327 con gia súc tại 7 huyện, thị Hà Tĩnh “dính” lở mồm long móng

(Baohatinh.vn) - Khi các địa phương đang nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi, trên địa bàn Hà Tĩnh lại xuất hiện dịch LMLM trên đàn gia súc. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 327 con gia súc bị mắc bệnh tại 7 huyện, thị và đang có nguy cơ tiếp tục lan rộng.

327 con gia súc tại 7 huyện, thị Hà Tĩnh “dính” lở mồm long móng

Hà Tĩnh hiện có 327 con trâu, bò bị “dính” bệnh lở mồm, long móng

Huyện Kỳ Anh là địa phương hiện có đàn trâu bò bị mắc bệnh LMLM nhiều nhất tỉnh với 200 con của 99 hộ thuộc 7 xã. Ca bệnh được phát hiện gần đây nhất ở xã Kỳ Lâm vào ngày 11/11.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh Phan Công Toàn cho rằng: Số gia súc bị bệnh trên hầu hết đều do các hộ chăn nuôi thả rông và chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, thời tiết khí hậu chuyển mùa, mưa ẩm kéo dài công với ý thức của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc còn chủ quan, lơ là.

327 con gia súc tại 7 huyện, thị Hà Tĩnh “dính” lở mồm long móng

Tập quán chăn thả rông là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia súc bị mắc bệnh

“Ngay sau khi xẩy ra dịch bệnh, ngành chuyên môn cùng các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khống chế không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Theo đó, huyện Kỳ Anh đã lập 49 chốt kiểm dịch, đồng thời cung ứng 2000 lít hóa chất, 9000 kg vôi bột để các địa phương có dịch phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực nuôi, lối đi lại và tại đầu mối trục đường giao thông...” - ông Toàn cho biết thêm.

327 con gia súc tại 7 huyện, thị Hà Tĩnh “dính” lở mồm long móng

Tiêm vắc xin là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc

Dịch bệnh LMLM xuất hiện ở địa bàn Hương Sơn từ ngày 24/10 và đến nay chỉ trong phạm vi xã Sơn Hồng nhưng số gia súc bị mắc bệnh khá nhiều (64 con). Trong đó, buộc phải tiêu hủy 6 con (2 trâu, 4 bò) với trọng lượng 404 kg.

Hiện tại, huyện Hương Sơn chỉ đạo xã Sơn Hồng tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển giết mổ gia súc, sản phẩm gia súc mẫn cảm đối với bệnh LMLM trong vùng có dịch theo quy định; khẩn trương tiêm phòng bao vây ổ dịch theo quy định, vùng bị dịch uy hiếp trực tiếp có bảo hộ miễn dịch ...

Từ ngày 13/10 bệnh LMLM trên đàn gia súc được phát hiện tại xã Thuần Thiện (Can Lộc) làm 9 con trâu bò bị mắc bệnh. Tiếp đó, dịch được phát hiện tại một số địa phương khác như: Thị xã Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hương Khê và Vũ Quang. Tính đến nay, toàn tỉnh có 327 con trâu, bò bị “dính” bệnh (51 trâu, 276 bò), trong đó có 8 bê, nghé bị chết, buộc phải tiêu hủy.

327 con gia súc tại 7 huyện, thị Hà Tĩnh “dính” lở mồm long móng

Các địa phương vùng dịch vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao

Theo cơ quan chuyên môn, điều lo nhất hiện nay là dịch bệnh LMLM rất có thể bùng phát trên diện rộng, bởi kết quả tiêm vắc xin LMLM cho đàn gia súc đến ngày 12/11 mới chỉ đạt 63% kế hoạch.

Ngoài ra, hiện tượng thả rông trâu bò, mua bán, vận chuyển trâu bò nhiễm bệnh về địa phương, tái phát ổ dịch cũ... là một trong những nguy cơ cao xẩy ra dịch bệnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú Y Hà Tĩnh Nguyễn Khắc Khánh cho biết: Trước tình hình dịch bệnh với nhiều diễn biến phức tạp, ngành chuyên môn cùng với các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Trong đó, đối với các địa phương có dịch chưa qua 21 ngày, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, lập cam kết với các hộ chăn nuôi để quản lý, chăm sóc chữa trị gia súc mắc bệnh tại chỗ, cách ly nguồn lây bệnh.

327 con gia súc tại 7 huyện, thị Hà Tĩnh “dính” lở mồm long móng

Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán gia súc vào ra trên địa bàn

Thực hiện tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch theo đúng quy định, đảm bảo 100% trâu, bò thuộc diện tiêm tại vùng dịch, vùng bị uy hiếp. Tổ chức vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại vùng dịch ít nhất 1 lần/ngày, khu vực liên quan 2 lần/tuần...

Cũng theo ông Khánh, đối với những địa phương chưa có dịch thì cần phải tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận các thôn xóm, cơ sở chăn nuôi để phát hiện, xử lý ổ dịch kịp thời khi mới bắt đầu xuất hiện không để lan ra diện rộng. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật và hành nghề thú y trên địa bàn...

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast