Chuyện về người cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Giữa những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Trần Hậu Ngọc (80 tuổi, trú phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) - con trai cán bộ tiền khởi nghĩa Trần Hậu Xương để cùng ôn lại những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử hào hùng tại Hà Tĩnh.

Chuyện về người cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hà Tĩnh

Chân dung người cán bộ tiền khởi nghĩa Trần Hậu Xương.

Người tham gia tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Thạch Hà

Ông Trần Hậu Xương sinh năm 1913, trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng ở thôn Văn Yên, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà (nay là phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh). Năm 1929, lúc vừa mới 16 tuổi, ông Trần Hậu Xương đã sớm giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Tân Việt Cách mạng Đảng. Sau đó, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh hoạt tại Chi bộ xã Trung Tiết. Và chỉ sau một thời gian ngắn, ông được giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã Trung Tiết.

Tháng 11/1931, ông Trần Hậu Xương làm Trưởng ban Vận động quần chúng, diễn thuyết ở xã Thạch Trị (Thạch Hà). Ông cùng Nhân dân biểu tình, rải truyền đơn, treo cờ, dán khẩu hiệu: “Đả đảo bọn thực dân Pháp và bọn tay sai bóc lột Nhân dân”. Sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt, bị tra tấn rất dã man và bị giam vào nhà lao Hà Tĩnh, kết án 3 năm tù. Trong nhà tù thực dân Pháp, mặc dù bị tra tấn, cùm kẹp, đói rét và bệnh tật nhưng ông và các đồng chí của mình vẫn một lòng trung kiên với Đảng, đấu tranh tuyệt thực.

Tháng 1/1933, hết hạn tù, ông Trần Hậu Xương được thả ra, sau đó về nhà làm nghề khám mạch - bốc thuốc - châm cứu. Trong thời gian này, ông Trần Hậu Xương tiếp tục hoạt động cách mạng, chuẩn bị tinh thần, lực lượng cùng toàn dân vùng dậy giành chính quyền về tay Nhân dân khi thời cơ đến.

Ngày 10/4/1945, ông bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh ở trong tỉnh và họp tại TX Hà Tĩnh (địa điểm Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh hôm nay) để bàn về chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Thời gian sau, ngày 7/8/1945, ông tham gia một cuộc họp quan trọng tại xã Phù Việt (Thạch Hà), nhận chỉ thị của Mặt trận Việt Minh chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ngày 9/8/1945, ông Trần Hậu Xương và các đồng chí trong Mặt trận Việt Minh huyện Thạch Hà trao đổi, dự kiến sẽ tổ chức mít tinh ở xã Phù Việt, từ đó bố trí đoàn khởi nghĩa về TX Hà Tĩnh. Lịch sử Đảng bộ xã Đồng Môn còn ghi lại những hình ảnh, những hoạt động cách mạng tại xã và các huyện Thạch Hà, Can Lộc trong những ngày từ 16 - 18/8/1945 với vai trò tham gia tổ chức của ông Trần Hậu Xương. Ông đã hoạt động khẩn trương, liên tục, không mệt mỏi để cùng Mặt trận Việt Minh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân mau chóng đi đến thắng lợi.

Chuyện về người cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hà Tĩnh

Cùng với cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Trong ảnh: Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào sáng 19/8/1945 (Ảnh tư liệu của TTXVN).

Theo Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh (1930-1945), ngày 17/8/1945, nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh liên tỉnh, Ủy ban Khởi nghĩa Phân khu Nam Hà đã ra lệnh cho ủy ban khởi nghĩa 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền để làm hậu thuẫn cho việc giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào ngày hôm sau (trang 136). Cuộc biểu tình thị uy có hàng nghìn người, già trẻ, trai gái tham gia. Tinh thần cách mạng sôi nổi, khí thế của quần chúng nhân dân như nước vỡ bờ. Những khẩu hiệu thét vang như: “Đả đảo bọn thực dân Pháp và bọn tay sai bóc lột Nhân dân”, “Việt Nam độc lập muôn năm”… Đoàn biểu tình rầm rộ tiến thẳng vào giành chính quyền ở xã Trung Tiết và phủ Thạch Hà.

Tiếp đó, các đoàn biểu tình ở các xã lân cận kéo về sáp nhập vào đoàn biểu tình giành chính quyền ở TX Hà Tĩnh. Tinh thần cách mạng sôi nổi, khí thế quần chúng lên cao. Kết thúc thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh vào ngày 18/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời các cấp từ xã - huyện đến tỉnh được thành lập. Các đội tự vệ của thôn xóm trong toàn phủ Thạch Hà được thành lập, ông Trần Hậu Xương được giao phụ trách quân sự.

Chuyện về người cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hà Tĩnh

Ông Lê Nghi (bên trái) cùng ôn lại những kỷ niệm thời kỳ kháng chiến với ông Trần Hậu Ngọc.

Ông Lê Nghi (87 tuổi), trú tổ dân phố Tiền Phong, phường Thạch Quý, nhân chứng của thời kỳ đó kể lại: “Tôi lúc đó mới 8 tuổi nhưng vẫn còn nhớ rõ mọi chuyện. Ông ngoại tôi làm lý trưởng xã Trung Tiết, giữ ấn triện của xã. Một buổi sáng mùa thu, trời không nắng, tôi thấy có một đoàn 4 người (lớn lên tôi mới biết 1 người trong đó là ông Trần Hậu Xương) đến nhà để yêu cầu ông tôi giao lại ấn triện và các loại giấy tờ cho chính quyền mới. Ông Xương phụ trách quân sự, đeo cây kiếm dài, cưỡi ngựa, chắc là thu được từ quân Nhật. Họ nói năng từ tốn, nhã nhặn. Ông ngoại tôi bàn giao lại đầy đủ cho chính quyền mới”.

Giành chính quyền được một thời gian, ông Trần Hậu Xương tham gia quân đội, chiến đấu ở Na Pê (Lào), Điện Biên Phủ và có thời gian đi học đông y ở Trung Quốc, phục vụ, trong quân đội. Ông mất năm 1970, tại phường Nam Hà. Ông được nhận nhiều huân, huy chương, bằng khen của quân đội và được Tỉnh ủy Hà Tĩnh công nhận là người hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 đã hy sinh, từ trần.

Lớp cha trước, lớp con sau…

Sau khi nghe ông Trần Hậu Ngọc kể về quá trình hoạt động cách mạng của cụ Trần Hậu Xương, chúng tôi đã cùng ông và gia đình đến thăm Nhà lao Hà Tĩnh (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh), nơi người cộng sản Trần Hậu Xương cùng biết bao sĩ phu yêu nước, chiến sĩ cách mạng bị giam cầm.

Chuyện về người cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hà Tĩnh

Ông Trần Hậu Ngọc và vợ luôn nhắc nhở nhau bảo ban con cháu sống và học tập theo lý tưởng cách mạng.

Xúc động đặt tay lên tấm bia tại Nhà lao Hà Tĩnh, ông Ngọc chia sẻ: “Một đời cha tôi đã chiến đấu kiên trung vì độc lập, tự do của dân tộc. Chúng tôi vô cùng tự hào về truyền thống gia đình. Tinh thần cách mạng của cha sẽ mãi được con cháu cùng các thế hệ Nhân dân Hà Tĩnh tiếp nối, gìn giữ”.

Tiếp nối truyền thống của cha, ông Trần Hậu Ngọc lớn lên cũng tham gia quân đội, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, được kết nạp Đảng trong quân đội, hiện đã nghỉ hưu, ở phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh. Ông là đảng viên 55 năm tuổi Đảng. Vợ ông là bà Bùi Thị Xuân, sau thời gian tham gia quân ngũ, chuyển về làm ở Liên đoàn Lao động tỉnh rồi nghỉ hưu. Bà Xuân cũng là đảng viên 50 năm tuổi Đảng. Gia đình ông bà sống yên ấm, hạnh phúc cùng con cháu.

Chuyện về người cán bộ tiền khởi nghĩa ở Hà Tĩnh

Con cháu, họ hàng của ông Trần Hậu Xương bên bia Nhà lao Hà Tĩnh - nơi ông Trần Hậu Xương và các chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng bị giam cầm.

Trong chuyến về thăm lại Nhà lao Hà Tĩnh một sáng đầu thu, ngoài gia đình ông bà Ngọc còn có các cháu nội và họ hàng của ông Trần Hậu Xương. Ông Trần Hậu Hải, Trần Hậu Tâm, 2 cháu nội cũng là 2 doanh nhân ở Hà Tĩnh tự hào giới thiệu với chúng tôi về người em con chú ruột của ông Xương, đó là ông Trần Hậu Tùng, người cộng sản trung kiên cũng từng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929, đầu năm 1930 bị kết án tù và bị đày đi Buôn Mê Thuột với số tù là F1407, được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Và cũng dưới bức phù điêu ghi lại tinh thần của những người cộng sản yêu nước, chúng tôi được gặp ông Trần Thanh Giáp - Tiểu đội trưởng Tiểu đội Cảm tử rà phá thủy lôi và bom từ trường ở Cửa Hội (Nghi Xuân), cháu gọi ông Xương bằng chú. Sau trận rà phá thủy lôi ngày 26/2/1972, ông Giáp là người duy nhất trong 8 người còn sống sót, bị thương nặng.

Câu chuyện về những người cha, người ông, người họ hàng của một đại gia đình có truyền thống cách mạng sẽ còn được cháu con hôm nay kể mãi như nhắc nhở họ sống xứng đáng với cha ông mình.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.