Ứng dụng khoa học sản xuất phân hữu cơ quy mô công nghiệp ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, đến nay, Công ty CP sản xuất phân bón Thống Nhất (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã hoàn thiện quy trình sản xuất phân bón hữu cơ với quy mô gần 20 tấn/ngày, sản phẩm có mặt tại 15 tỉnh thành trong cả nước.

Quy trình sản xuất phân hữu cơ Thống Nhất

Ông Trần Quốc Thế - Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất phân bón Thống Nhất chia sẻ: Theo đánh giá, điều tra thổ nhưỡng, tổng nhu cầu phân bón hữu cơ tại Hà Tĩnh ước khoảng 130.000 tấn/năm. Con số này cho thấy thị trường phân bón ở Hà Tĩnh đang hết sức sôi động. Đồng thời, để tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi, chúng tôi có ý tưởng xây dựng nhà máy chế biến phân bón hữu cơ vi sinh. Năm 2021, sau khi sản xuất thử nghiệm khá thành công, chúng tôi mang ý tưởng này tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2021” và may mắn giành giải nhì.

Ứng dụng khoa học sản xuất phân hữu cơ quy mô công nghiệp ở Hà Tĩnh

Nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ là phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi..

Đáng nói, không chỉ phần thưởng, giá trị thực tế mà chúng tôi nhận được là rất lớn. Qua góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, thị trường…, chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm để bổ sung, hoàn thành quy trình sản xuất cũng như hoàn thiện sản phẩm.

Ứng dụng khoa học sản xuất phân hữu cơ quy mô công nghiệp ở Hà Tĩnh

Công ty sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hoá cao.

Ý tưởng dự án sản xuất phân bón hữu cơ dựa trên cơ sở thừa hưởng kết quả nghiên cứu đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh chủ trì thực hiện năm 2019. Với đặc tính vượt trội và tác dụng tích cực dù trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất, chế phẩm sinh học HATIMIC (kết quả đề tài nghiên cứu nói trên) sử dụng trong sản xuất phân bón hữu cơ tạo ra sản phẩm có thể thay thế được toàn bộ phân chuồng, tiết kiệm được từ 15 - 20% phân hóa học mà vẫn đạt được năng suất tương đương hoặc cao hơn từ 5-10%, được bà con nông dân tin tưởng sử dụng trong thời gian qua.

Ứng dụng khoa học sản xuất phân hữu cơ quy mô công nghiệp ở Hà Tĩnh

Các sản phẩm được đóng gói trong bao bì chất liệu PP dệt có thể chịu lực và có độ bền cao, chống ẩm và chống nước.

Bên cạnh đó, để tăng chất lượng phân bón, Công ty CP Sản xuất phân bón Thống Nhất đã tự tìm tòi, nghiên cứu bổ sung thêm các thành phần đa trung - vi lượng phù hợp, tạo nên sự khác biệt của sản phẩm.

Anh Phạm Văn Cảnh - quản lý nhà máy sản xuất (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) chia sẻ: "Chúng tôi sử dụng nguyên liệu từ phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi giúp giảm áp lực xử lý môi trường, biến rác thải thành sản phẩm hữu ích. Quy trình sản xuất tự động cao với máy móc công nghệ hiện đại. Nguyên liệu tập kết tại nhà máy được trộn đều với nhau sau quá trình sơ chế, sàng thô để loại bỏ tạp chất. Tiếp đó, nhà máy trộn chế phẩm sinh học HATIMIC vào nước và tưới đều lên nguyên liệu. Sau khi ủ chế phẩm đủ thời gian (60-70 ngày), nguyên liệu được đưa lên băng tải vào máy để nghiền mịn.

Ứng dụng khoa học sản xuất phân hữu cơ quy mô công nghiệp ở Hà Tĩnh

Nhà máy đang tạo việc làm cho 10 lao động.

Tại đây, nguyên liệu được đóng bao và cho ra thành phẩm Organic. Để có thành phẩm thứ 2 (hữu cơ vi sinh HT02), nguyên liệu tiếp tục được bổ sung thêm N-P-K liều lượng nhất định và đóng bao hoàn thiện. Để cho ra thành phẩm thứ 3 (hữu cơ khoáng HT03), nguyên liệu tiếp tục được bổ sung các nguyên tố đa trung vi lượng. Sản phẩm được sản xuất dưới nhiều dạng: dạng bột, dạng viên nén và vo viên và được đóng gói trong bao bì loại 5kg, 10kg, 25kg, 50kg. Sản lượng sản xuất đạt khoảng 18-20 tấn/ngày.

Ông Trần Quốc Thế cho biết thêm: “Hiện tại công ty đã xây dựng được hàng chục đại lý tại các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh và phân phối đến 15 tỉnh thành khác trong cả nước. Mục tiêu của công ty sẽ phát triển thị trường khu vực miền Trung và miền Bắc. Đồng thời, hướng tới xuất khẩu đến thị trường Lào và mở rộng đến Campuchia. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác, khó khăn nhất hiện nay của chúng tôi là kinh phí, do đó, công ty mong muốn được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô.”

Ứng dụng khoa học sản xuất phân hữu cơ quy mô công nghiệp ở Hà Tĩnh

Sản lượng sản xuất của nhà máy đạt khoảng 18-20 tấn/ngày.

Hiện tại, dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có doanh thu chi tiết. Còn theo tính toán, từ năm thứ 3 trở đi, các sản phẩm chủ đạo chính (phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ sinh học) với tổng sản lượng hàng năm khoảng 14.000 tấn (công suất dây chuyền 108%) sẽ đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 8 tỷ đồng. Dự án hiện tại đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, trong thời gian tới, nhu cầu lao động là 23 người.

Phó Giám đốc HTX Quyết Tiến (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) Nguyễn Sỹ Thành cho hay: “Vụ xuân này, chúng tôi thử nghiệm đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất. Qua thời gian đầu cho thấy cây lúa phát triển tốt. Ngoài ra, phân hữu cơ Thống Nhất có thể bón cho nhiều loại cây lâu năm khác cho hiệu quả tốt mà giá cả phải chăng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tin dùng sản phẩm hữu cơ này cho các mùa vụ tiếp theo.”

Đây là một trong những dự án, đề tài có bước “trưởng thành” rất lớn sau cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2021”, đến nay đã tạo ra khối lượng sản phẩm lớn. Ngoài lợi ích kinh tế, dự án còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường. Hiện, theo đề xuất của công ty, sở đang xem xét để tiếp tục hỗ trợ về mặt công nghệ để doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Bảy - Phòng Quản lý Công nghệ và Chuyên ngành - Sở KH&CN

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast