Thạch Sơn đi lên từ nghèo khó

(Baohatinh.vn) - Là một xã nằm ở hạ lưu sông Nghèn, đời sống người dân Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) trước đây gặp nhiều khó khăn. Trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã 14,5%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,2 triệu đồng, cơ cở hạ tầng yếu kém. Bằng cách nào để thoát nghèo đi lên, để xây dựng nông thôn mới quả là một bài toán khó đối với người dân, Đảng bộ và chính quyền xã.

Thạch Sơn đi lên từ nghèo khó

Trung tâm hành chính xã Thạch Sơn.

Đột phá từ tích tụ, chuyển đổi đất nông nghiệp

Thạch Sơn có diện tích tự nhiên 1.050 ha, trong đó đất nông nghiệp 634 ha, đất trồng lúa 263 ha. Mặc dù Thạch Sơn đã 2 lần chuyển đổi đất nhưng do cơ cấu địa hình phức tạp nên đồng ruộng vẫn còn manh mún, rất khó áp dụng các yếu tố kỹ thuật để thâm canh cây trồng, nhất là khâu điều tiết nước, giống và thời vụ sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp.

Toàn xã vẫn còn 5.815 thửa, bình quân mỗi thửa 360 m2, mỗi hộ có 8-10 thửa. Biết vậy nhưng làm thông suốt tư tưởng của dân không hề dễ, nào ruộng xa, ruộng gần, đất tốt đất xấu, đất cao đất thấp, lấy đâu tiền để đóng góp…?

Thạch Sơn đi lên từ nghèo khó

Cải tạo đồng ruộng thôn Sơn Tiến bằng cơ giới.

Ông Đặng Hữu Diệu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn là cán bộ cấp huyện tăng cường cơ sở khẳng định: “Đây là cuộc cách mạng để chuyển hóa tư tưởng bảo thủ trong tập quán làm ăn từ trong đảng cho đến người dân. Dù khó đến mấy cũng phải làm, không thể ngủ quên từ tiềm năng và lợi thế vốn có, đó là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản”.

Đảng bộ chủ trương xây dựng đề án với cách làm và bước đi cụ thể, khoa học và có sức thuyết phục cao. Năm 2020, khi chưa có nghị quyết về tích tụ ruộng đất của Tỉnh ủy, Thạch Sơn đã cử một số cán bộ vào xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm; hợp đồng với cơ quan chuyên môn đề khảo sát, đo đạc, xây dựng đề án, cân đối kinh phí đầu tư cho mỗi ha là 36,8 triệu đồng (mỗi sào 1,84 triệu đồng). Sau khi đề án được phê duyệt, địa phương ban hành chính sách khuyến khích tích tụ đất, cải tạo đồng ruộng với phương châm chính quyền và dân cùng làm (ngân sách 70%, Nhân dân 30%, mỗi sào dân đóng góp 550.000 đồng).

Ngoài những vùng, thửa diện tích tương đối hợp lý, địa phương đặt mục tiêu tích tụ, chuyển đổi 200 ha, giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 phải hoàn thành cải tạo 90 ha với hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng hoàn thiện và đồng bộ. Diện tích mỗi thửa từ 5.000 m2 đến 8.000 m2, mỗi hộ 1 đến 2 thửa, làm cuốn chiếu dứt điểm từng vùng.

Phương án được niêm yết công khai và đưa ra dân thảo luận, góp ý, có thôn tổ chức họp 3 - 4 lần, tạo được sự đồng thuận cao. Từ đó để chọn nhà thầu thi công và vận động các hộ làm đơn đăng ký.

Trong 3 năm (từ 2020 đến 2022), xã đã làm được 100,52ha. Sau khi có Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 23/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chủ trương tích tụ chuyển đổi đất càng tạo thêm sức mạnh cho địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án. Riêng năm 2022, xã đã làm trên 70ha. Nhờ có thửa lớn nên rất thuận lợi trong cơ cấu giống, thời vụ sản xuất, điều tiết nước tưới khoa học, sử dụng máy móc cơ giới thuận lợi và giảm chi phí sản xuất.

Thạch Sơn đi lên từ nghèo khó

Người dân Thạch Sơn tham gia cải tạo đồng ruộng.

Ông Nguyễn Tiến Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Sơn Tiến cho biết: “Thôn đã tích tụ chuyển đổi đất 15/30ha, có 5 ha đã đưa vào canh tác từ năm 2021, cơ cấu bộ giống mới QB-5 và Bắc Thịnh, năng suất bình quân đạt 320kg/sào, tăng 25% so với trước đây”. Ông cho rằng, việc công khai hóa và công tác vận động dân rất quan trọng. Lúc mới triển khai muôn vàn khó khăn, nhưng khi người dân đã nhận thấy được hiệu quả thì tạo được sức cuốn hút mạnh mẽ, vừa đóng góp kịp thời kinh phí, vừa tham gia ngày công cải tạo mặt bằng, làm giao thông thủy lợi nội đồng.

Trên cơ sở diện tích được tích tụ, xã đã chỉ đạo xây dựng 3 mô hình cánh đồng mẫu lớn 44,5 ha, cơ cấu giống mới và thực hiện đúng quy trình thâm canh. Sản lượng lương thực năm 2022 tăng 332 tấn so với 2018.

Mạnh dạn chuyển đổi và phát triển nuôi trồng thủy sản

Sau khi ngăn đập Đò Điệm, ngư trường đánh bắt cá trên sông thu hẹp. Từ chỗ cả xã có trên 150 chiếc thuyền với công suất từ 30-90 CV, nay chỉ còn 65 thuyền, cơ cấu mỗi thuyền 3-4 lao động đánh bắt thủy sản vùng hạ nguồn sông Hạ Hoàng. Nhiều thuyền lưới, ngư cụ được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị xuống cấp hư hỏng.

Khó khăn nhất là gần 200 hộ với hơn 1.550 khấu vùng giáo ở 2 thôn Sông Hải và Sông Tiến thu nhập chủ yếu bằng nghề chài lưới, không có đất nông nghiệp nên phần lớn lao động không có việc làm, chỉ làm nghề buôn bán nhỏ và xuất khẩu lao động. Diện tích nuôi trồng thủy sản có 134 ha nhưng bị chia cắt bởi sông lạch, chưa có đường giao thông. Mặc dù đã có 1 trạm bơm điện do huyện xây dựng hàng chục năm nhưng chưa đóng điện và bàn giao cho ngành điện quản lý. Do đó, người dân muốn đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi trồng thủy sản ở khu vực Bãi Lũy, Cồn Trửa cũng khó.

Đảng bộ khẳng định nuôi trồng thủy sản là tiềm năng, lợi thế của xã, không phải địa phương nào cũng có được. Do đó, phải có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển các mô hình, khai thác các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, giao thông, nhằm khai thác tối đa diện tích ao hồ, đầm lầy, mặt nước để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Với ngư dân làm nghề đánh bắt cá ở Sông Hải được cơ cấu 1 bộ phận đánh bắt thủy sản trên sông, trên lộng, số còn lại chuyển sang nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn. Toàn xã đã phát triển được 278 ô lồng bè của 64 bè, diện tích 7.506 m2 để nuôi cá chẽm, cá hồng, cá mú; có năm đạt sản lượng gần 100 tấn, giá trị trên 11 tỷ đồng.

Thạch Sơn đi lên từ nghèo khó

Mô hình nuôi tôm chất lượng cao trong bể bê tông của anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Sông Hải.

Vùng Sông Tiến và các thôn khác phát triển nuôi tôm thẻ, tôm sú và cá nước ngọt ở ao hồ hoặc kết hợp lúa cá trên ruộng, với diện tích 75 ha, đạt sản lượng 275 tấn. Gần đây chuyển sang nuôi tôm càng xanh, cá lăng, cá vợc, ốc bươu đen, vừa chống chịu dịch bệnh tốt hơn, vừa có hiệu quả kinh tế cao hơn các loại giống trước đây. 10 mô hình nuôi tôm càng xanh, cá lăng, nuôi tôm chất lượng cao trong bể xi măng nhà lưới trong 2 vụ đầu đã gặt hái thành công. Anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Sông Hải) cho biết: “Tôi đầu tư 2,6 tỷ đồng để xây 4 hồ, với diện tích 2.000m2, thả 30 vạn giống tôm thẻ, sau 3 tháng thu hoạch đạt sản lượng 6 tấn sản phẩm, giá trị gần 1,1 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất, còn lãi 500 triệu”.

Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Sông Tiến) nhận nuôi trồng 3,5 ha, đã thả giống 4.000 con cá lăng, 2.000 con cá vợc, 13 vạn con giống tôm càng xanh phát triển rất tốt. Nay tôm, cá đã đến kỳ thu hoạch, riêng cá vợc, cá lăng đã bán được gần 100 triệu đồng.

Nhờ những giải pháp đúng đắn và kịp thời nên tiềm năng nuôi trồng thủy sản được đánh thức, sản lượng thủy sản đạt 579 tấn. Điều quan trọng là khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân.

Thạch Sơn đi lên từ nghèo khó

Chủ hộ Nguyễn Văn An, thôn Sông Tiến kiểm tra chất lượng phát triển của tôm càng xanh

Ngoài tích tụ đất, cải tạo đồng ruộng để thâm canh, phát triển nuôi trồng thủy sản, địa phương rất chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế khác như mô hình trồng dưa lưới, rau củ quả trong nhà màng, mô hình nuôi bò nhốt, nuôi gà, phát triển các nghề cơ khí, mộc, dịch vụ thương mại và xuất khẩu lao động gần 800 người, nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Với những chủ trương và giải pháp đúng đắng, sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ các cấp, Thạch Sơn đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Tổng nguồn vốn huy động trên 130 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Nhân dân. Các tiêu chỉ về cơ sở vật chất hạ tầng đều đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,3 triệu đồng, tăng hơn 40 triệu đồng so với 10 năm trước.

Thạch Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Tin tưởng mục tiêu phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao vào tháng 6 năm 2023 sẽ thành hiện thực.

Thạch Sơn đi lên từ nghèo khó

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast