Anh Nguyễn Xuân Năng vất vả chăm sóc đàn bò để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình mỗi năm khoảng 50 triệu đồng...
Vừa cho đàn bò ăn vừa trò chuyện, anh Nguyễn Xuân Năng ở thôn Bình Phong, xã Đức Lĩnh phấn khởi khoe, tháng trước mới bán một con me (bê) 5 tháng tuổi 8,3 triệu đồng. Chỉ vào con bê còn lại, anh nói, con này được 6 tháng, khách mua đã trả 9,5 triệu đồng nhưng muốn bán giá cao hơn. Theo anh Năng, nhờ tận dụng cỏ trên đồi cam, ngô và cỏ trồng nên đàn bò nái 5 con của anh sinh sản đều đặn mỗi năm một lứa, bê con được 5-7 tháng sẽ bán, mang về nguồn thu khoảng 40-50 triệu đồng...
Anh Phạm Duy Tiền ở thôn Tùng Quang đang lùa đàn bò của gia đình ra bãi chăn thả...
Cũng như gia đình anh Năng, anh Phạm Duy Tiền ở thôn Tùng Quang, xã Hương Quang cũng đã lựa chọn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình. Cách đây khoảng 4 năm, khi mới di dời tái định cư đến nơi đây, gia đình anh Tiền khá lúng túng trong lựa chọn hướng làm ăn. Nhưng sau đó anh đã lựa chọn nuôi bò để dễ chăm sóc, tận dụng được lợi thế đất đồi, lấy phân chăm sóc cho vườn cây ăn quả mới trồng và đây được xem là hướng đi phù hợp. Đến nay, đàn bò của anh đã lên đến 11 con, trong đó có 5 con bê, mỗi năm thu nhập khoảng dăm chục triệu đồng...
Bất chấp cái nắng đầu hè, gần trưa, người dân thôn Bình Phong (Đức Lĩnh) vẫn ra đông cắt cho cho bò...
Theo thống kê, hiện Vũ Quang có đàn bò 11.445 con, tăng 5.913 con so với cách đây 5 năm và đây được xem là vật nuôi chủ lực có mức tăng trưởng tốt nhất trong thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp trên địa bàn. Trong số các địa phương có tổng đàn bò lớn là xã Đức Lĩnh 2.491 con, Đức Giang 1.149 con, Đức Hương 1.096 con...
Bò hầu hết được nuôi trong các gia trại, nông hộ theo hình thức bán chăn thả để tận dụng các sản phẩm thừa trong nông nghiệp. Dự kiến, 5 năm tới, địa phương này sẽ có đàn bò khoảng gần 20.000 con.
Đối với chị Nguyễn Thị Đào ở thôn Hương Phố (Đức Hương) thì nuôi bò là phương án tốt nhất để xử lý thời gian nhàn rỗi và có thêm nguồn thu để thoát khỏi danh sách hộ nghèo...
Cùng với phát triển về số lượng thì đàn bò Vũ Quang cũng đã cải thiện nhiều về chất lượng. Cách đây mấy năm, tỷ lệ bò lai Sind trên địa bàn mới đạt 55%, trọng lượng mỗi con chỉ đạt 180-200kg. Đến nay, tỷ lệ lai Sind ở các cấp độ đã đạt 75%, trong đó bò lai có tỷ lệ máu ngoại trên 50% đã chiếm hơn 25% tổng đàn và trọng lượng cũng đã tăng lên 250-300 kg/con. Do đàn bò phát triển nhanh, chất lượng tốt nên ngoài cung cấp nguồn bò giống thì sản lượng thịt xuất chuồng đạt khoảng 600 tấn/năm, mang về giá trị sản xuất cho người nông dân khoảng 41 tỷ đồng...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sở dĩ đàn bò ở Vũ Quang ngày một đông và đang phát triển tốt là nhờ người dân luôn ưu tiên chăn nuôi loài vật này và có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc.
Nuôi bò không đòi hỏi cao về kỹ thuật, nó có khả năng chông chịu bệnh tật cao, thị trường tiêu thụ khá ổn định, lại có thể tận dụng địa bàn đồi núi rộng lớn và có nguồn thức ăn dồi dào. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các hộ chăn nuôi đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, được tiếp cận với các tiến bộ KHKT, được tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ và tư duy trong làm ăn kinh tế của người dân đã thay đổi...