Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

(Baohatinh.vn) - Dù năng suất ốc hương trên mỗi ao nuôi năm nay cao hơn những năm trước, nhưng người dân xứ Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang “đứng ngồi không yên” vì gần 90 tấn ốc đang đến kỳ thu hoạch bị rớt giá, đọng hàng.

Ốc hương... rớt giá

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Anh Nguyễn Văn Dần (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) đầu tư nuôi 2 ao ốc hương, với diện tích gần 6.000m2 mặt nước.

Anh Nguyễn Văn Dần (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) cho biết, đầu năm nay gia đình anh đầu tư nuôi 2 ao ốc hương, với diện tích gần 8.000m2 mặt nước, với vốn đầu tư hơn 700 triệu đồng. So với mọi năm thì năm nay ốc hương đạt năng suất cao hơn. Sau 7 tháng, nuôi gia đình anh dự kiến thu về khoảng 9 tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 3 tấn.

Anh Dần cho biết: “Mặc dù đạt năng suất cao, nhưng giá lại thấp hơn nhiều so với những năm trước. Hiện tại, ốc hương đang được thương lái thu mua với giá từ 110 - 140 nghìn đồng/kg tùy cỡ lớn nhỏ, thấp hơn năm ngoái từ 60 - 70 nghìn/kg. Giá rẻ là vậy nhưng không phải cứ kêu bán là có người đến mua”.

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Anh Dần thường xuyên theo dõi độ mặn trong nước để ốc hương sinh trưởng tốt.

Cũng theo anh Dần, những năm trước, khi ốc đạt 150 con/kg là sẽ có thương lái đến mua số lượng lớn tại ao, với giá từ 200 - 220 nghìn đồng/kg. Năm nay, thương lái chưa đến thu mua.

Dù chưa xuất bán được kg ốc nào nhưng hàng ngày, anh Dần vẫn phải chăm sóc, theo dõi ốc cẩn thận. Bởi theo anh Dần, thời điểm này thường xuất hiện các đợt mưa lớn kéo dài, nếu không kiểm tra ao nuôi thường xuyên có thể khiến ốc chết hàng loạt và thiệt hại lớn là khó tránh khỏi.

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Dù đã đến kỳ xuất bán nhưng gần 8 tấn ốc hương của gia đình ông Trần Quốc Vựng (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) vẫn chưa thể thu hoạch do không có người mua.

Liên tục gọi điện cho thương lái quen để hỏi khi nào đến thu mua, ông Trần Quốc Vựng (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) chỉ nhận được câu trả lời rầu rĩ: “Cố gắng chờ thêm. Tạm thời chưa có mối xuất hàng đi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vựng lo lắng nói: “Hai ao nuôi với gần 8 tấn ốc hương đã đến kỳ thu hoạch, như mọi năm tôi đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Năm nay dù giá đã xuống thấp nhưng vẫn không có ai hỏi mua, gia đình tôi rất sốt ruột”.

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Ông Vựng lo lắng 8 tấn ốc không biết đến bao giờ mới có thể xuất bán hết.

Cũng theo ông Vựng, những năm trước từ cuối tháng 8 là ốc hương đã bắt đầu cho thu hoạch chính vụ, nhưng năm nay đã giữa tháng 9, người dân xứ Cồn Vạn vẫn phải chăm sóc ốc, mòn mỏi trông chờ thương lái đến thu mua.

“Lo lắng lớn nhất của bà con xứ Cồn Vạn chúng tôi lúc này là mùa mưa bão đã gần kề, nếu không xuất bán bớt ốc hương thì nguy cơ “mất trắng” luôn hiện hữu, người dân lại lâm vào cảnh “nợ chồng nợ”. Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp hỗ trợ tìm đầu ra để bà con sớm thu hồi được số vốn đã đầu tư” - ông Vựng bày tỏ.

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Thời điểm này, thay vì đang tất bật xuất bán, người dân xứ Cồn Vạn lại phải quẩn quanh từng bên những ao nuôi để chăm sóc ốc.

Mong muốn các cấp, ngành gỡ khó

Theo nhiều người dân Cồn Vạn, những năm trước, giá ốc hương thương phẩm dao động ở mức từ 230 - 250 nghìn đồng/kg; có thời điểm giá ốc lên tới 280 - 300 ngàn đồng/kg, có thời điểm giá ốc rớt xuống thấp như tháng 11 năm ngoái giá xuống dưới 180 - 210 nghìn đồng/kg. Nhưng, giá thấp này chỉ duy trì trong thời gian ngắn khoảng vài tuần, rồi tăng trở lại sau đó.

Năm nay, giá ốc xuống thấp không theo quy luật và giữ mức thấp trong thời gian dài khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Với giá ốc hiện nay, người nuôi khó có lãi, trong khi chi phí đầu tư nuôi ốc ngày càng tăng cao.

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Bà Nguyễn Thị Nam (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) lo lắng khi giá ốc xuống thấp.

Bà Nguyễn Thị Nam (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) cho biết: “Gần 15 năm nuôi ốc hương nhưng chưa năm nào tôi chứng kiến cảnh giá ốc hương rẻ và khó bán như thế này. Loại lớn (150 con/kg) giờ chỉ bán được 140 nghìn đồng/kg, nhưng số này chiếm khoảng 20% ốc nuôi trong ao. Số còn lại đã giảm xuống 100 - 120 nghìn đồng/kg (loại từ 160 - 170 con/kg). Với giá bán này không hộ nuôi nào có lãi, còn nếu không bán được thì rất ít người trụ nổi đến cuối năm vì chi phí thức ăn, chăm sóc khi ốc lớn, rất tốn kém”.

Cũng theo bà Nam, gia đình bà hiện tại có khoảng 6 tấn ốc hương đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn không thấy ai đến hỏi mua. Những năm trước, gia đình bà thường xuất bán ốc cho các thương lái phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc, với giá trung bình khoảng từ 200 - 230 nghìn đồng/kg tùy loại.

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Dù giá thấp nhưng ốc hương xứ Cồn Vạn vẫn khó tiêu thụ.

Theo các tiểu thương buôn bán ốc hương, giá ốc xuống thấp vì tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành đang phải thực hiện cách ly xã hội nên việc vận chuyển hàng vào các thị trường như: TP.HCM, Hà Nội gặp khó. Ngoài ra, nửa năm nay việc xuất khẩu ốc hương sang thị trường Trung Quốc bị “đóng băng” khiến giá ốc hương “lao dốc”.

Gần 90 tấn ốc hương của nông dân xứ Cồn Vạn “bí” đầu ra

Hiện tại, ốc hương đang được người dân xứ Cồn Vạn bán với giá từ 110 - 140 nghìn đồng/kg tùy cỡ lớn nhỏ.

Xứ Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh) từng được biết đến là thủ phủ nghề nuôi ốc hương của huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình hình dịch bệnh, thiên tai thất thường nên nhiều hộ dân đã giảm diện tích nuôi. Hiện tại, toàn xã còn khoảng 15 hộ nuôi, với diện tích hơn 7 ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Lê Quang Vinh cho biết: “Vụ ốc năm nay người dân xứ Cồn Vạn ước thu gần 90 tấn ốc thương phẩm, so với những năm trước thì năm nay năng suất ốc trên mỗi ao nuôi đạt cao hơn, tăng từ 2 - 3 tấn/ao. Nếu như mọi năm, thời điểm này người dân đã xuất bán được gần hết, thì nay mới chỉ bán được khoảng 1/5 sản lượng. Để giúp bà con sớm xuất bán, địa phương đã liên hệ một số tiểu thương trên địa bàn, tuy nhiên, số lượng tiểu thương này sức mua hạn chế, chỉ tiêu thụ ở các chợ dân sinh trên trên địa bàn tỉnh. Cho nên, chúng tôi rất mong các cấp, ngành cần chung tay, tìm kiếm và kết nối các thị trường lớn để sớm tìm ra giải pháp tiêu thụ ốc hương cho bà con, nhất là khi mua mưa bão đang gần kề".

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast