Nuôi vịt biển thích nghi với các vùng nuôi mặn lợ ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Giống vịt biển 15 - Đại Xuyên được du nhập vào xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bước đầu đã khẳng định thích nghi rất tốt và hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau thời gian 50 ngày được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cung ứng giống và tiến hành thả nuôi, đến thời điểm này, 500 con giống vịt biển 15 - Đại Xuyên của gia đình ông Nguyễn Thanh Trúc ở xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên đã được xuất bán.

Nuôi vịt biển thích nghi với các vùng nuôi mặn lợ ở Hà Tĩnh

Đàn vịt của gia đình ông Nguyễn Thanh Trúc vào thời kỳ xuất bán

Với giá bán trên 50 ngàn đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí trong quá trình nuôi, ông Trúc thu lãi gần 30 triệu đồng, một khoản thu mà từ trước đến nay gia đình chưa thể thực hiện được đối với các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống khác.

Ông Trúc cho biết: Với điều kiện đất đai và mặt nước khá dồi dào, trước đây gia đình ông đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhưng hiệu quả kinh tế không như ý muốn; nay mặc dù chỉ mới bước đầu nhưng mô hình nuôi vịt biển 15 - Đại Xuyên đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Nuôi vịt biển thích nghi với các vùng nuôi mặn lợ ở Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và địa phương kiểm tra sự phát triển của cá thể vịt giống mới của ông Trúc (đứng thứ 2 từ phải sang) sau 2 tháng thả nuôi.

“Giống vịt này tỷ lệ sống cao, ít nhiễm dịch bệnh; thích nghi rất tốt với điều kiện tự nhiên ở đây và đặc biệt lớn rất nhanh. Nếu như với giống vịt truyền thống, ít nhất cũng phải sau 2 tháng nuôi mới xuất bán được, thì vịt biển chỉ cần 45 - 50 ngày. Sau lứa nuôi này, gia đình tôi tiếp tục đăng ký và mở rộng quy mô đàn vịt, tận dụng tối đa diện tích nuôi thả hiện đang khá dồi dào để nâng cao thu nhập” - ông Trúc chia sẻ.

Đây là một trong 3 mô hình nuôi thí điểm giống vịt biển 15 - Đại Xuyên xã Cẩm Hà do Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cung ứng giống (mỗi hộ 500 con) theo chương trình khuyến nông tại các vùng nuôi mặn lợ tại các xã ven biển huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Nuôi vịt biển thích nghi với các vùng nuôi mặn lợ ở Hà Tĩnh

Giống vịt biển 15 - Đại Xuyên có tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh; trọng lượng mỗi cá thể trưởng thành đạt từ 2,5 đến 2,9 kg/con.

Nhờ được trung tâm hỗ trợ đầy đủ về thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi, cả 3 đàn vịt đều phát triển nhanh và đồng đều. Bình quân tỷ lệ sống của các đàn vịt nuôi thí điểm tại xã Cẩm Hà đạt trên 96%, trọng lượng mỗi cá thể đạt từ 2,5 đến 2,9 kg/con.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Mặc dù phong trào chăn nuôi gia cầm, thủy cầm của người dân Cẩm Hà phát triển mạnh từ lâu, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên hiệu quả kinh tế không cao. Qua thí điểm mô hình vịt biển với hiệu quả bước đầu khả quan, người dân cũng như cán bộ địa phương rất phấn khởi. Sắp tới, chăc chắn mô hình này sẽ được nhân rộng và phát triển mạnh tại địa bàn để thay thế dần các loại vật nuôi kém phù hợp”.

Nuôi vịt biển thích nghi với các vùng nuôi mặn lợ ở Hà Tĩnh

Các xã vùng ven biển có điều kiện mặt nước dồi dào nhưng hầu hết nhiễm mặn. Giống vịt biển được du nhập vào đây sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại thủy cầm nước ngọt

Theo ông Đào Viết Hùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thì giống vịt biển 15 - Đại Xuyên được Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nghiên cứu và chọn tạo, đưa vào nuôi thành công trong những năm gần đây.

Giống vịt này có khả năng thích nghi rộng trên mọi loại môi trường nước, đặc biệt là môi trường nước biển; thịt cũng rất thơm ngon nên thời gian gần đây được nhiều hộ nuôi thủy cầm vùng ven biển lựa chọn.

Nuôi vịt biển thích nghi với các vùng nuôi mặn lợ ở Hà Tĩnh

Ngoài môi trường nước mặn, nước lợ, giống vịt này cũng có thể thích nghi rộng đối với các môi trường khác.

“Thành công bước đầu của các mô hình nuôi thí điểm giống vịt biển 15 - Đại Xuyên đã mở ra hướng đi mới mẻ và khả quan trong phát triển kinh tế gia đình cho bà con các xã vùng ven biển. Thời gian tới, ngành chức năng sẽ phối hợp với các địa phương, có sự khảo sát, đánh giá cụ thể để sớm nhân rộng và đưa mô hình kinh tế này vào phát triển đại trà tại các xã ven biển và các vùng phụ cận có điều kiện về đất đai, mặt nước”. Ông Đào Viết Hùng cho biết.

Không chỉ người dân Cẩm Hà và các xã thuộc diện thí điểm mô hình, đối với người chăn nuôi vùng biển, việc thí điểm thành công mô hình nuôi vịt biển là bước đột phá, là cơ hội để góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân.

Nuôi vịt biển thích nghi với các vùng nuôi mặn lợ ở Hà Tĩnh

Giống vịt biển 15 - Đại Xuyên du nhập thành công, góp phần thực hiện phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa của người dân ở các xã ven biển.

Tuy nhiên, để mô hình sớm nhân rộng và phát huy được hiệu quả, theo người chăn nuôi, cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, chuyển giao giống kịp thời, đồng thời tích cực hỗ trợ các điều kiện chăn nuôi như: chuyển giao KHKT nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi; kết nối được đầu ra bền vững để bà con yên tâm tham gia, phát triển theo hướng đi mới này để nâng cao thu nhập.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast