoặc lượng nhỏ kali, lân để giúp cây ấm chân và cứng cáp, chống rét tốt hơn. Đồng thời, ruộng mạ cũng cần cho nước xung quanh ở mức 2 cm để giữ ấm.

Ông Nguyễn Trí Hà
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh
Nông dân Hà Tĩnh chống rét cho mạ, chuẩn bị xuống giống trà chính vụ lúa xuân

Hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 97% diện tích hoàn thành làm đất. Trong ảnh: Người dân làm đất ở huyện Thạch Hà.

Chuẩn bị các điều kiện xuống giống vụ xuân

Cùng với việc phòng chống rét cho mạ, nông dân các địa phương cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện để xuống giống trà lúa chính của vụ xuân 2023 (bắc mạ từ ngày 10/1 tới). Khắp các địa phương, người dân “vượt” rét, xuống đồng cày đất, làm cỏ bờ; đồng thời tranh thủ mua giống, vật tư phân bón… cho thời vụ xuống giống lớn nhất sắp tới.

Tại đại lý kinh doanh của ông Võ Tá Hồng (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), những ngày qua, bà con đã tập trung đến mua giống lúa để kịp vụ gieo cấy. Ông Hồng cho biết: “Đến nay, cửa hàng đã cung ứng ra thị trường trên 25 tấn lúa chủ yếu thuộc các giống Nếp,VRN 20, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8… Giá lúa giống năm nay tương đối ổn định, nguồn cung khá dồi dào nên bà con cũng dễ lựa chọn”.

Nông dân Hà Tĩnh chống rét cho mạ, chuẩn bị xuống giống trà chính vụ lúa xuân

Bà con đến mua giống tại đại lý kinh doanh của ông Võ Tá Hồng (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc).

Đang lựa chọn loại giống phù hợp, bà Phan Thị Bắc (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Vụ xuân này, gia đình tôi gieo cấy gần 1 mẫu lúa, chủ yếu là trà xuân trung và xuân muộn. Để bảo đảm diện tích đất, tôi dự định sử dụng các giống Nếp 98, Nếp 89, Bắc Thịnh, Hà Phát 3…. Đây là những giống có năng suất, chất lượng gạo ngon, thích ứng tốt với vùng sản xuất lúa tập trung của xã, chống chịu thời tiết và sâu bệnh tốt”.

Hiện nay, bà con nông dân cũng đang tất bật thuê máy làm đất đợt cuối, vệ sinh đồng ruộng để hạn chế sâu bệnh phát sinh. Năm nay, thời vụ làm đất diễn ra khá sớm theo các đợt ra quân chuyển đổi ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân chủ động sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 97% diện tích hoàn thành làm đất, một số địa phương có tỷ lệ lớn như huyện Can Lộc, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Sơn…

Nông dân Hà Tĩnh chống rét cho mạ, chuẩn bị xuống giống trà chính vụ lúa xuân

Chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn Trung Tiến, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) xử lý cỏ dại, đắp lại bờ để chuẩn bị xuống giống theo lịch thời vụ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn Trung Tiến, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) cho biết: “Hiện, cơ bản 8 sào lúa của gia đình đã được cày ải xong, tôi đang ra đồng để đắp bờ, kiểm tra lại hệ thống mương nước. Chúng tôi dự kiến sẽ tập trung làm đất, xuống giống từ ngày 15/1 - 26/1/2023”.

Được biết, diện tích gieo cấy lúa vụ xuân của toàn tỉnh là 59.049 ha, căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, xuống giống nhóm chủ lực sẽ tập trung xuống giống từ ngày 10/1 - 8/2/2023; thời vụ đối với lúa gieo thẳng được tính theo lịch bắc mạ.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các địa phương căn cứ vào tình hình điều kiện sinh thái và chế độ canh tác của bà con nông dân để bố trí lịch gieo cấy phù hợp với khung lịch thời vụ của tỉnh. Những vùng đất tốt, thâm canh cao thì bố trí gieo cấy vào cuối lịch thời vụ; những vùng đất xấu, thâm canh thấp thì bố trí vào đầu lịch thời vụ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.